Dịch bệnh, lương tâm, niềm tin, việc tử tế!
Hoang mang chính là điều không thể tránh khỏi. Và khi y học vẫn chưa phát triển nhanh bằng tốc độ biến đổi của viruts, con người đối mặt với dịch bệnh với tâm thế của “những người thám hiểm vùng đất mới”, dĩ nhiên họ không hề biết trước sau màn sương dịch bệnh kia sẽ có gì!
Hơn 40 nghìn người nhiễm, hơn 900 người tử vong. Một tốc độ lây lan lớn hơn cả dịch SARS, và ngay cả bây giờ, con số ấy vẫn tiếp tục tăng lên, từng ngày, từng giờ, từng phút và khi bạn đọc bài viết này thì con số ấy cũng có thể không còn chính xác nữa! Nhưng con người không hề đầu hàng dịch bệnh, và chính trong cơn hoạn nạn lớn lao này, chúng ta đã được chứng kiến nhiều điều – hơn bất cứ thời điểm nào khác!
Bạn nghĩ 1 hộp khẩu trang y tế thông thường giá bao nhiêu tiền? 40.000? 50.000?… Không! Nó còn hơn thế, ai có thể ngờ, có 1 ngày người ta bán 1 hộp khẩu trang y tế với giá 300.000, 400.000, 500.000… mà vẫn có hàng ngàn người chen nhau đi mua, bất kể mọi giá tiền, dù biết bị nâng giá nhưng không còn cách nào khác, phải có 1 cái gì đó để lấn át nỗi sợ – không có thứ gì có thể trấn an dư luận tốt hơn khẩu trang. Và dẫu biết rằng, năng lực sản xuất trong nước, nguồn cung ứng nội địa vẫn cứ dồi dào đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân thì người ta vẫn cứ lo thiếu, vẫn cứ cố mua thật nhiều, khẩu trang vẫn bị đẩy giá lên cao!
Một cuộc tranh luận nảy lửa giữa đạo đức và kinh tế thị trường diễn ra, một bên thì cho rằng cầu vượt cung dẫn đến giá cả leo thang là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, một bên thì cho rằng lợi dụng dịch bệnh, tạo ra khan hiếm để trục lợi là hành vi băng hoại đạo đức… và có vẻ như người ta đã quên mất rằng khẩu trang không phải thứ duy nhất có thể phòng tránh dịch, chẳng phải ở Vũ Hán tất cả mọi người đều đeo khẩu trang nhưng hàng ngày vẫn có hàng ngàn người nhiễm đó sao? Và có thể người ta cũng đã quên mất rằng, đồng tiền thì không có tác dụng phòng tránh virus, và nếu bạn có kiếm được thật nhiều tiền từ việc bán khẩu trang nhưng 1 ai đó không thể mua được khẩu trang do giá quá cao và bị nhiễm bệnh, họ vẫn có nguy cơ lây bệnh cho nhiều người đeo khẩu trang khác. Tiền nhiều để làm gì khi tất cả chúng ta cùng nằm trong bệnh viện, thều thào thở oxy? Người ta vui mừng vì cơ quan quản lý thị trường xử lý sai phạm của nhiều nhà thuốc, trong đó có cả những người tuyên bố không nhập khẩu trang, có khẩu trang nhưng kiên quyết không bán. Còn chúng ta thì cảm thấy chua xót, chua xót cho 2 tiếng “đồng bào” bị cái khẩu trang khinh rẻ.
Có lẽ Việt Nam là 1 trong số ít các dân tộc mà khi người với người gọi nhau 2 tiếng “đồng bào” lại có ý nghĩa sâu sắc nhất, “đồng bào” – cùng 1 bào thai sinh ra – chẳng phải dân tộc ta bắt nguồn từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ hay sao? Dân tộc 96 triệu dân như một, chung nguồn gốc, cùng tiên tổ. Và trong cơn hoạn nạn, nghĩa đồng bào lại đẹp hơn bao giờ hết, vượt lên mọi điều xấu xa!
