Đến lúc Việt Nam thực hiện quyền lựa chọn nhà đầu tư
Theo GS.TS Đặng Đình Đào, quyền lựa chọn, thương thảo chủ yếu nằm ở các địa phương thông qua cơ chế phân cấp quản lý đầu tư.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp ngoại có xu hướng chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam. Đặc biệt, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang đã thúc đẩy làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam.
“Trong bối cảnh đó, Việt Nam có điều kiện và cơ hội để lựa chọn các dự án phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của kinh tế đất nước. Những dự án nào phù hợp với mục tiêu của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch của Việt Nam thì chúng ta sẵn sàng tiếp thu và cũng không có hạn chế”, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho biết.
GS Đào lưu ý ông không dùng từ “quyền mặc cả” trong trường hợp này bởi thấy nó “hơi quá” mà dùng từ “quyền lựa chọn”.
Cá nhân ông đánh giá, xu hướng dịch chuyển đầu tư nói trên chính là cơ hội ngàn vàng để Việt Nam thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Mỹ…
“Nếu những dự án có công nghệ nguồn ấy di chuyển đến Việt Nam đó là điều rất đáng mừng”, GS.TS Đặng Đình Đào nói.
Ông cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn rất cần thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư và khi có cơ hội thì nên tận dụng.
Thế nhưng, kinh nghiệm cho thấy, đã có một thời gian Việt Nam trải thảm, ưu ái cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều quá dẫn đến một số dự án tận thu tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, có dự án FDI nợ đọng bảo hiểm xã hội, nợ lương công nhân một thời gian dài rồi bỏ chạy.
“Những trường hợp ấy phải xem xét lại. Việt Nam đã qua thời khát vốn đầu tư cũng như thời dựa vào khai thác theo chiều rộng để tranh thủ đầu tư nước ngoài.
Đã đến lúc không phải cái gì ta cũng nhận, đừng mãi chạy theo những dự án gia công, năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp. Phải có sự cân nhắc, chọn lọc, thương thảo để các dự án phát triển, có lợi cho quốc kế dân sinh, lợi cho Việt Nam và cả nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Việt Nam sàng đón tiếp các nhà đầu tư tuân thủ luật pháp, đảm bảo vấn đề môi trường, lương bổng cho công nhân…, đặc biệt trong thời đại 4.0 phải đi vào công nghệ nguồn”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển lưu ý.
Thực hiện quyền lựa chọn, theo vị chuyên gia, Việt Nam cần xem xét lại việc có nên tiếp tục đầu tư một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hay không. Chẳng hạn, dệt nhuộm là lĩnh vực phải cẩn trọng trước khi gật đầu với đề xuất của các nhà đầu tư.
Ông lưu ý, “quyền lựa chọn” ở đây chủ yếu thuộc về các địa phương thông qua cơ chế phân cấp quản lý đầu tư.
“Nhiều địa phương đã nói không với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, bên cạnh đó, một số tỉnh đến giờ vẫn mang tâm lý thu hút trải thảm, dành nhiều ưu ái cho các dự án quy mô lớn, mà không lường trước những tác động khôn lường tới môi trường…
Quyền lựa chọn các dự án là có nhưng dường như nhiều tỉnh, ban quản lý các khu công nghiệp ở nhiều nơi lại không biết và không thực thi quyền lựa chọn ấy”, GS.TS Đặng Đình Đào nói.
(Thành Luân/ Đất Việt)