Đề xuất mới của TP.HCM sẽ chấm dứt tình trạng “nhỏ giọt” xăng dầu?
Để hỗ trợ các thương nhân kinh doanh xăng dầu, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung như hiện nay, UBND TP.HCM vừa đề xuất rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 3-5 ngày. Liệu giải pháp táo bạo này có dung hòa được lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời giúp giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay?
Đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng còn 3-5 ngày
Được biết, từ 1/10 đến nay, trên địa bàn TP.HCM có một số cửa hàng xăng dầu xảy ra tình trạng “tạm hết hàng”. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có 9-20% số cửa hàng bán lẻ thiếu hụt tạm thời xăng. Nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động nhập hàng vì bị thua lỗ.
Trước tình trạng đó, UBND TP.HCM vừa đưa ra hàng loạt kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm gỡ khó cho thị trường. 3 nhóm vấn đề được nhắc tới là: Giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, duy trì hoạt động chuỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu và hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, một giải pháp được đánh giá là táo bạo là rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 3-5 ngày. Hiện tại, thời gian điều chỉnh xăng dầu là 10 ngày/lần, tức vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Thành phố cho rằng quy định hiện hành không còn phù hợp trước biến động của thế giới.
Xét trên tình hình chung, đề xuất của TP.HCM được cho là táo bạo nhưng được đánh giá là phù hợp với tình hình hiện tại và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Điều chỉnh giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới: Vấn đề được quan tâm
Hiển nhiên, chúng ta càng để chu kỳ điều hành càng dài ngày thì sự lệch pha với giá thế giới càng rõ, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động liên tục. Doanh nghiệp nhập vào khi giá cao, nhưng khi bán lại thấp hoặc ngược lại. Tức là đầu ra của họ chịu sự điều chỉnh, trong khi đầu vào chịu sự biến động rất mạnh theo thị trường thế giới.
Vì thế, không chỉ doanh nghiệp thua lỗ khó duy trì hoạt động, mà còn dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cung và đặc biệt là tạo ra tâm lý “găm hàng”, đầu cơ, gây bất ổn cho thị trường.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh thành thậm chí còn đề xuất điều chỉnh giá trong vòng 24 giờ để không gây ra tình trạng “găm hàng” do biến động giá xăng dầu thế giới. Quả thực, ở một số quốc gia, giá xăng dầu có thể thay đổi tới… 5 lần trong một ngày.
Thực tế, vấn đề rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu đã được đề cập đến từ lâu. Bộ Công Thương cũng từng thẳng thắn đánh giá, chu kỳ 10 ngày/lần như hiện nay gây ra nhiều bất cập trong tình hình thế giới có nhiều biến động. Bộ cũng từng đề nghị được linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu để giá trong nước bám sát diễn biến giá thế giới.
Đầu tháng 11/2022, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phát biểu: “Nếu 10 ngày không phù hợp có thể rút thời gian điều hành còn 5 ngày. Thậm chí, nếu lấy ý kiến rộng rãi người dân, đối tượng chịu tác động, đa số ý kiến cho rằng điều chỉnh giá theo ngày là phù hợp, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ”.
Liệu có phù hợp?
Tuy việc rút ngắn thời gian chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đã được đề cập nhiều trong thời gian qua, nhưng đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa thực hiện vì vấn đề này rất phức tạp. Nó liên quan đến sự hài hòa giữa thu ngân sách nhà nước, doanh thu của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Một số ý kiến cho rằng chưa nên thả nổi giá xăng dầu, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, vì ảnh hưởng đến lạm phát và cả nền kinh tế; người dân, doanh nghiệp sẽ phản ứng…
Rút ngắn thời gian điều chỉnh giá đồng nghĩa với việc mức giá bán sẽ biến động nhanh hơn, tăng cao hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng cho người dân và các thành phần kinh tế, khi giá xăng dầu có thể đảo chiều liên tục qua các chu kỳ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm, nhỏ giọt hiện tại, một chu kỳ được rút ngắn cũng là một biện pháp tích cực để giảm bớt áp lực cho người dân trong việc tiêu thụ loại hàng hóa đặc biệt này. Và hơn nữa, TP.HCM cũng hoàn toàn có thể chủ động trong việc hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tránh tình trạng đảo chiều thiếu ổn định.
Phần đông các chuyên gia cũng đồng tình rằng, rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 3-5 ngày và tương lai là 1 ngày là điều cần thiết để thích ứng kịp thời với những diễn biến hiện nay. Hơn nữa, với đặc thù là trung tâm kinh tế của cả nước, việc áp dụng đề xuất của TP.HCM có thể xem là bước đi tiên phong.
Trong dài hạn, kết quả điều chỉnh tại nơi tập trung đông dân nhất cả nước đây sẽ là thước đo chính xác nhất để đánh giá hiệu quả của việc điều chỉnh chu kỳ điều hành, tiến đến áp dụng trên phạm vi cả nước.
Phan Tâm