425
category
516954

Đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Nhức nhối vấn đề dân chủ trong trường học

12/05/2021 13:35

Ông Nguyễn Sóng Hiền, nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, điều ông trăn trở nhất, muốn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quan tâm giải quyết nhất nhất chính là vấn đề dân chủ trong trường học.

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Liên quan đến những đề xuất của một giáo viên gửi đến tân Bộ trưởng Giáo dục Ông Nguyễn Sóng Hiền, nhà nghiên cứu giáo dục đã có những chia sẻ với phóng.

Chia sẻ với PV, Ông Nguyễn Sóng Hiền, nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, điều ông trăn trở nhất, muốn đề cập nhất chính là vấn đề dân chủ trong trường học.

Tinh thần dân chủ trong nhà trường: Rào cản thực thi chủ trương đổi mới giáo dục?

Theo Ông Nguyễn Sóng Hiền, mặc dù, trong các chính sách giáo dục chúng ta đều đề cập vấn đề phát huy tinh thần dân chủ ở các cấp cơ sở, cũng như phát huy vai trò quan trọng của đội ngũ quản lý trong việc thúc đẩy tinh thần dân chủ trong nhà trường. Tuy nhiên, theo ông Hiền, trong thực tế, sự mất dân chủ trong trường học vẫn là vấn đề nhức nhối ở hầu hết các địa phương. Các hiệu trưởng vẫn thích lạm quyền, thích tỏ quyền uy, thích quản lý theo mệnh lệnh.

Mặt khác, nhiều cấp quản lý sở ngành vẫn duy trì lề lồi làm việc quan liêu, cửa quyền, hách dịch. Chính những điều này tạo ra một rào cản lớn trong vấn đề thực thi chủ trương đổi mới giáo dục.

Ông Hiền cho rằng, dường như tiếng nói của giáo viên trong trường học không được coi trọng có thể vì họ sợ ảnh hưởng đến công việc của họ hoặc có thể do sự áp chế của ban giám hiệu khiến giáo viên chấp nhận ngậm đắng nuốt cay trước thực trạng bất công trong ngay trường của mình.

“Họ thiếu một tổ chức đứng về phía họ để bảo vệ họ, để cho họ có quyền nói lên những mong muốn chính đáng của mình”- Ông Hiền khẳng định.

Đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Nhức nhối vấn đề dân chủ trong trường học ảnh 1
Ông Nguyễn Sóng Hiền

Chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa là đúng đắn, nhưng thực hiện sai?

Về vấn đề sách giáo khoa, Ông Nguyễn Sóng Hiền, nhà nghiên cứu giáo dục chia sẻ, chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa là một chủ trương đúng đắn.

Ông Hiền cho rằng, chủ trương này phù hợp với xu thế phát triển của nền giáo dục hiện đại khi mà chúng ta hướng tới dạy học dựa trên năng lực nhằm hình thành nên những phẩm chất và năng lực căn bản cho học sinh thay vì chỉ nhồi nhét kiến thức như trước đây.

“Cần có sự rà soát và đánh giá lại chất lượng đội ngũ giáo viên theo tiêu chí và tiêu chuẩn mới. Từ đó, xây dựng và chi trả mức lương tương xứng. Việc chỉ trả lương theo hệ số và cào bằng như hiện nay không thể tạo ra động lực cống hiến và làm việc hết mình của giáo viên”

Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng, vấn đề ở chỗ là chủ trương đúng những cách thực thi, cách làm nhiều bất cập. Từ việc lựa chọn hội đồng thẩm định đến lựa chọn chủ biên các chương trình chưa phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi mới dẫn đến sự tắc trách, cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp trong vấn đề thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa.

