Đi tiêm vắc xin vẫn tám chuyện, bị nhắc còn ‘vung tay vung chân’
‘Đi tiêm vắc xin nhưng một số người không xếp hàng theo hướng dẫn rồi lớn tiếng, bực bội dẫn đến huyết áp tăng, chen lấn đứng gần, tám chuyện với nhau, khi tình nguyện viên ra nhắc nhở còn bị những người này vung chân vung chân…’.
Phạm Thị Mai Loan, 8X, tình nguyện viên hỗ trợ điểm tiêm vắc xin tại P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM kể lại với phóng viên như vậy. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những thử thách mà chị và các bạn tình nguyện viên khác phải trải qua. Nhưng tinh thần vì cộng đồng đã khiến cho mọi người tìm được cách giải quyết hợp lý.
‘Chị đại’ ở điểm tiêm vắc xin
Tháng 6.2021, chị Loan bắt đầu đăng ký tham gia tình nguyện viên chống dịch ở TP.HCM. Đang là kế toán trưởng công ty Saigon Weico, chị Loan sắp xếp đi tình nguyện vào các ngày thứ 7, chủ nhật. Ban đầu, các ông việc của chị là trực chốt phong tỏa, phụ bếp, nhập liệu (khu vực lấy mẫu, tiêm vắc xin), điều phối, phụ lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ điểm tiêm.
Công ty thực hiện giãn cách, chỉ tới công ty 2-3 ngày trong tuần, ngày nào không đi làm, chị lại đi hỗ trợ các tình nguyện viên khác. Hiện tại, khi làm việc tại nhà, chị Loan dành được nhiều thời gian hơn để hỗ trợ chống dịch, vừa đảm bảo khối lượng công việc được giao. “Sau này, giám đốc mới biết tôi đi làm tình nguyện viên và đều tạo điều kiện để tôi được tham gia”, chị Loan kể.
Lớn tuổi hơn một số bạn tình nguyện viên khác, trầm tính, hay kết nối với các bạn để hiểu hoàn cảnh mỗi người, chị Loan được các tình nguyện viên gọi vui là “chị đại mười ba”. Ngày nào “chị đại” cũng đạp xe tới điểm hỗ trợ. Trong lúc trực chốt, chị để dành phần ăn của mình để có thể chia sẻ với các cô chú bán vé số, người vô gia cư hoặc người nhặt ve chai…
Từ vài tuần nay, chị Loan và các bạn trẻ khác hỗ trợ điểm tiêm vắc xin tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú. Bên cạnh những người rất có ý thức 5K và chia sẻ với lực lượng y tế, đội ngũ tình nguyện viên thì một số người hay than vãn, không xếp hàng, ghi thông tin sai, la lối khiến mọi người rất buồn lòng.
Chị Loan kể: “Nhiều người thường có tâm lý đến rất sớm dẫn đến tình trạng phải chờ đợi. Ví dụ 7 giờ 30 sáng là lúc bắt đầu tiêm vắc xin thì 6 giờ 30 người dân đã tới và than phiền là phải đợi quá lâu. Nhiều người không đọc kỹ hoặc không nghe khi tình nguyện viên hướng dẫn nên ghi thông tin sai, không chịu xếp hàng theo hướng dẫn rồi lớn tiếng hoặc bực bội dẫn đến huyết áp tăng. Rồi khai không đúng sự thật về sức khỏe…”.
Theo nữ tình nguyện viên hỗ trợ điểm tiêm, nhiều người có tâm lý chủ quan khi thực hiện 5K. Những tình nguyện viên phải nói rất to, lặp lại nhiều lần vì đeo 2 khẩu trang và kính chắn nên nói bình thường mọi người khó nghe thấy, nhưng nhiều người vẫn không tuân thủ.
“Bà con đứng chen lấn gần nhau, tám chuyện với nhau, thậm chí đưa tay lên mặt. Có hôm người dân đến sớm quá, chúng tôi sốt ruột nên bắt tay vào làm việc luôn dù chưa kịp ăn sáng hay ăn trưa, không kịp nghỉ ngơi. Rồi mặc áo bảo hộ kín mít, trời nóng mà không dám uống nước, người mất nước mệt lả lại càng thêm buồn vì nhiều người la mắng. Thậm chí nặng lời như “tụi bây nhận lương thì phải làm, bắt tao đợi rồi không cho tiêm à”, rồi thậm chí có người còn vung tay, vung chân. Nhưng tình nguyện viên không nhận lương, chỉ có những mệnh lệnh từ trái tim thúc giục chúng tôi tham gia hỗ trợ cho bà con, bất kể nắng mưa”, chị Loan xúc động.
“Vì thành phố bình yên, chúng tôi không ngại chi”
Cùng với Loan, mỗi ngày ở khắp thành phố có nhiều cô gái đang tham gia chống dịch. Từ tháng 6, khi tình hình dịch căng thẳng ở Q.Gò Vấp, Nguyễn Thị Ngọc Thảo (29 tuổi, trú P.6, Q.Tân Bình, làm việc trong ngành ngân hàng ở TP.HCM) cũng liên hệ với đăng ký đi tình nguyện chống dịch. Xuyên suốt tháng 6 và tháng 7, cô hỗ trợ trực khu cách ly tại Q.Gò Vấp, khu cách ly Q.3 tại trạm y tế 279 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Võ Thị Sáu.
Ngày nào cũng thế, cô gái chạy xe máy từ Q.Tân Bình qua Gò Vấp hoặc Q.3 để làm nhiệm vụ. Những ngày Sài Gòn nắng nóng như đổ lửa, Thảo và đồng đội vẫn bám chốt. Cô gái chia sẻ, chỉ mong được góp sức nhỏ bé của mình để thành phố sớm trở lại bình yên.
Loan, Thảo, những cô gái ngày thường có thể yểu điệu với váy áo, giày cao gót nhưng khi lên đường làm tình nguyện viên chống dịch, họ mạnh mẽ và bản lĩnh không kém bất kỳ ai.
Loan, người từng trải qua những nỗi buồn khi bị người dân la lối ở điểm tiêm vắc xin, luôn tin một lúc nào đó, mọi người đều hiểu hết vất vả mà đội ngũ thanh niên tình nguyện đang trải qua, hợp sức để cùng thành phố chống dịch.
Còn rất nhiều những hình ảnh đẹp về bà con trong thành phố khiến chị và những tình nguyện viên khác ấm lòng. Những bà con nghiêng người cảm ơn tình nguyện viên sau khi được giúp đỡ ở điểm tiêm vắc xin. Những cô bác dễ thương trong các khu phong tỏa, khi thấy tình nguyện viên trực chốt thì hỏi có mệt không, có đói không. Những chị ở hội phụ nữ ngày nào cũng mang nước mát ra mời, hôm nước chanh, hôm nước sâm. Hay những lần khi thanh niên áo xanh đi mua thuốc, đi siêu thị giúp người dân luôn được tặng thêm bánh kẹo kèm lời cảm ơn.
“Động lực của chúng tôi là được góp phần vào việc chống dịch của thành phố, để Sài Gòn tôi thương mau khỏe lại, nhịp sống trở về như trước. Bây giờ chắc nhiều người nhớ lắm Sài Gòn kẹt xe, nhớ được đạp xe dạo quanh thành phố. Tôi luôn mong mọi người thực hiện 5K và hãy tiêm vắc xin khi đến lượt mình. Các lực lượng tuyến đầu, y bác sĩ và tình nguyện viên luôn ngày đêm cùng cố gắng chống dịch, mong bà con đồng lòng chung sức”, chị Loan bộc bạch.
Thúy Hằng