6
category
528405

Để sống chung với dịch, TP.HCM cần tiêm chủng 80% dân số

29/06/2021 07:22

Tiến sĩ William Schaffner, cố vấn lâu năm của CDC Mỹ, cho rằng mục tiêu của TP.HCM về tiêm chủng cho 70% dân số trước cuối năm 2021 có thể chưa đủ để sống chung với Covid-19.

TP.HCM cam kết cho đến cuối năm 2021 sẽ cố gắng tiêm chủng cho 70% dân số. Nhận xét về điều này với PV, Tiến sĩ William Schaffner, giám đốc y khoa của Quỹ quốc gia về các bệnh truyền nhiễm, cố vấn lâu năm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho rằng TP.HCM sẽ chưa thể tiến tới việc sống chung với Covid-19 với tỷ lệ tiêm chủng đó.

“Khó có thể nói rằng đây là tỷ lệ đủ cao, vì chúng ta đang phải đối phó với biến chủng Delta (nguồn gốc từ Ấn Độ) dễ lây lan. TP.HCM vẫn cần đạt tỷ lệ tiêm chủng cho 80% dân số trở lên”, tiến sĩ Schaffner nói. Vị chuyên gia cũng đưa ra một số gợi ý để đẩy nhanh việc tiêm chủng.

song chung voi dich o TPHCM anh 2
Tiến sĩ William Schaffner, cố vấn lâu năm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Ảnh: Vanderbilt University.

Cần tiêm chủng cho 80% dân số

Trong những tháng tới, tiến sĩ Schaffner cho rằng Việt Nam “cần tiêm chủng cho 80% dân số trở lên” mới có thể yên tâm hơn.

“Ở Mỹ, tôi nghĩ chúng tôi cũng cần tiêm phòng cho tỷ lệ dân số tương tự để có thể kiểm soát Covid-19 tốt hơn”, tiến sĩ Schaffner nói.

Ông nói thêm: “Biến chủng càng có khả năng lây lan mạnh, tỷ lệ tiêm chủng cần phải càng cao mới có thể kiểm soát được”.

Dữ liệu tiêm chủng từ quốc đảo Seychelles cũng cho thấy tỷ lệ tiêm chủng 70% dường như là chưa đủ để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Nước này đã tiêm phòng đầy đủ cho 68% dân số của mình, chủ yếu dùng vaccine Sinopharm và AstraZeneca. Tuy nhiên, Seychelles gần đây đã trải qua một đợt tăng đột biến số ca mắc Covid-19 mới.

Ngưỡng chính xác để đạt miễn dịch cộng đồng vẫn chưa được xác định vì còn tùy thuộc vào các biến chủng gây bệnh, số lượng người được tiêm, và hiệu quả khác nhau của các loại vaccine, theo Conversation.

Tiến sĩ Schaffner lưu ý rằng khi TP.HCM, hay một thành phố nào khác, đạt được tỷ lệ tiêm chủng trên 80% trước các tỉnh thành khác, thì vẫn không nên lơ là cảnh giác.

Ông lưu ý ngay ở Mỹ cũng có những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, và xung quanh là các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Virus vẫn lây lan tại các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp này.

Một số bang có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tương đối cao hơn so với nhiều bang còn lại, nhưng vẫn ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm trong 2 tuần qua.

Bang California, New Mexico, Virginia, đảo Guam đều có tỷ lệ tiêm chủng từ 50% trở lên, cao hơn so với tỷ lệ trung bình 46% của cả nước, theo New York Times. Tuy nhiên, đảo Guam có số ca mắc Covid-19 mới tăng 91% so với cách đây 2 tuần, Virginia tăng 14%, California tăng 14%, và New Mexico tăng 3%.

Điều này cho thấy, các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ gia tăng số ca nhiễm.

Dẫu vậy, ở các bang nêu trên, và hầu hết bang có tỷ lệ tiêm chủng cao khác, đều ghi nhận tỷ lệ nhập viện và tử vong giảm đáng kể.

