Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội dư năm được nghỉ hưu sớm có khả thi?

16/07/2023 07:37

BHXH Việt Nam đề xuất cho phép người đóng BHXH vượt 5 năm so với mức đóng để có lương hưu tối đa được nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ lương hưu, nhưng liêu đề xuất này có khả thi hay không?

Góp ý về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổ, BHXH Việt Nam mới đây đã đưa ra đề xuất cho phép người lao động, sau khi đóng BHXH vượt thời gian quy định (5 năm hơn mức đóng để có lương hưu tối đa), được nghỉ hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu. Đây là một bước tiến mới, nhằm khuyến khích người lao động tham gia BHXH sớm, duy trì thời gian đóng BHXH dài hạn và cân nhắc không rút BHXH một lần để được hưởng lương hưu sớm hơn.

BHXH Việt Nam đề xuất cho người đóng BHXH thời gian dài được nghỉ hưu sớm hơn. Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành và Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đều đưa ra mức hưởng lương hưu tối đa bằng 75% tiền lương hưu tính đóng BHXH, với điều kiện nữ đóng BHXH 25 năm, nam đóng 30 năm.

Thời gian đóng BHXH vượt mốc này sẽ được tính để trả tiền một lần khi nghỉ hưu (lương hưu vẫn hưởng mức tối đa). Từ đó, BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung vào dự luật lần này điều kiện hưởng lương hưu theo hướng: lao động nữ có đủ 30 năm đóng BHXH trở lên, lao động nam có đủ 35 năm đóng BHXH trở lên, khi có yêu cầu được nghỉ và hưởng lương hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định chung (không bị trừ tỷ lệ lương hưu).

BHXH Việt Nam lý giải, đề xuất trên nhằm phù hợp với nội dung cải cách là giảm quyền lợi hưởng một lần, tăng quyền lợi cho người bảo lưu đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Bổ sung trên cũng tăng hấp dẫn của chính sách hưu trí, khuyến khích người lao động tham gia BHXH sớm, duy trì đóng trong thời gian dài và cân nhắc không hưởng BHXH một lần để được nhận lương hưu sớm hơn.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đã không đồng thuận với đề xuất này, Bộ Bộ LĐ-TB&XH cho rằng điều này không phù hợp với chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước về tuổi nghỉ hưu, cũng như nguyên lý của chế độ hưu trí.

Các chuyên gia trong ngành cũng đưa ra những ý kiến khác nhau về đề xuất này. TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng đề xuất này không tuân thủ nguyên tắc BHXH và tuổi nghỉ hưu. Ông nhấn mạnh rằng việc nghỉ hưu sớm sẽ kéo dài thời gian nhận lương hưu, tạo ra nguy cơ mất cân đối giữa việc đóng và hưởng BHXH.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học LĐ&XH, đề xuất việc áp dụng mô hình “phần đóng cứng” và “phần đóng mềm” vào Luật BHXH sửa đổi. Với phần “cứng”, người lao động sẽ đóng BHXH trong thời gian tối thiểu để có lương hưu, và phần này sẽ không được đụng tới khi chưa tới tuổi nghỉ hưu. Phần “mềm” sẽ được áp dụng khi người lao động đã đóng đủ để có lương hưu và muốn tham gia các chế độ hưu trí khác.

Bà Hương cũng đề xuất việc đưa vào luật quy định về tài khoản BHXH định danh cho người tham gia. Điều này sẽ giúp người lao động biết được quá trình đóng – hưởng, số tiền đóng, lợi nhuận đầu tư, và lương hưu hưởng.

Trên thực tế, cần có các giải pháp linh hoạt hơn để khuyến khích người lao động tham gia đóng BHXH dài hạn, đặc biệt cần có giải pháp tạo công ăn việc làm để người lao động có thu nhập, ổn định cuộc sống và không còn ý định rút BHXH một lần.

BHXH không chỉ là một quyền lợi, mà còn là trách nhiệm và bảo vệ tài chính cho bản thân và gia đình khi gặp rủi ro hoặc không còn khả năng lao động. Việc đóng BHXH dài hạn còn đóng góp vào quỹ chung, giúp chia sẻ trách nhiệm với những người lao động có thời gian đóng ngắn hơn, mức lương hưu thấp hơn.

BHXH Việt Nam cần tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất, nhằm đảm bảo lợi ích cho người lao động và sự bền vững của quỹ BHXH. Việc này không chỉ tạo điều kiện cho người lao động an tâm về tương lai sau khi nghỉ hưu, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Hồng Anh 

Đọc nhiều