Bạn nghe đến việc nhiều người Hàn Quốc biểu tình, đập phá, dùng cả máy xúc để ngăn cản chính quyền đưa 700 người Hàn Quốc khác từ Trung Quốc về nước rồi chứ? Từ 1 nền điện ảnh đồ sộ của Châu Á, với nhứng bom tấn như “Đại Dịch Cúm”, “Chuyến tàu sinh tử” hay “Ký sinh trùng” người ta đã hình dung và khiếp sợ viễn cảnh những người “đồng bào” của mình từ Trung Quốc về nước sẽ đem theo những mầm bệnh nguy hiểm, sẽ cướp đi sự sống tại đất nước của họ, và không gì tốt hơn việc ngăn cản không cho những kẻ đó về nước. Lúc này, những người Hàn Quốc từ Trung Quốc về kia không phải là đồng bào mà chính là mầm bệnh. Cũng dễ hiểu khi xem nhưng thước phim của Đại dịch cúm, quân đội sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai nhiễm bệnh và nghi ngờ bị nhiễm bệnh còn chuyến tàu sinh tử thì người ta sẵn sàng bỏ mặc những người còn khỏe mạnh ở 1 khoang tàu đầy xác sống, giết bất kỳ ai lai vãng đến vùng đất sự sống cuối cùng – Busan. Nó gây nên 1 nỗi ám ảnh, 1 nỗi sợ tiềm tàng, nó quyết định đến hành vi đáng xấu hổ của con người!
Ở Việt Nam thì sao? Thật may mắn khi nhà nước quyết định đón những người Việt Nam từ Trung Quốc trở về mà chẳng có chiếc xe ủi hay máy xúc nào ngăn cản cả! Quân đội Nhân dân Việt Nam – bằng khả năng và trách nhiệm của mình, đã mở rộng cửa doanh trại đón tất cả đồng bào về nước, đảm bảo mọi điều kiện sinh hoạt theo tiêu chuẩn quân đội cho những người đang bị cách ly theo dõi, đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau trong cơn đại dịch. Một quyết định đủ làm ấm lòng hàng chục triệu con người, nghĩa đồng bào trong lúc hoạn nạn không hề phai nhạt!
Chỉ chưa đến một tháng sau vụ sát hại các sĩ quan công an bảo vệ thi công trên đất quốc phòng ở Đồng Tâm, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã dành hai khu doanh trại cấp trung đoàn để làm nơi tiếp nhận, cách ly 950 người trở về từ Trung Quốc, đề phòng dịch nCoV. Đó là doanh trại Trung đoàn bộ binh 59, Sư đoàn bộ binh 301, và doanh trại Trường quân sự của Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Ngày thường, những khu vực này chỉ có một hai tiểu đội vệ binh canh gác, lơ thơ vài chục người. Nhưng khi có tình huống, thì nó đảm bảo việc ăn ở, sinh hoạt, và huấn luyện cho hàng ngàn quân. Và đương nhiên, nó còn có thể làm nơi tập trung, bảo vệ nhân dân.
Trong thời chiến, quân số của một tỉnh có thể phình to lên hàng vạn quân. Một trung đoàn dự bị của tỉnh có thể nhanh chóng huy động hàng ngàn người theo lệnh động viên. Lẽ dĩ nhiên sẽ cần 1 khu đất tương xứng với quy mô quân số. Vậy nên, bạn có thể thấy đất quốc phòng bỏ không mọc cỏ nhưng đừng nên hỏi đất quốc phòng dùng để làm gì? Nó có thể làm nhiều thứ hơn bạn nghĩ!
Hằng ngày, bạn nghe nói nhiều đến lương tâm con người, nhưng chắc chắn, không lúc nào lương tâm con người biểu hiện rõ bằng lúc hoạn nạn.
Nhiều người đã chỉ trích việc Chính phủ Việt Nam viện trợ 500.000 USD cho Trung Quốc phòng dịch, nhiều người thì nói “tại sao không dùng tiền đó mua khẩu trang cho dân mà lại đi cho Trung Quốc?”
