432
category
326971

Đề xuất tăng mức phạt lên 5 triệu đồng – đủ sức răn đe?

30/09/2019 16:23

Ngày 27/9, Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 167/2013 sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

4

Trước thực tế đó, Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng nghị định quy định xử phạt thay thế Nghị định số 167/2013. Trong đó đề xuất mức phạt tiền tăng mạnh với nhiều nhóm hành vi vi phạm.

Đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Đối tượng sàm sỡ cô gái ở Quảng Nam chỉ bị xử phạt 200.000 đồng khiến dư luận bức xúc.

Trong một số vụ sàm sỡ, quấy rối tình dục người khác ở nơi công cộng trước đây, người vi phạm chỉ bị xử phạt 100-300 nghìn đồng theo quy định tại điều 5 nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Như vậy, trong dự thảo lần 2 trình Chính phủ lần này, Bộ Công an đã đề xuất tăng mức phạt các hành vi trên gấp nhiều lần.

Mức phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ phụ nữ khiến dư luận đồng loạt phẫn nộ. Con số 200.000 đồng này được thể hiện bằng mực đen trên giấy trắng (quyết định xử phạt) của nhà chức trách và nằm lơ lửng trong đầu cộng đồng một cách rất mỉa mai. đến mức có người cho rằng “lương tôi 10 triệu đồng, vậy tôi được quyền hôn một cô gái 50 lần, quá rẻ?”.

Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc sàm sỡ, quấy rối tình dục nơi công cộng nhưng mức phạt tiền còn thấp, chưa đủ tính răn đe khiến dư luận phẫn nộ. Tháng 3/2019, xảy ra vụ việc gã đàn ông cưỡng hôn nữ sinh trẻ tuổi tại thang máy chung cư Golden Palm trên đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Cụ thể, nữ sinh Phan H.V. (20 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) khi đang di chuyển bằng thang máy thì bị đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, quê Hải Phòng) chặn cửa, dồn vào góc rồi cưỡng hôn, sàm sỡ.

Sau nhiều lần hủy bỏ buổi gặp mặt, xin lỗi công khai nạn nhân, Công an quận Thanh Xuân đã quyết định lập biên bản xử phạt hành chính đối Đỗ Mạnh Hùng về hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, quy định điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với số tiền 200 nghìn đồng.

Vụ xử phạt diễn ra sau ngày quốc tế phụ nữ 8/3 mười ngày. Trước đó, ngày 24/7/2018, nhà chức trách huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ra quyết định phạt 200.000 đồng đối với nam công chức có hành vi “‘xin hôn’ và sờ soạng bên ngoài” nữ đồng nghiệp.

Giữa tháng 9 vừa qua, công an TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để tiến hành xử lý phạt hành chính Nguyễn Thanh Th. (SN 1991, trú xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) về hành vi có lời nói thô bạo, trêu ghẹo, khiêu khích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.

Cũng theo đơn vị này, hiện hồ sơ vụ việc đang trong giai đoạn điều tra, khi tiến hành tra cứu về nhân thân đối tượng xong, sẽ ra quyết định xử phạt. Mức phạt cho hành vi trên từ 100.000-300.000 đồng, nhưng dự kiến phạt 200.000 đồng.

Những vụ quấy rối, tấn công tình dục, khiêu dâm nơi công cộng, và giờ, vừa gây rối trật tự công cộng, vừa làm nhục người khác liên tiếp xảy ra, và hình thức xử phạt vẫn là 200 ngàn cho thấy một khoảng trống pháp lý, một sự lỗi thời, lạc hậu đến ngây ngô và hoàn toàn không còn phù hợp với thực tế của pháp luật khiến luật có minh mà không có nghiêm.

Trong khoa học pháp lý có một thuật ngữ gọi là nhờn luật, cho tình trạng pháp luật không thể thực thi, hoặc thiếu tương xứng, hoặc chẳng có tác dụng răn đe. Và 200 ngàn tiền phạt cho những trường hợp trên chính là những ví dụ điển hình.

Mức xử phạt này được đánh giá là không hợp lý nếu so sánh với mức độ nghiêm trọng của một hành vi quấy rối tình dục gây ra. Giới chuyên môn và cộng đồng đặc biệt lo ngại mức xử phạt quá nhẹ vô tình ‘truyền cảm hứng’ cho kẻ xấu có ý định thực hiện hành vi đồi bại bởi không đủ tính răn đe, trừng trị, càng không thể là là biện pháp bảo vệ phái yếu từ xa.

Từ trước đến nay, pháp luật được coi là một công cụ hữu hiệu để răn đe, trừng phạt các hành vi phạm pháp và người ta cho rằng án phạt 200 ngàn đồng không đủ sức răn đe. Pháp luật được đưa ra để hướng đến sự hài hoà, và một trong những sự hài hoà mà xã hội mong chờ chính là cảm giác công lý mà pháp luật đem lại.

Thiếu vắng pháp luật thoả đáng, những uẩn ức, hận thù của gia đình nạn nhân và xã hội không có chỗ để thi hành và nó sẽ chuyển thành những hành vi dưới dạng “công lý đám đông”. Rồi đến lượt gia đình của kẻ gây hại khi gánh chịu hành vi công lý đám đông đó cũng sẽ nuôi trong mình sự uẩn ức và tìm cách trả thù. Vòng luẩn quẩn cứ thế kéo dài.

Pháp luật vốn dĩ được tạo ra để chấm dứt vòng luẩn quẩn đó. Không có pháp luật thoả đáng, sự uẩn ức của người dân sẽ không có cơ hội tháo ngòi. Khi không thể tháo ngòi, cơn giận dữ sẽ đổ dồn vào kẻ gây hại bằng những hình thức thiếu kiểm soát nhất. Rồi oán giận lại chất chồng.

Cảm nhận an toàn không còn, lòng tin vào nhau biến mất, uy tín của chính quyền bị hao mòn, vốn xã hội tiêu tan. Tất cả có thể được giải quyết nếu chính quyền biết ưu tiên giải quyết lỗ hổng này của pháp luật.

Báo điện tử Chính phủ dẫn lời ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI đưa ra so sánh: Xử phạt đến 90 triệu đồng một người dân đi đổi 100 USD, nhưng lại phạt 200.000 đồng hành vi quấy rối tình dục. Và trên bình diện pháp luật, đây là “lỗi không hợp lý”, một “lỗi nghiêm trọng” trong các quy định luật.

Và một trong những nguyên nhân, là bởi “công việc to do ông nhỏ làm, công việc nhỏ do ông to làm”, tức là nghiên cứu soạn thảo chính sách thì do chuyên viên mới ra trường làm, đến lãnh đạo cấp vụ thì chỉ đọc ký trình- TS Nguyễn Đình Cung nói.

Giữa vi phạm hành chính và tội phạm khác nhau cơ bản ở mức độ nguy hiểm của hành vi. Nhưng đâu là giới hạn vi phạm hành chính khi nó lặp đi, lặp lại và xem thường pháp luật. Thậm chí sẵn sàng bị phạt để tồn tại trong xây dựng; hay hướng tới lợi nhuận sau phạt trong kinh doanh sản xuất; hay xem nhẹ tính mạng, tài sản của cá nhân, cộng đồng trong tham gia giao thông… Đây là lỗi của văn bản, của quy định hay là lỗi thực thi?

Phạm Minh Hà

Đọc nhiều