130115
topics
528714

Đi chợ, siêu thị thế nào trong tình hình dịch Covid-19 căng thẳng?

Sơn Ca 30/06/2021 09:19

Trong ngày 29-6, TP.HCM có thêm nhiều chợ, siêu thị phải tạm ngưng hoạt động vì liên quan các ca COVID-19. Làm sao giữ ổn định phòng tuyến thực phẩm và người dân cần làm gì để an toàn khi đi chợ trong mùa dịch?

Tại một số hệ thống siêu thị, các loại thực phẩm như rau, củ… được đưa ra bán tại không gian mở nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh – Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Các siêu thị cho biết không khuyến khích khách đến mua trực tiếp, thay vào đó là đặt mua hàng trên các ứng dụng online. Nhiều bà nội trợ thừa nhận rất ngại đến chợ hoặc siêu thị mua hàng hóa, trừ trường hợp bất khả kháng do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Phải đóng cửa nhiều sạp hàng

Còn lại 2 khu khác trong chợ cũng áp dụng giảm mạnh số người bán với hiện còn khoảng 100 sạp, bằng 1/3 so với bình thường để thực hiện giãn cách các quầy sạp ra xa.

Ngay trong sáng 29-6, chợ Bà Chiểu tiếp nhận thông tin một ca COVID-19 liên quan khu bán rau cá nên cả khu này lập tức được phun thuốc khử khuẩn, lực lượng chức năng cũng đã khoanh vùng, đóng cửa luôn cả khu này với khoảng 150 tiểu thương phải ngưng kinh doanh.

Bên cạnh đó, chợ đã triển khai lấy khoảng 900 mẫu xét nghiệm cho thương nhân, cán bộ chợ, người dân sống trong khu chợ. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa phát hiện ca dương tính nào.

Đại diện ban quản lý chợ Tam Bình (TP Thủ Đức) cũng xác nhận chợ tạm ngưng hoạt động trong vòng 7 ngày, bắt đầu từ 21h ngày 28-6 sau khi có các trường hợp ở khu vực gần chợ liên quan ca COVID-19. Trưa 29-6, xung quanh chợ đều được giăng dây không cho người ra vào. Lối đi vào chợ có người trực gác.

Theo ông Hải – chủ sạp dừa tại đầu cổng chợ Tam Bình, việc chợ đóng cửa đột ngột khiến ông không kịp trở tay bởi hơn 700 trái dừa được nhập lên tới nơi. Tuy nhiên, ông Hải nói dù tồn đọng hàng nhưng theo quy định chung nên phải chấp hành.

Trong khi đó, các hộ dân xung quanh chợ Tam Bình cũng cho biết chịu nhiều ảnh hưởng trong sinh hoạt hằng ngày từ việc chợ đóng cửa.

Bà Trần Bích Hồng – hộ dân sống bên hông chợ – cho biết chợ đóng cửa nên bà đã gọi mua hàng tại siêu thị gần đó để họ giao tận nhà, còn không thì gửi nhờ người khác đi chợ khác, xa hơn để mua nhu yếu phẩm hằng ngày.

Giữ ổn định phòng tuyến thực phẩm

Tương tự các chợ truyền thống, tại kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm đến nay cũng ghi nhận hơn 40 điểm bán phải tạm dừng mở cửa để phòng, chống dịch.

Trong đó, ngày 29-6 siêu thị MM Market (phường An Phú, quận 2) đã đóng cửa vì liên quan một ca COVID-19. Trước đó, siêu thị Big C Miền Đông, AEON Mall Tân Phú, Vincom Thảo Điền… cũng phải tạm dừng do có liên quan ca COVID-19.

Theo các nhà bán lẻ, thông thường các điểm này phải đóng cửa ít nhất 7 ngày và sau khi tuân thủ các quy định, kiểm dịch an toàn mới được mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch căng thẳng, việc đóng cửa trên diện rộng và dài ngày sẽ ảnh hưởng nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân. Do đó, nhiều nhà bán lẻ cho biết họ phải “căng mình” giữ phòng tuyến thực phẩm sao cho ổn định, không bị đứt gãy.

Rất nhiều nhà bán lẻ đã kiến nghị cơ quan chức năng TP cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực kinh doanh trong thời gian thực hiện phong tỏa, phun khử khuẩn…

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng nên xem xét rút ngắn thời gian phong tỏa, dựa trên khả năng thực hiện các quy định về phòng, chống dịch an toàn của cơ quan y tế.

“Với các điểm mua sắm không may có ca F0, chúng ta cho tạm ngưng hoạt động mua sắm tại chỗ. Thế nhưng các cơ quan cũng cần cho phép duy trì hoạt động bán hàng online nhằm duy trì được mạng lưới phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân, bình ổn giá cả” – đại diện một nhà bán lẻ bày tỏ thêm.

Người dân cần làm gì để an toàn khi đi chợ trong mùa dịch?

1. Kiểm tra số lượng nhu yếu phẩm còn tồn ở nhà: Việc này giúp bạn xác định các loại vật phẩm, hàng hoá mà bạn và gia đình đang cần mua.

2. Lập danh sách & sắp xếp theo thứ tự những vật phẩm cần mua: Danh sách này giúp cho quá trình tìm kiếm & xác định vị trí hàng hoá trong chợ hay siêu thị trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Hạn chế việc “đi dạo” không cần thiết.

3. Nên đeo khẩu trang & mang theo dung dịch sát khuẩn tay nhanh: Trong mùa dịch hiện nay, khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay nhanh đã trở thành vật bất ly thân ở bất kì nơi đâu. Đừng để chuyến đi đến chợ hay siêu thị là một ngoại lệ nhé.

4. Chỉ nên mua với số lượng cần thiết, tránh gom hàng tích trữ: Việc gom hàng không những khiến các nhà cung cấp chật vật để đáp ứng nhu cầu mà còn khiến nhiều người không tiếp cận được các nhu yếu phẩm. Đặc biệt là nhóm đối tượng không có khả năng tranh mua hàng số lượng lớn như người lớn tuổi, hộ gia đình có thu nhập thấp…

5. Giữ khoảng cách với người khác ít nhất 2 mét: Hãy luôn nhớ khoảng cách an toàn là 2 mét. Đặc biệt trong quá trình mua sắm bạn cũng nên hạn chế việc tiếp xúc gần với người khác.

6. Khi về nhà nên rửa sạch tay và đồ tươi như trái cây, rau củ: Vi khuẩn, vi-rút có thể bám trên tay và các bề mặt nên tốt nhất khi về đến nhà bạn nên rửa sạch tay với xà phòng, đồng thời rửa kĩ trái cây, rau củ tươi.

Sơn Ca

 

Đọc nhiều