Đêm cướp bóc ở New York – cảnh sát bất lực trước hàng trăm kẻ hôi của
New York trải qua đêm 1/6 với các vụ hôi của xảy ra khắp các khu vực tại quận trung tâm Manhattan, hàng trăm kẻ đã tụ tập thách thức cảnh sát, bất chấp lệnh giới nghiêm.
Những kẻ hôi của xé phăng miếng gỗ che chắn cửa kính tại trung tâm thương mại cao cấp Macy’s ở quảng trường Herald, thành phố New York.
Hàng chục kẻ hôi của ùa vào bên trong, mang đi bất cứ thứ gì chúng tìm được, trước khi chạy trốn trong sự truy đuổi của cảnh sát, theo New York Times.
Nhiều kẻ khác đập vỡ cửa kính cửa hàng của Nike, lấy đi áo phông, quần jean và áo khoác. Các cửa hàng của Coach, Barnes & Noble, Bergdorf Goodman và nhiều nhãn hiệu nhỏ hơn cũng chịu chung số phận bị đập phá, cướp bóc.
Tình trạng cướp bóc nổ ra tại quận thương mại trung tâm Manhattan, biểu tượng lâu đời về sự thịnh vượng của New York, giáng đòn mạnh tiếp theo vào thành phố được mệnh danh là trung tâm kinh tế, văn hóa của nước Mỹ, trong bối cảnh New York còn đang vật lộn đối phó với đại dịch Covid-19.
Từ biểu tình ôn hòa biến thành hôi của Bắt đầu từ chiều ngày 1/6 và trở nên điên cuồng khi màn đêm buông xuống, từng tốp thanh niên, phần lớn mặc trang phục đen, tấn công các cửa hàng của các nhãn hiệu cao cấp cùng đồ trang sức tại Manhattan. Cảnh sát New York gần như bất lực trong nỗ lực vãn hồi trật tự.
Chỉ trong vài giờ, khu vực trung tâm thịnh vượng và sầm uất đã trở thành bãi chiến trường vô pháp. Các con phố phủ đầy mảnh kính vỡ sau khi các cửa hiệu bị đập pháp, thùng rác bị đốt cháy.
Các nhóm hôi của lùng sục các cửa hàng bất chấp sự hiện diện của cảnh sát ở gần đó. Chuông báo động rền vang giữa các tòa nhà chọc trời.
Sau một cuối tuần tràn ngập hình ảnh hôi của gây chấn động, các cuộc xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình khiến nhiều xe cảnh sát bị đốt cháy, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo và Thị trưởng thành phố New York Bill Blasio chiều 1/6 tuyên bố sẽ triển khai gấp đôi số sĩ quan cảnh sát, đồng thời ban bố lệnh giới nghiêm từ 23h – lần đầu ở thành phố này kể từ 1943.
Lệnh giới nghiêm phát huy hiệu quả chấm dứt phần lớn các cuộc biểu tình ôn hòa trước nửa đêm. Thế nhưng, đối với các băng nhóm hôi của, lệnh giới nghiêm dường như càng thúc đẩy chúng ra tay sớm hơn.
Thậm chí trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực, Thị trưởng Blasio tuyên bố lệnh giới nghiêm trong ngày 2/6 sẽ bắt đầu từ 20h tối.
Trong ngày 1/6, nhiều người biểu tình đã tìm cách ngăn chặn tình trạng phá hoại và ăn cắp. Khi một nhóm đập phá cửa sổ của cửa hàng giày hiệu Aldo vào đầu giờ chiều, người biểu tình đã tìm cách đẩy nhóm này tránh xa cửa hàng, đồng thời kéo ngã một thanh niên đang tìm cách trèo vào bên trong.
“Dừng lại. Anh trai của George Floyd đã nói đừng có làm điều này (cướp phá). Cuộc biểu tình không phải vì mục đích này (cướp phá)”, một người biểu tình nổi giận với nhóm hôi của.
Cướp bóc khắp các tuyến phố
Sở cảnh sát New York cho biết đã tiến hành 700 vụ bắt giữ trong ngày 1/6, nhiều hơn bất cứ ngày nào kể từ khi các cuộc biểu tình bùng phát từ tuần trước. Một số cảnh sát đã bị thương, trong đó một trường hợp đang trong tình trạng nghiêm trọng và được điều trị tại bệnh viện.
Tình trạng cướp bóc xảy ra nghiêm trọng nhất tại cửa hiệu Macy’s trên Phố 34, một trong những cửa hàng bách hóa lớn nhất thế giới. Băng ghi hình cho thấy tình trạng hỗn loại xảy ra tại cửa hàng, đường phố bị đốt cháy, những nhóm hôi của tập trung đông đảo tại một lối vào bị bịt kín.
Một kẻ hôi của liên tục đá vào thanh gỗ trong tiếng hò reo cổ vũ của đồng bọn. Khi cửa gỗ của cửa hàng bị phá hỏng, những kẻ hôi của ùa vào trong. Sau đó cảnh sát xuất hiện và tìm cách truy đuổi những kẻ hôi của. Sở cảnh sát New York hôm 2/6 xác nhận nhiều kẻ hôi của đã vào được bên trong cửa hàng của Macy’s.
Tại cửa hiệu của Nike, hàng chục tên, chủ yếu là thanh thiếu niên, đã đập vỡ cửa kính ở mặt tiền và xông vào bên trong, cướp đi quần jean, áo khoác, và nhiều phụ kiện khác bất chấp tiếng còi báo động.