Phần lớn các điểm nóng Covid-19 tại Mỹ hiện này đều là các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, như hạt Reeves, Upshur, Panola ở bang Texas; và hạt Dallas, Taney, bang Missouri có tỷ lệ tiêm chủng 20%-30%.

Các khu vực nói trên đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng đột biến trong 2 tuần nay. Đặc biệt tại Texas, hạt Panola và Upshur ghi nhận mức tăng số ca bệnh lên tới 1.300% và 1.800%.

Qua đó có thể thấy vaccine vẫn là chìa khóa quan trọng để trong việc đối phó với đại dịch, theo tiến sĩ Schaffner.

Ngoài ra, tiến sĩ Schaffner nói những người chưa được tiêm chủng tại các thành phố có tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ từ các vung xung quanh.

“Vì vậy, nếu một tỉnh, thành nào đó đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng các vùng lân cận có tỷ lệ tiêm chủng thấp, thì địa phương đó vẫn cần duy trì các biện pháp hạn chế về Covid-19 một cách hợp lý”, ông nói với PV.

Ông cho rằng để tăng tốc tiêm chủng, việc tuyên truyền các thông điệp giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của vaccine là điều cần thiết.

Tiêm chủng vaccine Covid-19 tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM, ngày 25/6. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cần lên tục phát triển vaccine

Tiến sĩ Schaffner đưa ra một số gợi ý để Việt Nam đưa vaccine đến gần người dân hơn khi có nguồn cung, chẳng hạn mở rộng hình thức và địa điểm tiêm chủng để người dân ở mọi nơi có thể dễ dàng tiếp cận; mở cửa các điểm tiêm chủng cả vào ban đêm hoặc cuối tuần…

Ông cũng cảnh báo một khi các biến chủng virus càng lan rộng, nó rất có thể sẽ sản sinh nhiều đột biến và hình thành nên các biến chủng mới có khả năng chống lại vaccine hiện tại. Vì vậy, việc tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu.

Ông cho rằng để có thể sống chung với Covid-19 như với cúm mùa trong tương lai, con người sẽ phải liên tục phát triển vaccine sao cho phù hợp với biến chủng mới, và tiêm phòng tăng cường hoặc nhắc lại định kỳ.

“Chúng ta sẽ phải duy trì hoạt động của các hệ thống phát hiện biến chủng, giám sát sức khỏe cộng đồng và liên tục tạo ra vaccine mới. Mọi người cũng phải tiêm lại hàng năm để đối phó với các chủng virus mới”, tiến sĩ Schaffner nói với PV.

Đặt việc tiêm chủng lên hàng đầu

Tùy tình hình mỗi nước mà đưa vào sử dụng các loại vaccine khác nhau. Nhưng tất cả đều là vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt và xác nhận sự an toàn, theo tiến sĩ Schaffner. Vị chyên gia này khẳng định ông vẫn sẽ tiêm vaccine Sinopharm nếu được đề nghị.

Tiến sĩ Schaffner nhấn mạnh vaccine của Trung Quốc so với các loại vaccine Covid-19 khác, như Pfizer/BioNTech hay Moderna, đều an toàn và có khả năng ngăn ngừa các triệu chứng bệnh nặng và giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

“Tôi sẽ không đợi một loại vaccine khác nếu tôi có thể tiêm chủng ngay bây giờ. Tôi sẽ tận dụng bất kỳ cơ hội, bất kỳ loại vaccine nào sẵn có”, ông nói.

Tiêm chủng vaccine Covid-19 tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM, ngày 25/6. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông cho rằng các loại vaccine được phê duyệt hiện này đều đang hoạt động tốt và có hiệu quả đối với các biến chủng hiện tại, bao gồm cả Delta. Vì vậy, ông khuyên người dân nên nhanh chóng tiêm chủng khi có cơ hội.

“Đó là điều quan trọng và cũng là lý do chúng tôi mong mọi người tiếp tục tiêm chủng. Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều đặt việc tiêm chủng lên hàng đầu để có thể tạo ra một không gian mà virus khó có thể gây hại cho sức khỏe con người”, ông Schaffner nói.

Hồng Ngọc

Đọc nhiều