Đề xuất chống ngập táo bạo của Công ty Quang Trung
Công ty Quang Trung tiếp tục đề xuất giải pháp chống ngập cho TP.HCM bằng đập sà lan di động đặt máy bơm công suất lớn.
Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về đề xuất chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá, đường Phan Huy Ích và kênh Tham Lương bằng đập sà lan di động chở máy bơm công suất lớn của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) theo hình thức thuê dịch vụ trọn gói (không hết ngập không lấy tiền).
Giải pháp độc đáo ?
Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM đánh giá giải pháp chống ngập trên diện rộng bằng hệ thống đập sà lan di động có lắp bơm công suất lớn của Công ty Quang Trung là một ý tưởng về biện pháp công trình độc đáo. Tuy nhiên, biện pháp công trình này cần có các giải pháp kỹ thuật chi tiết để chứng minh tính khả thi về mặt công nghệ, bởi biện pháp công trình chống ngập này có thể gây xung đột với các vấn đề khác như giao thông thủy, sạt lở, môi trường.
Cũng theo Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, việc đầu tư hệ thống thoát nước theo nguyên lý nước chảy theo trọng trường là hiệu quả và kinh tế nhất. Trong trường hợp phải dùng biện pháp cưỡng bức để cải thiện năng lực của hệ thống thoát nước thì việc xác định công suất của máy bơm phải căn cứ vào nhiệm vụ mà hệ thống thoát nước hiện hành không giải quyết được.
Do đó, phải căn cứ vào kết quả tính toán thủy văn, thủy lực công trình để chọn công suất máy bơm cho phù hợp.
Sở Xây dựng nhận định giải pháp chống ngập trên diện rộng bằng hệ thống đập sà lan di động có lắp bơm công suất lớn là giải pháp có tính sáng tạo cao, nếu thành công có thể nhân rộng áp dụng cho nhiều khu vực có cao độ địa hình thấp bị ảnh hưởng triều.
Tuy nhiên, báo cáo đề xuất của Công ty Quang Trung mới chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng và chưa được cụ thể về tính toán, thiết kế, đánh giá tác động đến môi trường, giao thông thủy. Do đó, Sở Xây dựng đề nghị Công ty cổ phần tập đoàn công nghiệp Quang Trung tiếp thu ý kiến của các Sở ngành để hoàn thiện đề xuất giải pháp theo hướng cụ thể, chi tiết, khả thi.
Ảnh hưởng đến giao thông thủy lợi
Về đề chống ngập bằng máy bơm di động, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên là tuyến đường thủy nội địa địa phương. Nếu sử dụng hệ thống sà lan di động lắp đặt bơm công suất lớn tại điểm đầu và điểm cuối kênh Tham Lương thì các phương tiện thủy không thể lưu thông trên tuyến.
Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, kênh Tham Lương là trục tiêu thoát nước chính của phía bắc TP.HCM, đảm nhiệm tiêu thoát nước cho 6 quận, huyện gồm Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh về 2 hướng: qua rạch Bến Cát ra sông Sài Gòn và qua rạch Nước Lên ra sông Chợ Đệm.
Do đó, việc ngăn chặn dòng chảy, sử dụng bơm về 1 hướng gây chuyển hướng dòng chảy, trong khi chưa xác định rõ hướng tiêu thoát nước cũng như khảo sát cao độ địa hình của khu vực gây ảnh hưởng đến các dự án chống ngập khác đang triển khai thực hiện. Mặt khác, đề án chưa đánh giá được tác động của thiết bị đến môi trường xung quanh như: tiếng ồn, cháy nổ, phương thức vận chuyển và vị trí bãi chứa rác thải, nước rác thải.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho rằng cần đánh giá nguyên nhân gây ngập trên lưu vực để lựa chọn phương án, giải pháp chống ngập hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây ngập đường Phan Huy Ích và đường Nguyễn Văn Quá do hệ thống cống xây dựng lâu, xuống cấp, các kênh rạch nhánh dẫn nước ra kênh chính bị bồi lắng do bùn, rác gây tắc dòng chảy… thì việc sử dụng giải pháp chống ngập bằng đập sà lan di động chưa giải quyết được ngập cho khu vực này.
Trước đó vào năm 2017, Công ty Quang Trung đã đầu tư máy bơm chống ngập công suất lớn để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Hiện TP.HCM đang thuê dịch vụ chống ngập của Công ty Quang Trung với giá 14,2 tỉ đồng mỗi năm.
Liên quan đến đề xuất chống ngập cục bộ dùng bơm công suất lớn cho đường Nguyễn Văn Quá và Phan Huy Ích, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ Công ty Quang Trung hoàn thiện đề xuất giải pháp. Nếu được thông qua, dự án được đầu tư theo hướng ngân sách đảm nhận phần giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư phần xây lắp dự án thoát nước.