130115
topics
365692

Ðề xuất người cách ly Covid-19 được hưởng bảo hiểm xã hội

22/02/2020 09:17

Theo nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), trong tháng 3/2020 có thể xuất hiện ca bệnh Covid -19 mới.

Tính đến 21/2, tại Việt Nam, đã 8 ngày liên tiếp không ghi nhận trường hợp mắc mới. Đến nay còn 28 trường hợp nghi nhiễm Covid -19 đang được cách ly theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng; 1.538 người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19 và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe.

Tuy nhiên, với sự phát triển của các kỹ thuật điều trị, thuốc chữa bệnh và với năng lực, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, ông Phu cho rằng hoàn toàn có thể nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, điều trị hiệu quả và khống chế được dịch bệnh, bảo đảm môi trường dịch tễ an toàn cho các hoạt động kinh tế, xã hội.

Trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội cập nhật các phác đồ, quy trình điều trị của 16 trường hợp dương tính với Covid-19 ở Việt Nam, cập nhật phác đồ điều trị trên thế giới để tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở y tế trong toàn ngành sẵn sàng áp dụng điều trị.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, ngày 21/2, Hà Nội có 3 ca nghi ngờ mắc Covid- 19 và 401 người đến từ vùng dịch Covid-19 phải giám sát y tế, trong đó có 17 người đến từ vùng dịch vừa mới được phát hiện. Theo đó, tổng số người đến từ vùng dịch Covid -19 phải giám sát y tế cộng dồn đến thời điểm này là 2.057 trường hợp, trong đó 1.656 trường hợp đã kết thúc giám sát y tế, còn 401 trường hợp vẫn đang phải thực hiện việc này. Ngoài ra Hà Nội phát hiện 17 người mới đến từ vùng dịch phải giám sát y tế. Số người phải cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố cũng tăng lên là 67 người, trong đó có 5 người đã kết thúc cách ly và 62 người vẫn đang phải cách ly.

Chia sẻ về phác đồ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho biết: “Ngay từ khi bệnh chưa xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về chẩn đoán điều trị. Tất cả tài liệu của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã rất đầy đủ”.

Theo bác sĩ Cấp, phác đồ điều trị tại Việt Nam cũng xuất phát từ những nghiên cứu của Trung Quốc và các nước khác, cũng như những kinh nghiệm của các bác sĩ qua quá trình điều trị cho hàng trăm, hàng nghìn ca điều trị bên Trung Quốc và dựa trên thông tin từ những trung tâm nghiên cứu lớn của WHO.

Trả lời câu hỏi về việc có cần theo dõi bệnh nhân đã được chữa khỏi nữa hay không, bác sĩ Cấp cho biết: “Về nguyên tắc, khi người bệnh hết virus nghĩa là hệ miễn dịch đã đủ mạnh để quét sạch virus, họ sẽ không phát tán virus, không lây bệnh cho người khác và cho cộng đồng. Nhưng vì đây là bệnh mới, đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, nên với các bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính với virus, khỏi bệnh, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi y tế cho các bệnh nhân này”.

Ðề xuất người cách ly được hưởng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động bị buộc thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch bệnh Covid -19. Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế.

“Từ những kinh nghiệm của đồng nghiệp, Việt Nam đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho mình. Hiện phương pháp điều trị của chúng ta là chưa cần những thuốc điều trị đặc biệt mà vẫn sử dụng những loại thuốc sẵn có theo từng tình trạng của mỗi người bệnh. Vì vậy, luôn có những điểm mới, điểm cải tiến và Việt Nam luôn phải cập nhật. Có thể, phải rất lâu sau khi dịch kết thúc, các thống kê cuối cùng mới mang lại kết quả và có cái nhìn toàn cảnh hơn về dịch Covid-19”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người bị cách ly y tế gồm: trường hợp điều trị nội trú (có giấy ra viện); trường hợp điều trị ngoại trú (có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú). Tuy nhiên, đối với người bị cách ly y tế mà không mắc bệnh truyền nhiễm thì không được cấp những giấy tờ này.

Đối với trường hợp cách ly tại cơ sở (ngoài nhà riêng) thì cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

Trường hợp cách ly tại nhà, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Y tế đồng ý để Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt, có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.

Trước đó, BHXH Việt Nam cũng đã yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp với ngành y tế tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm Covid -19.

Chiều 21/2, bệnh nhân T.H.K (73 tuổi, Việt Kiều Mỹ) được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã khỏi hoàn toàn bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona và xuất viện. Theo các bác sĩ, trường hợp của ông K được xem là bệnh nhân cao tuổi nhất nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Hiện sức khỏe ông K. đã bình phục, ăn uống đi lại bình thường.

Trong khi đó tại Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa chiều 21/2 đã có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh này xem xét và đề nghị Bộ Y tế công bố hết dịch Covid -19 tại Thanh Hóa.

Yến Nhi – Hồng Lam

Thái Hà/TPO

Đọc nhiều