130115
topics
362684

Dịch bệnh COVID-19: Hãy tăng sức đề kháng, đừng lạm dụng khẩu trang !

13/02/2020 16:45

Sức đề kháng của cơ thể được hiểu đơn giản là khả năng “bắt” tác nhân gây bệnh lại và tự tạo ra miễn dịch cho bản thân, đây là một quá trình lâu dài, không phải khi có dịch mới được quan tâm.

Dich benh COVID-19: Hay tang suc de khang, dung lam dung khau trang hinh anh 1
Khá nhiều người dân ưa chuộng khẩu trang vải vì sự tiện dụng khi ra đường. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra, đang bộc lộ những “hệ quả phụ.”

Một trong số đó là sự lạm dụng khẩu trang y tế cùng với nguy cơ phát tác virus từ chính những vật dụng phòng ngừa này.

Chỉ là liệu pháp tâm lý

Ai cũng biết khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa sự lây nhiễm các loại virus nói chung và virus nCoV nói riêng thông qua đường hô hấp. Khẩu trang y tế ở Việt Nam vốn rất rẻ và thực sự dễ mua cho đến khi nó trở thành “liệu pháp tâm lý” đối với số đông và thậm chí là bị lạm dụng.

Gọi là liệu pháp tâm lý bởi hiện nay chúng ta thấy “nhà nhà đeo khẩu trang” và rất nhiều người sử dụng sai cách nên ít có tác dụng phòng, chống virus.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trường Giang cho biết việc dùng khẩu trang y tế sai cách khiến “nguy cơ bị nhiễm bệnh còn cao hơn” là không dùng.

Theo ông, tháo đúng cách khẩu trang đang đeo là cầm ở phía dây rồi bỏ thẳng vào thùng rác.

Trong khi hiện nay đa số người dân đeo khẩu trang vào rồi tháo ra, chạm tay vào khẩu trang rồi đeo lại, cứ thế nhiều lần.

Khẩu trang y tế được cho là “bị lạm dụng” bởi chúng ta sử dụng mọi lúc, mọi nơi, cả khi chưa thực sự cần thiết. Điều này tạo ra cảm giác an toàn “ảo” và thái độ coi thường các biện pháp phòng ngừa cần thiết khác.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đeo khẩu trang giúp phòng, chống bệnh đường hô hấp rất tốt, nhưng chúng ta phải xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào thì dùng khẩu trang.

Hiện nay, dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao như khi đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện. Nếu ngồi trong lớp học, văn phòng làm việc thì không cần thiết phải đeo khẩu trang vì cũng có thể gây bí thở…

Lời khuyên của giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu gần gũi với quan điểm từ phía Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ).

Cơ quan này cho rằng không cần quá đề cao việc đeo khẩu trang vì điều này thực sự không hiệu quả bằng việc rửa tay thường xuyên, đúng cách.

Tương tự như nhiều địa phương khác, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương phối hợp với Sở Y tế xác định 5 nhóm ưu tiên bắt buộc phải sử dụng khẩu trang hằng ngày để phòng ngừa sự lây lan của COVID-19 (nCoV).

Đó là những người làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thường xuyên tiếp xúc đông người; những người làm việc tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi; những người làm việc tại các cơ sở lưu trú và khách sạn; các nhân viên bến xe, cảng hàng không, đường thủy, taxi, xe buýt; các nhân viên ở những bếp ăn tập thể.

Khẩu trang y tế nên được sử dụng trong trường hợp nào?

Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh, những người thuộc đối tượng nghi nhiễm bệnh, những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus nCoV, những người có các triệu chứng ho, sổ mũi, hắt xì liên tục nên đeo khẩu trang y tế để hạn chế lây các bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng.

Với người trực tiếp chăm sóc, điều trị các bệnh nhân nhiễm virus nCoV hoặc những người đi vào ổ dịch, cần được trang bị khẩu trang chuyên dụng N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng đặc biệt khác.

