Một số ý kiến đề xuất nên xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường trước thực tế Việt Nam đã bao phủ rộng vắc xin Covid-19 trên cả nước, số ca tăng nặng và tử vong do Covid-19 giảm..
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhìn nhận: “Phòng chống dịch tại VN đang đi con đường đúng đắn là chuyển hướng từ zero Covid sang thích ứng an toàn. Hiện nay, với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron càng cho thấy, chúng ta không có hy vọng zero Covid được nữa”.
Nên chuyển bệnh Covid-19 xuống nhóm B để xã hội bớt căng thẳng?
PGS Lân Hiếu phân tích thêm: “Hiện, trong nước đã tiêm bao phủ rộng vắc xin Covid-19; sự xuất hiện của Omicron đã không còn gây bệnh tăng nặng như chủng Delta và đặc biệt là hệ thống y tế đã bắt đầu thích ứng với dịch bệnh… Đó là các yếu tố, điều kiện để chúng ta xếp Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa khác”.
Theo PGS Lân Hiếu, đến thời điểm này, cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự khi người dân bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Với góc nhìn là người làm công tác về y tế dự phòng, nguyên là Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho rằng đại dịch Covid-19 hiện vẫn còn khó đánh giá, quy luật của vi rút này lại khá đặc biệt và vẫn có các biến thể mới. Tuy nhiên, với tiến độ phủ vắc xin như hiện nay của VN, vi rút gây dịch Covid-19 có thể sẽ không hoàn toàn bị xóa sổ mà trở thành mầm bệnh đặc hữu như cúm mùa – là bệnh đặc hữu thông thường, như một bệnh chuyên khoa truyền nhiễm khác, khi đủ điều kiện “chuyển dịch” sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Ông Nga nêu ý kiến: “Bộ Y tế có thể đề xuất Covid-19 xuống nhóm B để xã hội bớt căng thẳng và ngành y tế đỡ vất vả. Vì nếu là bệnh truyền nhiễm nhóm A thì phải kiểm dịch ngặt nghèo và cách ly chặt chẽ, phong tỏa khu vực có dịch; còn nếu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, sẽ là bệnh truyền nhiễm thông thường, không áp dụng kiểm dịch ngặt nghèo và cách ly y tế, tương tự với các bệnh như: HIV, sởi, sốt xuất huyết; khi có bệnh chỉ là cách ly cá nhân như sởi, thủy đậu, bạch hầu…”. Ngoài ra, về phương thức chi trả, với bệnh truyền nhiễm nhóm A, kinh phí do nhà nước chi; nhưng khi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, việc điều trị không phải do nhà nước mà theo phương thức hiện hành chung, người có BHYT thì do quỹ BHYT hoặc tự chi trả theo yêu cầu.
Còn sớm…
Tuy vậy, cũng có ý kiến đánh giá khá dè dặt như của PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM. PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích: Biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta. Một số quốc gia có nguồn lực tốt và đã trải qua các vụ dịch nên họ không còn sợ lắm. Như nước Mỹ, ít nhất khoảng 30 – 40% dân số đã nhiễm bệnh Covid-19 và cũng đã tiêm chủng, mặt khác nguồn lực y tế của họ tốt. Thụy Điển, Anh… cũng đã ổn định. Còn TP.HCM tương đối tạm ổn vì đã trải qua đợt dịch, tiêm chủng cũng đã tốt lên, nhưng còn hạn chế ở điểm: nguồn lực y tế chưa tốt lắm; các tỉnh khác thì còn rất nhiều nguy cơ vì biến thể Omicron tuy không nặng, nhưng bài học của Nga xem nhẹ Omicron dẫn đến nhiều người bệnh và chắc chắn có người bệnh nặng, tử vong…
“Do đó, theo tôi vẫn chấp nhận biến thể Omicron xâm nhập, giúp tạo miễn dịch về lâu dài tốt hơn, nhưng nếu để lan rộng thì sẽ gây quá tải. Vẫn phải cố gắng kiềm chế sự gia tăng của biến thể Omicron để đỡ gánh nặng cho ngành y tế. Nhưng kiềm chế dịch không có nghĩa là đóng cửa nhà hàng, khách sạn, dịch vụ mà quan trọng là phải thực hiện 5K và khuyến khích người dân thực hiện chặt chẽ chứ không nên chủ quan”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói. Ông cũng phân tích thêm, hiện không thể xem dịch bệnh Covid-19 là cúm mùa, vì ngay cả Trung Quốc cũng không dám xem như vậy dù họ đã tiêm vắc xin, vì chưa qua dịch. Còn VN trải qua dịch ở một số nơi và nguồn lực y tế cũng còn kém hơn Trung Quốc, nên nếu chủ quan, không kiểm soát dịch sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều người tử vong.
“Cho dù tiêm 3 mũi, 4 mũi hay 5 mũi vắc xin đi chăng nữa thì cũng không thể chủ quan được. Xem Covid-19 là cúm mùa thì còn sớm đối với VN và hơi sớm đối với TP.HCM”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhận định.
Về quy định phân loại nhóm bệnh truyền nhiễm, một chuyên gia về truyền nhiễm lưu ý, Covid-19 được coi là bệnh chuyên khoa truyền nhiễm thông thường khi mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO công bố hết đại dịch. Việc công bố mức độ dịch phụ thuộc vào quy mô lây lan dịch, khả năng ngăn chặn dịch của vắc xin; nguy cơ tăng nặng khi mắc bệnh…
Chuyên gia này dẫn chứng: “Trước đây, cúm A/H1N1 từng được WHO công bố là đại dịch, nhưng sau đó đã đánh giá là cúm thông thường sau khi xem xét đánh giá lại các yếu tố về khả năng lây lan, mức độ gây tử vong”. Hoặc với Ebola, là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 80% nhưng WHO vẫn không coi là đại dịch, do quy mô lây lan của bệnh truyền nhiễm vẫn được khống chế tại một số quốc gia.
Đã tiêm đầy đủ thì nên xem như cúm mùa
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), muốn xem Covid-19 như bệnh cúm thông thường, thì TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung nên triển khai tiêm vắc xin bao phủ cho những người chưa tiêm. Theo bác sĩ Khanh, nơi nào đã tiêm ngừa đầy đủ thì xem bệnh này như cúm mùa, còn ngược lại, chưa tiêm đầy đủ thì không nên xem như cúm mùa.
Hồng Anh