Vài phút sau khi kính của cửa hàng Nike bị đập vỡ, tiếng còi xe cảnh sát xuất hiện từ xa. Tuy nhiên, khi các sĩ quan cảnh sát tiếp cận được cửa hàng, tất cả đã quá muộn. Những kẻ hôi của và đoàn biểu tình mà từ đó chúng tách ra đều đã rời khỏi hiện trường.
Khi người biểu tình thưa dần tại Manhattan cũng là lúc những băng hôi của đổ ra đường, tấn công các cửa hiệu. Những tên này lùng sục từ cửa hàng này tới cửa hàng khác, cướp đi quần áo, giày xép, thậm chí tìm cách đánh cắp đá quý từ những hộp đã được khóa kín.
Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, những đồ vật có giá trị hoàn toàn không bị đụng đến. Trên Đại lộ 5, đám đông đập vỡ cửa sổ cửa hàng giày hiệu Camper. Tuy nhiên, không ai động tay tới đôi giày trị giá 800 USD được quảng cáo nổi bật ở ngay mặt tiền. Một nhóm khác cũng đập vỡ cửa kính một tiệm trà cổ. Tuy nhiên, đám đông gần như không động chạm tới những gì được trưng bày bên trong.
“Dường như với một số người, ham muốn cướp bóc ít hấp dẫn hơn so với thỏa mãn ý định đập phá, cùng với sự hiện diện của cảnh sát làm gợi lên nỗi lo bị trừng phạt”, New York Times bình luận.
Tại Broadway, những kẻ hôi của không lương thiện như ở Đại lộ 5. Các nhóm hôi của ra vào tự do các cửa hàng, bất chấp xe cảnh sát bao vây các con phố. Những kẻ hôi của dường như hiểu chúng sẽ thắng trong trò chơi mèo đuổi chuột với cảnh sát.
“Chúng cướp bóc, đập phá, chúng không tới đây để biểu tình. Một thằng nhóc khua dao về phía tôi. Chúng chỉ là lũ nhóc, không phải người lớn”, nhân viên an ninh tại Broadway nói.
Khoảng 21h, nhân viên an ninh nhìn thấy những kẻ hôi của đập phá mặt tiền của cửa hàng thời trang Urban, cách đó hai khu nhà. Những tên này sau đó xông vào bên trong, lấy đi tất những gì có thể.
Một giờ sau, khi cảnh sát có mặt ở hiện trường, người ta bắt đầu kiểm kê hàng hóa còn lại. Một người đàn ông nhảy qua đám mảnh vỡ cửa kính vào bên trong cửa hàng, sau đó trở lại, trên tay chỉ còn hai hộp đựng giày.
Trên Đại lộ 5, cửa hàng các hãng xa xỉ như Cartier, Gucci, Versace, Armani, Zara và Salvatore Ferragamo đã đóng gỗ tấm để bảo vệ các lối ra vào trước nguy cơ bị cướp phá. Nhiều cửa hàng gấp rút tìm cách tự bảo vệ, ngay cả khi các vụ cướp bóc đã bắt đầu.
Trên Đại lộ 7, người phụ nữ 34 tuổi tên Heidi Murga cho biết nhìn thấy một nhóm xông vào cửa hàng của FedEx. Sau khi nhóm này rời đi, Murga quyết định đứng gác bên ngoài cửa hàng để ngăn các nhóm khác tiếp tục đột nhập.
“Tôi sẽ đứng đây và giả vờ đây là cửa hàng của mình. Đó là những gì tôi có thể làm được. Đây không phải là biểu tình, đây hoàn toàn là bạo lực”, Murga nói.
Thách thức cảnh sát
Khi lệnh giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực lúc 23h, không khí càng trở nên u ám, tình trạng vô chính phủ dường như len lỏi khắp khu trung tâm Manhattan.
Không lâu sau lệnh giới nghiêm, một nhóm hôi của tiếp cận cửa hàng đá quý Madison Jewelers trên phố Broadway, tìm cách mở cách cửa kim loại của cửa hàng. Khi chuông báo động vang lên, hàng chục người đổ tới tìm cách vào bên trong. Một chiếc xe cảnh sát xuất hiện tại hiện trường, dừng lại trong phút chốc trước khi rời đi.
“Lối này, lối này”, một kẻ hôi của hô lớn.
Vài phút sau, hai sĩ quan cảnh sát đạp xe đạp về phía đám đông. Ban đầu, nhóm những kẻ hôi của chạy trốn khỏi hiện trường. Cảnh sát bắt giữ một người đàn ông và ghì người này xuống đường. Nhưng trong khi hai cảnh sát kiểm soát người này, một người đàn ông ném hai viên đá lớn về phía cảnh sát.
Khoảng một giờ sau, 200 người đổ về Đại lộ 7, hô to những câu chửi rủa về lệnh giới nghiêm. Khi nhóm này tiếp cận 2 xe cảnh sát, những chiếc xe phải nhanh chóng rời đi, bỏ lại phía sau những tràng pháo tay của nhóm hôi của.
“Nếu muốn biểu tình ôn hòa, hãy ở yên trong nhà. Nếu muốn làm bất cứ điều gì mình muốn, hãy ra ngoài này với chung tôi”, một thanh niên hô lớn qua loa phóng thanh.
Nhóm này sau đó ùa vào lùng sục tại một cửa hàng quá tặng đã bị đập pháp mặt tiền. Trước khi những kẻ hôi của rời đi, chúng phá nát hàng hóa còn lại bên trong và hủy hoại một bức tượng nữ thần tự do trang trí phía bên ngoài.
Duy Anh/ZNS