Dệt may tận dụng cơ hội lớn

24/09/2020 07:16

Số liệu của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020, trong vòng một tháng qua, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD (khoảng hơn 6.400 tỷ đồng) đi 28 nước EU.

Theo nhận định, EVFTA sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày trong thời gian tới

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,… Thị trường nhập khẩu các mặt hàng do Việt Nam sản xuất đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh Quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đều thừa nhận, EVFTA đang là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành để đưa hàng vào châu Âu, nhằm cải thiện tình hình hoạt động trong bối cảnh tính đến cuối tháng 8/2020, xuất khẩu hàng dệt may đã giảm 11,6% so cùng kỳ khi mới chỉ đạt 19,2 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD hồi đầu năm 2020 càng xa vời.

Ngay cả so với kịch bản dự báo xuất khẩu được điều chỉnh vào hồi tháng 5/2020 là 30 – 31 tỷ USD, áp lực tìm thị trường xuất khẩu, đơn hàng trong 4 tháng cuối năm cũng là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp dệt may thừa nhận, EVFTA đang là cơ hội tốt nhất để doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi vòng xoáy khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, có 2 bài toán mà các DN dệt may phải sớm giải quyết nếu muốn tận dụng cơ hội từ EVFTA chính là câu chuyện giá thành và thời gian đáp ứng đơn hàng nhanh. Cùng với đó là những nút thắt về năng lực logistic, quy tắc xuất xứ sản phẩm, chưa kể việc phải đa dạng hóa mặt hàng thông qua cung ứng sản phẩm dệt may chuyên dụng, kỹ thuật cao, đa chi tiết hoặc đồ bảo hộ lao động, thể thao, y tế.

Cục Xuất nhập khẩu cũng cho hay, do tác động của dịch COVID-19, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020, gần như chắc chắn ngành da giày, túi xách Việt Nam sẽ không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Tính đến hết tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép mới đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), trong tổng giá trị xuất khẩu hiện nay, ngành da giày chỉ hưởng 35-40% giá trị, trong đó 25-30% dùng để trả chi phí nhân công, 5% là chi phí giao nhận ngoại thương. Vì vậy, phần giá trị thực tế mà doanh nghiệp trong ngành nhận được là rất ít.

Theo cam kết của EVFTA, 42,5% số dòng thuế hàng dệt may vào EU được giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; 47,5% số dòng thuế còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm. 

Phạm Tuyên/TP

Đọc nhiều