8
category
438902

Đêm kinh hoàng ở Rào Trăng 3 qua lời kể của người trở về

15/10/2020 14:11

Giữa đêm khuya, nhận tin nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 bị núi lở vùi lấp, các công nhân đội mưa đến khu vực bị nạn, chỉ thấy toàn đất đá. Mọi thứ im bặt. Sau khi tìm kiếm, cứu được 7 người, họ băng rừng, nhai mì tôm tìm đường sống.

Hàng xóm đến thăm, chia sẻ cùng anh Nguyễn Bá Cương (áo xanh) tại nhà sáng 15-10 – Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Sáng 15-10, công tác tìm kiếm cứu nạn các cán bộ, chiến sĩ đoàn cứu hộ gặp nạn ở trạm bảo vệ rừng 67 và các công nhân làm việc tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 vẫn rất khẩn trương. Chúng tôi tới nhà anh Nguyễn Đình Cương (34 tuổi), ở thôn Hiền An 2 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), công nhân may mắn thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 rạng sáng 12-10.

Cắt rừng trong mưa, nhai mì tôm tìm đường sống

Từ tối 14 và sáng 15-10, bà con hàng xóm thôn Hiền An 2 kéo đến thăm hỏi, động viên anh Cương và gia đình. Ông Nguyễn Bá Định, bố anh Cương, ôm con khóc nức nở. Ba ngày nay cả gia đình đứng ngồi không yên, chạy vô chạy ra UBND xã Phong Xuân (nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương của đợt cứu hộ – cứu nạn) hóng tin tức của con.

Vẫn còn khiếp sợ khi được lực lượng chức năng đưa từ thủy điện Rào Trăng 4 trở về chiều 14-10 sau vụ sạt lở kinh hoàng ở thủy điện Rào Trăng 3, anh Nguyễn Đình Cương chưa tin mình có thể sống để trở về với gia đình, bạn bè.

Đêm kinh hoàng ở Rào Trăng 3 qua lời kể của người trở về - Ảnh 2.
Hàng xóm, đồng nghiệp của anh Nguyễn Bá Cương đến thăm anh và gia đình sáng 15-10 – Ảnh: PHƯỚC TUẦN

 

Anh Cương kể: “Tối 11-10, trời mưa tầm tã. Sau khi ăn cơm ở nhà điều hành, tôi cùng người bạn lái xe múc ra khu vực lán trại của đội xe ngủ, cách nhà điều hành 300m. Đến khoảng 0h30 ngày 12-10, lúc đó mưa rất lớn, bỗng có anh đồng nghiệp chạy từ hướng nhà điều hành lên lán đội xe, ánh sáng từ đèn pin loạng choạng, hoảng loạn báo vụ sạt núi lấp vùi nhà điều hành rồi.

Anh em tôi bật dậy, chạy đi tất cả lán khác để báo tin. Khi đó, khoảng hơn 20 anh em mặc áo mưa, bật đèn pin điện thoại chạy về hướng nhà điều hành tìm kiếm xem ai còn sống không.

Đêm đó chúng tôi kiếm được 7 người bị thương, dìu ra bãi đất trống. Mưa vẫn lớn, mọi thứ tan hoang, san bằng hết, nước chảy xiết. Chúng tôi cố dùng đèn từ điện thoại tìm kiếm tiếp nhưng vô vọng”.

Sáng 12-10, nhóm anh Cương và hơn 40 người còn sống theo đường lộ đi trong mưa, nhưng đường sạt lở không đi được, phải quay lại. Anh em mệt rã rời, một số bị thương chấp nhận ngồi giữa mưa bên cạnh bờ suối nhai mì tôm lấy sức.

“Lúc đó ai cũng hoảng loạn. Trời mưa lớn, ai cũng sợ núi tiếp tục sạt lở. Đến sáng hôm sau, nhóm quay lại khu nhà điều hành nhưng thấy toàn đất đá, mọi thứ im bặt đến lạnh người. Anh em quyết định cắt rừng tìm đường về thủy điện Rào Trăng 4 báo tin. Đi từ sáng đến tối mới tới, ai cũng như được sống lại lần thứ hai”.

Đến thủy điện Rào Trăng 4, mọi thứ ổn định hơn. Nhóm nhờ điện thoại của một nhân viên ở đây báo về tỉnh sự cố sạt lở đất. Nhiều anh em nhờ điện báo về cho gia đình. Cả nhóm ở tại thủy điện Rào Trăng 4 đến trưa 14-10 thì được lực lượng chức năng tiếp cận, đưa về Bình Điền theo đường thủy.

Ngồi đăm chiêu nhìn về hướng núi, anh buồn bã: “Những ngày qua như một cơn ác mộng. Tôi may mắn sống trở về, nhưng còn đứa cháu, đứa bạn…”.

Đêm kinh hoàng ở Rào Trăng 3 qua lời kể của người trở về - Ảnh 3.
Hiện trường vụ sạt lở nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 nhìn từ trên cao – Ảnh: TRẦN HỒNG

Cuộc tiếp chuyện với bà con hàng xóm của anh Nguyễn Bá Cương liên tục bị ngắt quãng do bạn bè các nơi gọi điện hỏi thăm. Ông Nguyễn Bá Định, bố anh Cương, kể: “Hôm 13-10, có người báo cháu thoát nạn rồi, băng rừng qua được Rào Trăng 4. Tôi đỡ lo, nhưng vẫn chưa chắc chắn. Chiều qua mới nhận điện báo cháu đang về Huế, tôi nhờ người lên đón cháu về trong đêm. Nhưng hiện đứa cháu ruột vẫn còn mất tích nên rất buồn. Hai chú cháu cùng đi làm, giờ về có một người”.

Nhiều người thân, bạn bè cũng đến chia sẻ với anh Nguyễn Bá Cương, trong đó có anh Hồ Trọng Huân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), cùng làm thợ xây và ngủ chung lán với anh Cương. Ngày 6-10, có việc gia đình nên anh Huân về nhà, mấy ngày sau mưa lớn nên chưa lên công trình được.

Anh Huân kể: “Nhận được tin thủy điện bị sạt lở, tôi rụng rời chân tay, vì ở đó toàn bạn bè, anh em thân thiết lâu nay. Tôi cố gắng liên hệ vào trong đó nhưng đều không được. Hôm qua biết tin Cương còn sống, tôi mừng quá, nhưng cũng buồn vì vẫn còn nhiều anh em khác mất tích”.

Ngoài anh Cương, may mắn thoát nạn trong vụ sạt lở còn có hơn 40 công nhân, kỹ sư, chuyên gia, họ cũng đã được chính quyền địa phương đưa từ thủy điện Rào Trăng 4 về đến Huế. Mọi người được công ty chủ đầu tư công trình hỗ trợ đón xe về quê Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

PHƯỚC TUẦN/TT

Đọc nhiều