“Cá nhân tôi cho rằng, khi đến một thời điểm mà đội ngũ giáo viên chúng ta có đủ năng lực và trình độ để có thể tự biên soạn tài liệu giảng dạy cho bộ môn mình như cách làm của các nước phát triển thì những sự việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian quan sẽ không còn nữa”- ông Hiền nêu quan điểm

Cũng theo ông Hiền, thực tế, với hướng tiếp cận năng lực nếu đội ngũ giáo viên nhận thức đúng thì sách giáo khoa chỉ đóng vai trò là tài liệu tham khảo, hỗ trợ trong quá trình để hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

Ông Hiền cho rằng, khoa học công nghệ đã phát triển vượt bậc gấp hàng trăm lần cách đây hàng chục năm vì vậy việc bắt các em phải nhớ định lý công thức, hay bài văn này, câu thơ kia đã trở thành lối giáo dục lạc hậu.

“Thay vào đó chúng ta cần phải hình thành nên cho các em năng lực tư duy, chẳng hạn tư duy phân tích và giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, tư duy suy luận logic, tư duy sáng tạo, năng lực tự học, năng lực làm việc nhóm…có thể mới có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này”- ông Hiền nêu quan điểm.

Giáo viên cũng nên trả lương theo năng lực?

Ông Nguyễn Sóng Hiền, nhà nghiên cứu giáo dục chia sẻ, câu chuyện lương giáo viên đã được đề cập cách đây cả chục năm, tuy nhiên mọi thứ không có gì thay đổi.

Ông Hiền cho rằng, lương không tăng và các giáo viên đa số vẫn không muốn bỏ việc. Chất lượng giáo dục vẫn phát triển theo từng năm. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm vẫn ở con số trên 90%. Vậy vấn đề có phải là tăng lương giáo viên chất lượng giáo dục mới tăng?

Ông Hiền đặt câu hỏi, vậy bản chất vấn đề ở đây là gì? Có thể một trong hai lý do: Một là giáo viên của chúng ta rất yêu nghề vì yêu nghề nên họ sống chết vẫn bám nghề dù đồng lương ít ỏi, thu nhập bấp bênh. Hai là, chất lượng giáo dục của chúng ta trong những năm qua vẫn duy trì thành tích ảo? Học giả, dạy giả và chất lượng giả?

Để làm rõ bản chất vấn đề, cá nhân ông Hiền đề xuất, chúng ta nên cần có sự rà soát và đánh giá lại một cách tổng thể chất lượng đội ngũ giáo viên của chúng ta hiện nay theo tiêu chí và tiêu chuẩn mới.

Từ đó, chúng ta có cơ sở để xây dựng và chi trả mức lương tương xứng cho mỗi giáo viên. Việc chỉ trả lương theo hệ số và cào bằng như hiện nay thực tế không thể tạo ra động lực cống hiến và làm việc hết mình của giáo viên.

“Khi trả lương theo năng lực và mức độ cống hiến sẽ tạo ra những chuyến biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy công cuộc đổi mới giáo dục thành công”- ông Hiền nêu quan điểm.

Ngày 8/4, Quốc hội thông qua nghị quyết bầu PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Rất nhiều nhà giáo đã có chung nỗi niềm, băn khoăn, có nhiều kỳ vọng cũng như đề xuất gửi tới tân Bộ trưởng.

Một giáo viên lâu năm trong nghề, một nhà giáo ở Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng đã gửi đến tân Bộ trưởng 3 đề xuất như sau:

Thứ nhất, đề xuất bậc tiểu học và THCS chỉ một bộ sách giáo khoa giảng dạy trên toàn quốc và do Bộ Giáo dục chủ trì biên soạn. Đối với bậc THPT theo định hướng nghề nghiệp thì có thể có nhiều bộ sách.

Thứ hai, cắt giảm số tiết học một số môn học khác để tăng số tiết học tiếng Anh ngay từ lớp 6. Số tiết tăng lên chủ yếu rèn kỹ năng nghe và nói, để khi hoàn thành chương trình phổ thông học sinh phải nói và viết thành thạo tiếng Anh.

Thứ ba, tham mưu Thủ tướng và Bộ Quốc phòng cho tất cả học sinh sau khi hoàn thành xong chương trình phổ thông phải vào quân đội 3 tháng để huấn luyện.

Đỗ Hợp

Đọc nhiều