Dich benh COVID-19: Hay tang suc de khang, dung lam dung khau trang hinh anh 2
Học sinh tại một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bến Tre thường xuyên rửa tay để phòng tránh bệnh. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Hệ quả của việc lạm dụng khẩu trang y tế

Theo quy định của Bộ Y tế, khẩu trang y tế chỉ được sử dụng một lần và người dân sau khi dùng phải bỏ ngay vào thùng rác.

Tuy nhiên, do ý thức của người dân chưa cao nên khẩu trang y tế bị vứt bừa bãi ở ngoài đường, trong công viên, trên bãi cỏ, dưới cống, rãnh… gây mất mỹ quan.

Điều đáng lo ngại hơn là do virus Corona chủng mới tiếp tục tồn tại vài ngày trong môi trường tự nhiên nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ khẩu trang y tế rất lớn.

Chính quyền và các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cũng đã lên tiếng cảnh báo về điều này.

Tình trạng tương tự đã và đang xảy ra ở Trung Quốc trong thời kỳ dịch SARS (năm 2003) và hiện nay trong thời điểm dịch COVID-19 (nCoV) đang hoành hành.

Theo báo China Daily, ông Jiang Rongmeng, bác sỹ trưởng tại Trung tâm Truyền nhiễm (Bệnh viện Ditan), cho biết khẩu trang đã qua sử dụng có thể chứa nhiều loại virus, bao gồm cả virus nCoV chủng mới, do đó chúng không nên được loại bỏ một cách ngẫu nhiên như rác thải thông thường, cũng không phù hợp để bỏ chung với rác thải gia đình.

Còn giáo sư về chất thải nguy hại tại Khoa Môi trường (Đại học Thanh Hoa) Jiang Jianguo nêu rõ rằng Chính phủ nên bố trí một số thùng rác đặc biệt trong các khu dân cư để thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng. Nếu không có thùng rác như vậy, người dân nên bọc khẩu trang đã sử dụng trong túi trước khi vứt đi. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý khẩu trang y tế đã qua sử dụng phải do các công ty được cấp phép chuyên về xử lý rác thải y tế thực hiện.

Việc lạm dụng khẩu trang y tế còn tạo ra tình trạng khan hiếm không cần thiết về vật dụng phòng ngừa, dẫn đến hiện tượng tích trữ trong các gia đình, găm hàng tại các cơ sở kinh doanh, kích thích hành vi đẩy giá lên cao để trục lợi, thậm chí là lừa đảo-sản xuất và tiêu thụ khẩu trang không đạt chuẩn với giá “trên chuẩn.”

Khẩu trang vải kháng khuẩn có vai trò quan trọng

Do nỗi sợ hãi trước COVID-19 (nCoV) lớn hơn nguy cơ thực tế cũng như do hiểu chưa đầy đủ về cách thức phòng ngừa nên việc sử dụng khẩu trang vải chưa được chú trọng.

Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn thì việc sử dụng đúng cách khẩu trang vải ba lớp hay khẩu trang vải hai lớp tẩm chất sát khuẩn có hiệu quả tránh lây nhiễm nCoV.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định khẩu trang y tế về nguyên tắc chỉ nên dùng một lần, không dùng lần hai, còn khẩu trang vải có thể giặt hàng ngày, dùng xong trong một ngày thì có thể giặt, phơi khô và hôm sau lại tiếp tục sử dụng.

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh), do virus Corona chủng mới có kích thước nhỏ nhưng không tự bay lơ lửng trong không trung, mà phải có môi trường để phát tán – những giọt nước miếng bắn từ người bệnh khi nói chuyện, hắt hơi, ho…

Do vậy, chỉ cần đeo khẩu trang 3 lớp là được; không nhất thiết phải cần khẩu trang chuyên dụng vốn dành cho trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người đang nhiễm bệnh và có diễn biến nặng.

Tiến sỹ, bác sỹ Huỳnh Minh Tuấn, Phó Trưởng bộ môn Vi sinh-ký sinh, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng khoa Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ông vẫn dùng khẩu trang vải khi ra đường, chỉ khi làm việc ở bệnh viện, nơi tập trung đông bệnh nhân, ông mới sử dụng khẩu trang y tế 3 lớp.

