Để thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững

Diệu Hương 15/04/2022 10:42

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp đã làm cho thị trường lao động quý I/2022 khởi sắc hơn, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý IV/202. Tuy vậy, nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang khát lao động, không tuyển dụng đủ lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh. Chính vì vậy, cần những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn nguồn nhân lực trước mắt và có kế hoạch cho sự phát triển thị trường lao động về lâu dài.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước trong quý I/2022 ước tính là 51,2 triệu người, tăng hơn 441.000 người so với quý trước và tăng gần 159.000 người so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,1%, trong đó, lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong thời gian này ước tính là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong niềm vui về sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường thì thiếu lao động lại là mối lo mới của nhiều doanh nghiệp. Đã có tình trạng các doanh nghiệp tuyển dụng liên tục nhưng vẫn thiếu lao động, từ những công việc giản đơn cho tới những công việc đòi hỏi trình độ môn cần qua đào tạo. Dịch bệnh đã làm thay đổi rất nhiều hoạt động xã hội và tâm lý xã hội. Nhiều người lao động trở về quê lựa chọn chuyển đổi nghề nghiệp, không trở lại với công việc cũ hoặc tham gia vào các hoạt động mang tính tự sản, tự tiêu như báo cáo của Tổng cục thống kê.

Chúng ta cũng thấy nhiều lời than thở của các chủ doanh nghiệp về việc lao động hay nhảy việc không gắn bó lâu dài. Nhưng cũng nhìn thấy ở rất nhiều doanh nghiệp, người lao động cùng đồng cam, cộng khổ qua những giai đoạn khó khăn, tận tâm đóng góp, cống hiến và họ cũng được đền đáp xứng đáng từ sự tận tâm đó. Như vậy, dù có dịch bệnh xảy ra hay không, thì từ phía doanh nghiệp, việc chú trọng chăm lo cho người lao động, thực hiện đầy đủ các chính sách về lao động, tiền lương, tạo môi trường làm việc thân thiện, an toàn, quản lý khoa học luôn là những giải pháp thu hút người lao động chất lượng cao, bền vững.

Hiện nay chúng ta còn nhiều ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều lao động giản đơn và trả lương thấp. Nhưng với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và việc nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cơ cấu sản xuất, ngành nghề đã thay đổi. Việc đào tạo nghề, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng các lĩnh vực lao động mới là rất quan trọng. Nếu không sẽ có một bộ phận người lao động bị gạt khỏi thị trường vì không đủ trình độ và doanh nghiệp thì lại tiếp tục bị thiếu lao động. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp suy giảm, khó có thể nói đến việc phát triển và lớn mạnh. Năng lực cạnh tranh quốc gia cũng vì vậy mà khó có thể nâng lên.

Để giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của thị trường lao động, Chính phủ đã liên tiếp có những hành động, quyết sách quan trọng, như: ban hành Chương trình hành động cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, có giải pháp phát triển thị trường lao động, hoàn thiện khung pháp luật về phát triển thị trường lao động theo hướng phù hợp với các hình thái việc làm mới, quan hệ lao động mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số, kinh tế số và kinh tế chia sẻ. Chương trình phối hợp triển khai các giải pháp về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội đã được ký kết giữa các bên, gồm: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Kỳ vọng những chương trình này sớm được hiện thực hóa để tranh thủ cơ hội vàng trong phục hồi và phát triển kinh tế đất nước ở giai đoạn tới.

Thị trường lao động sắp tới vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, thách thức luôn song hành với cơ hội. Để tận dụng được những cơ hội vàng, trước mắt thị trường lao động Việt Nam cần: Tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và thị trường. Khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động cần sớm được kiện toàn.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp cần tổ chức nắm chắc nguồn lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở… để đưa lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất; Nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung – cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.

Đồng thời, cũng cần có các giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Diệu Hương

Đọc nhiều