Họ có thể đã từng đọc câu chuyện “cháy nhà hàng xóm”, họ có thể hiểu nhưng cũng có thể vì lòng thù hằn cá nhân mà đánh mất lý trí. Giúp bạn cũng có nghĩa là giúp mình, giúp Trung Quốc ngăn chặn dịch cũng có nghĩa là giúp giảm nguy cơ từ biên giới phía Bắc. Đó vừa là phẩm chất cao thượng của 1 dân tộc xưa nay vốn luôn dùng “đại nghĩa để thắng hung tàn”, đó cũng vừa là phẩm chất cao quý của người cộng sản, tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp!
Không chỉ Việt Nam, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác cũng hướng về Trung Quốc với nhiều sự trợ giúp: “Vũ Hán cố lên! Trung Quốc cố lên!”
Và nếu bạn còn FA, nếu bạn chưa có người yêu thì trong những ngày này, có lẽ bạn vẫn biết rằng vẫn có người luôn quan tâm đến bạn! BỘ Y TẾ – Đều đặn mỗi ngày vài tin nhắn nhắc nhở, mỗi ngày một câu khẩu hiệu “Việt Nam quyết thắng đại dịch!” đủ khiến bất kỳ ai ấm lòng!
Bạn hoàn toàn có thể yên tâm về nền y tế của chúng ta, yên tâm về đất nước của chúng ta, khi tất cả những trường hợp nghi nhiễm sẽ được Bộ Quốc phòng cách ly bảo vệ, theo dõi, những trường hợp nhiễm bệnh đều được chữa trị… tất cả đều miễn phí, tất cả đều được nhà nước chi trả 100%. Và thật bất ngờ, khi ở Việt Nam, số người nhiễm bệnh vẫn thấp hơn số người bị mời lên phường làm việc vì tung tin thất thiệt, số tiền phạt thu được đến nay đã hơn 900 triệu. Số tiền đó sẽ “giúp” nhiều người có khẩu trang đeo, được theo dõi sức khỏe hơn nữa.
Niềm tin trong xã hội – kể cả khi có dịch bệnh, có thể bị giảm sút, có thể bị nhiễu loạn nhưng không bao giờ bị mất đi!
Khẩu trang tăng giá nhưng người ta vẫn tin tưởng vào những điều tốt đẹp do vẫn còn đó những người bán khẩu trang không trục lợi. Vẫn có những nhà thuốc, vẫn có những doanh nghiệp phát miễn phí khẩu trang, bán đúng giá khẩu trang, nhập thêm dây chuyền sản xuất hiện đại về bán khẩu trang chất lượng cho dân. Nhà nước siết chặt kỷ cương, ngăn chăn gian thương, tăng cường niềm tin xã hội!
Người ta vẫn tin tưởng vào những điều đẹp đẽ, vẫn có cô, cậu bé dành toàn bộ tiền mừng tuổi mua khẩu trang tặng mọi người; vẫn có những y bác sỹ ngày đêm chăm sóc bệnh nhân, những người lính quen việc thao trường nay trở thành những chiến sỹ chống dịch như chống giặc… nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra trong những ngày này!
Và sau cùng, khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta đã thấy gì?
Một Nhà nước không bỏ mặc công dân của mình, một Chính phủ quyết không bỏ lại ai ở phía sau, một hệ thống chính trị phối hợp kiên quyết tiêu diệt dịch, bảo vệ Nhân dân. Những việc tử tế, những con người tử tế, tạo nên một xã hội tử tế! Đương nhiên, vẫn còn những cái xấu, những thứ vẩn đục xung quanh, nhưng nổi bật hơn cả đó là niềm tin! Niềm tin tất thắng dịch bệnh!
Bộ Y tế đã nói đúng: “Việt Nam quyết thắng đại dịch!”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói đúng: “Thà hy sinh một phần lợi ích kinh tế chứ nhất định không để đồng bào gặp nguy hiểm!”. Với tất cả tinh thần và trách nhiệm, với tất cả sức mạnh và niềm tin, vượt lên mọi khó khăn, Việt Nam sẽ thắng đại dịch!
Đọc nhiều