8
category
386868

Di tích quốc gia thành… nơi chăn vịt

22/04/2020 16:22

Di tích cấp quốc gia lò gốm cổ Gò Sành (lò Cây Quăng và lò Cây Mận) ở thôn Phụ Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) đang bị xâm lấn, trở thành nơi chăn vịt, chứa củi của người dân.

Di tích khảo cổ lò Cây Quăng (cụm di tích quốc gia lò gốm cổ Gò Sành) đang trở thành nơi chăn vịt – Ảnh: THÁI THỊNH

Lò Cây Quăng đang được rào chắn bằng nhiều cành tre khô. Ngay sát tấm bia đá chứng nhận di tích là trang trại chăn nuôi của người dân với hàng trăm con vịt được thả, bốc mùi hôi thối.

Cách đó không xa, di tích lò Cây Mận có niên đại cuối thế kỷ 13-15… – một trong những trung tâm sản xuất gốm lớn, giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội Champa – cũng bị người dân chiếm dụng, trở thành nơi chứa củi và có cả rác thải sinh hoạt… Cả hai di tích này đều không có bất kỳ một hàng rào phân định ranh giới, mái che nào.

Ông Bùi Tĩnh – phó giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Bình Định – thừa nhận thời gian qua công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị tại cụm di tích lò gốm cổ Gò Sành chưa thật sự được quan tâm và gặp khó khăn.

“Đến nay vẫn chưa thỏa thuận được với các hộ dân ở đó, nên chưa thể xác định khu vực bảo vệ đối với điểm di tích lò Cây Mận. Còn điểm di tích lò Cây Quăng thì không phân định về phần cắm mốc di tích với vườn nhà dân, vì không có kinh phí thì không thể lập dự toán mời các đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện xây dựng khuôn viên di tích, nói chi đến việc trùng tu, tôn tạo” – ông Tĩnh nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Đông Hải – phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định – cho biết mới đây đã giao cho bảo tàng tỉnh và phòng văn hóa thị xã làm việc với các hộ dân, đề nghị người dân không được xâm phạm di tích, không xả rác bừa bãi.

Theo ông Hải, người dân đã ở đó từ trước thời điểm di tích được xếp hạng cấp quốc gia (năm 1998) nên việc giải tỏa hiện rất khó khăn, phải bố trí quỹ đất tái định cư mới thực hiện được và kinh phí rất lớn.

Tuy nhiên, TS Đinh Bá Hòa – nguyên giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định) – cho rằng việc di tích bị bỏ mặc như hiện nay trách nhiệm thuộc về Bảo tàng Bình Định – đơn vị tham mưu giúp sở – quản lý chưa tốt.

“Không cần phải di dời dân cho tốn kém, trước mắt phải làm khuôn viên, rào chắn xác định ranh giới rõ ràng, làm mái che, đồng thời tỉnh cấp kinh phí gửi cho xã để phân công người trông coi, bảo vệ” – ông Hòa nói.

TS Đinh Bá Hòa cho biết lúc khai quật, cụm di tích này còn nguyên cả hệ thống lò. Các hiện vật được lấy cát sông lấp lại rồi san phẳng. Thời điểm trước đây, cụm di tích có mái che nhưng làm bằng gỗ, nên một thời gian đã hư hỏng.

Nay sau một thời gian dài bỏ giữa mưa nắng, hệ thống lò gốm sẽ bị tác động xấu, đất và cát kết dính lại, sau này khai quật để phát huy rất khó khăn.

THÁI THỊNH/TT

Đọc nhiều