Đề xuất giáng chức cán bộ ‘vô cảm với tính mạng người dân’

13/11/2019 16:15

Đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ mạnh tay xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy vì đây là lĩnh vực liên quan đến tính mạng người dân.

Quốc hội dành trọn ngày làm việc 13/11 để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018.

Dẫn báo cáo giám sát của Quốc hội, bà Ngô Thị Minh – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng phản ánh, hầu hết địa phương chưa ban hành quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

“Hà Nội thiếu 7.000 trụ nước, 300 bể nước chữa cháy so với quy chuẩn. Nguyên nhân bởi lãnh đạo các cấp chưa thực hiện hết thẩm quyền, chưa xử lý nghiêm vi phạm hành chính”, bà Minh nói.

Đại biểu Ngô Thị Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Đại biểu Ngô Thị Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Theo nữ đại biểu, nhiều biểu hiện về sự vô cảm với tính mạng người dân đang diễn ra hằng ngày. Đơn cử, một số chung cư cao tầng nằm sát chợ dân sinh, khiến mặt bằng bị lấn chiếm, xe chữa cháy không vào được; khi dân kiến nghị thì người đứng đầu chính quyền địa phương thiếu sự phối hợp để tìm biện pháp giải quyết.

Từ thực tế trên, bà Minh đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ trong “mỗi mắt xích nhiệm vụ”, nhất là người đứng đầu UBND các cấp. “Chính phủ cần có giải pháp đủ mạnh, kể cả giáng chức người đứng đầu hoặc thay thế cán bộ thì mới khắc phục được những hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay”, bà Minh nói.

Chung ý kiến, đại biểu Cao Thị Xuân nói, trên toàn quốc những năm qua đã xảy ra hàng nghìn vụ cháy, khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn tỷ đồng bị thiêu rụi. Những vụ cháy này do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước.

“Bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức hay xử lý vì liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy, chữa cháy?”, bà Xuân nêu câu hỏi và cho rằng, việc xử lý trách nhiệm cán bộ quản lý nhà nước chưa tương xứng với những sai phạm về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018. Theo bà, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy gây hậu quả đáng tiếc.

 Đại biểu Cao Thị Xuân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội 

Đại biểu Cao Thị Xuân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

“Hàng trăm chung cư, nhà cao tầng chưa thẩm duyệt, nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy vẫn được đưa vào sử dụng. Tình trạng này do sai phạm của chủ đầu tư hay tiêu cực trong kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng?”, bà Xuân đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ sớm chấn chỉnh “khoảng trống trách nhiệm”.

Nhắc lại vụ cháy Carina, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho hay nhiều người dân ở chung cư này vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa. “Không điều gì có thể bù đắp những mất mát và giúp họ quên đi ký ức kinh hoàng, vậy nhưng công tác phòng cháy, chữa cháy lại đang còn quá nhiều tồn tại, thiếu sót”, ông trăn trở.

Những tồn tại được ông Nhân nêu ra trước Quốc hội như: Số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe hư hỏng chiếm hơn 50% phương tiện cứu hoả trên toàn quốc; hệ thống thiết bị phòng, cháy chữa cháy tại các công trình xây dựng không đồng bộ, kém chất lượng; có chung cư được kiểm tra 21 lần trong 5 năm, tuy nhiên khi xảy ra cháy chuông lại không hoạt động…

Ngoài ra, theo đại biểu Nhân, qua tổng hợp nguyên nhân các vụ cháy thì sự cố thiết bị điện chiếm 57%, “ở đây đâu là sự lơ là, chủ quan người dân và đâu là tắc trách của cơ quan chức năng liên quan?”.

Cũng đề cập đến hàng trăm chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động dù chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, ông Nhân nêu nghi vấn có hay không sự thỏa hiệp giữa chủ đầu tư với cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cụ thể nào đó?

“Lẽ nào những nỗi đau tận cùng sau thảm kịch Carina vẫn chưa đủ thức tỉnh lương tri những ai có trách nhiệm, để chấm dứt câu chuyện phạt cho tồn tại hay sao”, ông Nhân nói.

Theo đại biểu này, bên cạnh quy định pháp luật, một điều rất cần thiết với những người thực thi công vụ là cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách; là tinh thần cảnh giác, không lơ là của doanh nghiệp và người dân trong phòng cháy để “không còn tái diễn những thảm kịch, không còn nỗi ám ảnh bởi tiếng còi cứu hỏa”.

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, trung bình mỗi năm xảy ra gần 3.300 vụ cháy, khiến 87 người chết, 200 người bị thương, thiệt hại 1.600 tỷ đồng. Mỗi ngày cả nước xảy ra 9 vụ cháy.

Trong 4 năm, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã dập tắt gần 10.000 vụ cháy, hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, bảo vệ được tài sản trị giá hơn 600.000 tỷ đồng.

Cả nước hiện còn 2.600 công trình nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy; 110 chung cư đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

(Theo VnExpress)

Đọc nhiều