Khẩu trang vải ngoài hiệu quả kháng khuẩn còn có tác dụng giảm áp lực đối với việc cung cấp khẩu trang y tế, giảm thiểu rác thải từ lượng khẩu trang sử dụng một lần, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp Việt

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dệt kim Đông Xuân (Hà Nội) thông tin, doanh nghiệp này đã sản xuất khẩu trang kháng khuẩn bằng vải dệt kim gồm hai lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn, được tái sử dụng trong khoảng 30 lần giặt, có thể sử dụng để phòng dịch COVID-19 (nCoV).

Công ty tự chủ sản xuất nguyên liệu với công suất 5-8 tấn/ngày, có thể tăng lên 8-10 tấn/ngày, mỗi tấn vải cho ra 40.000 khẩu trang, giá bán lẻ là 7.000 đồng/chiếc.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thông, nguyên Viện trưởng Viện Dệt may (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), cho biết phương pháp chung nhất để có được sản phẩm dệt kháng khuẩn là tẩm các chất kháng khuẩn và giữ chúng ở trên hoặc ở trong vật liệu dệt trong suốt quá trình sử dụng.

Các chất kháng khuẩn được đưa lên vải thường là những chất diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển.

Hiện tại, các chất sử dụng trong sản xuất vải kháng khuẩn chủ yếu là chất diệt khuẩn. Việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: Ngấm ép, tráng phủ hoặc phun…

May khẩu trang tại Garco 10, Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Được xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% vi khuẩn sau 60 phút tiếp xúc và giảm còn 60-70% sau một số lần giặt (sau 10 hoặc 20 lần giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn).

Ưu điểm của công nghệ này là có thể xử lý các lô hàng nhỏ, nhanh, linh hoạt trong việc sản xuất và cung ứng sản phẩm cho khách hàng, phù hợp với yêu cầu cung cấp kịp thời vải kháng khuẩn cho sản xuất khẩu trang.

Nếu áp dụng công nghệ mới, khả năng diệt khuẩn của khẩu trang vải sẽ cao hơn và bền hơn.

Để khẩu trang vải phòng, chống dịch COVID-19 (nCoV) đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng cao của người dân, cần có sự kết hợp giữa các doanh nghiệp dệt nhuộm và doanh nghiệp dệt may thông qua mối quan hệ kết nối của cơ quan nhà nước và các cơ quan chức năng.

Không chỉ ở Việt Nam, tại Hong Kong (Trung Quốc), trong bối cảnh thành phố đang thiếu hụt khẩu trang y tế, một số doanh nghiệp từ ngày 10/2 đã bắt đầu sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn có thể tái sử dụng.

Theo báo South China Morning Post, 3.000 chiếc khẩu trang vải dự kiến sẽ được phân phát cho các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương của thành phố vào ngày 16/2.

Loại khẩu trang này có 3 lớp vải và được cho là có hiệu quả trong việc bảo vệ người sử dụng khỏi các giọt nhỏ (droplet) và hạt bụi cũng như vẫn còn khả năng kháng khuẩn sau 50 lần giặt.

Khẩu trang không phải là “thần dược”

Tuy nhiên, để phòng, chống COVID-19 (nCoV) một cách hiệu quả nhất thì không phải và không chỉ đơn giản là sử dụng khẩu trang. Quan trọng hơn là mọi người cần có ý thức giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh), nhấn mạnh rằng các bệnh do virus khi chưa có vắcxin thì sẽ “đến hẹn lại lên,” từ 10-20 năm sẽ có một dòng cúm mới. Với virus nCoV, vào năm 2003 là dịch SARS, giai đoạn 2013-2015 là MERS, hiện tại là COVID-19 (nCoV).

Do vậy, chúng ta cần tăng cường sức đề kháng. Sức đề kháng của cơ thể được hiểu đơn giản là khả năng “bắt” tác nhân gây bệnh lại và tự tạo ra miễn dịch cho bản thân, đây là một quá trình lâu dài, không phải khi có dịch mới được quan tâm.

Trần Quang Vinh (TTXVN)

Đọc nhiều