419
category
393293

Đề xuất tăng phí “cứu” BOT của Bộ GT-VT gây tranh cãi, bức xúc

Quỳnh Quỳnh 14/05/2020 18:22

Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép tăng phí BOT theo hợp đồng dự án vào thời điểm phù hợp để hỗ trợ các dự án BOT gặp khó khăn do hụt doanh thu, tuy nhiên lại vấp phải phản ứng từ phía các doanh nghiệp vận tải.

Phải chăng Bộ GT-VT muốn dân “nghèo” cứu “đại gia” BOT?

Khi từng người, từng ngành nghề đang tìm cách giúp nhau khôi phục sản xuất, quay lại với nhịp sống “bình thường mới”, Bộ GT-VT đã tung một đòn ác liệt vào những con người, doanh nghiệp chưa kịp hoàn hồn vì dịch bệnh: kiến nghị Chính phủ cho phép các trạm BOT được tăng phí.

Theo Bộ GTVT, hiện nay, mức thu phí dưới mức tối đa theo quy định pháp luật, các DN BOT đã đề nghị Bộ GTVT chấp thuận tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT đã ký. Với lý do để tránh xảy ra các hệ lụy xấu, hỗ trợ DN BOT vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện cam kết của nhà nước với nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án mức phí BOT.

Phương án 1, cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải, đồng thời chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí khi cần thiết.

Phương án 2, giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký.
Các trạm thu phí BOT chốt chặn trên những cung đường đất nước là câu chuyện chưa bao giờ hết nóng, bởi chúng tác động rất nhanh đến nền kinh tế, khi mà chi phí vận chuyển (xăng dầu, tiền đường) luôn được cộng vào giá cả hàng hóa.

Sản lượng giảm khiến chi phí BOT hiện đang chiếm tới 40% chi phí cố định của chúng tôi. Đơn cử, doanh thu một chuyến xe đạt 1 triệu đồng thì phí BOT đã “ăn” tới 400.000 đồng”

“Tăng phí BOT thì doanh nghiệp chịu không nổi”

Tạm chưa bàn đến chuyện vị trí đặt các trạm có hợp lý không, mức thu, thời gian thu có hợp lý không (từng dẫn đến rất nhiều tranh cãi, bức xúc của giới lái xe và các doanh nghiệp vận tải) thì tăng phí ở các trạm BOT đồng nghĩa với đổ khó khăn lên đầu những doanh nghiệp vận tải đang điêu đứng hoặc đổ lên người dân khi chi tiền mua hàng hóa hoặc khi di chuyển giữa các địa phương. Mục tiêu của việc đổ khó này, không gì khác hơn, là để cứu các đại doanh nghiệp BOT, với những trạm thu phí to lớn, những thanh chắn lạnh lùng – nỗi khiếp sợ của tài xế, doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải, thương mại và dịch vụ Hải An (DN chuyên tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh), cho biết hiện sản lượng khai thác của DN này chỉ đạt 30% so với lúc trước dịch Covid-19, tần suất hoạt động cũng giảm 50 – 60% khiến gần một nửa lượng xe phải nằm không, hoặc hoạt động cầm chừng.

“Sản lượng giảm khiến chi phí BOT hiện đang chiếm tới 40% chi phí cố định của chúng tôi. Đơn cử, doanh thu một chuyến xe đạt 1 triệu đồng thì phí BOT đã “ăn” tới 400.000 đồng”, ông Hải nói và cho rằng nếu bây giờ tăng phí BOT sẽ cực kỳ khó khăn. Không thể vì khó khăn của một số nhà đầu tư BOT mà đẩy khó cho cộng đồng DN vận tải. Nếu tăng phí vào giai đoạn bình thường, lưu lượng hàng hóa, kinh tế phục hồi thì người dân, DN có thể chấp nhận được, nhưng hiện tại là rất khó.

Kiến nghị cho tăng phí BOT của Bộ GT-VT chỉ đơn giản là động tác móc tiền của doanh nghiệp này bù cho doanh nghiệp khác, móc tiền người dân đắp cho doanh nghiệp, miễn sao đảm bảo cho các dự án BOT không bị sụt giảm doanh thu. Đó là cách làm dễ nhất, bởi xe không thể không chạy, hàng hóa không thể không chở đi và với việc nhiều trạm BOT nằm trên những con đường độc nhất thì chẳng ai có thể tránh được.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt), bức xúc: Các DN vận tải và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí BOT để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Trong khi các DN còn đang “sống dở, chết dở” chờ hỗ trợ, thì việc kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ BOT không khác gì “đạp” thêm cho DN chết hẳn”, ông Bằng nói.

Thiết nghĩ, bộ GTVT nên chọn thời điểm phù hợp hơn khi kinh tế trở lại gần như bình thường, hoạt động vận tải ổn định, do đó, nên thận trọng tính thời điểm đề xuất. Đặc biệt, Bộ phải xem xét cụ thể, rà soát làm sao để lần điều chỉnh này tổ chức thu phí BOT phù hợp hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người dân, để không làm nảy sinh thêm mất công bằng, mâu thuẫn giữa người sử dụng và đơn vị cung ứng dịch vụ.

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều