425
category
323640

Để ngày khai trường ấn tượng và ý nghĩa

05/09/2019 08:11

Tôi không biết từ khi nào ngành giáo dục lại có sự tréo ngoe về thời gian học và khai giảng khiến dư luận hết sức quan tâm như bấy lâu nay.

Ngược dòng thời gian thì thấy, chuyện học hành, khai giảng ngày xưa cũng đã được quy định bằng văn bản pháp quy. Nghị định 596 ngày 30 tháng 08 năm 1956 quy định, các trường phổ thông nghỉ hè từ 1-6 đến 30-8, trọn 3 tháng.[1]

Quy định đó tồn tại trong suốt một thời gian rất dài. Lịch khai giảng, học tập và nghỉ hè nói trên đã trở nên quá quen thuộc đối với bao thế hệ học sinh. Ngày khai giảng vì thế trở nên thiêng liêng, ba tháng hè vì thế càng thêm ý nghĩa.

Thế nhưng mọi chuyện bỗng dưng thay đổi từ khi Bộ GD&ĐT giao cho UBND các tỉnh quyết định kế hoạch thời gian năm học cho địa phương mình. Chuyện học trước khai giảng sau bắt đầu từ đó, mặc cho dư luận và truyền thông nhiều năm qua tốn bao công sức bàn luận.

Năm học này, Hà Nội tựu trường sớm nhất, ngày 1/8; các địa phương khác đều trong khoảng từ 12/8 đến 20/8.[2]

Kiên Giang tựu trường 5/8/2019, kết thúc năm học ngày 16/5/2020; Bình Phước tựu trường ngày 19/8/2019, kết thúc năm học ngày 27/5/2020; riêng bậc tiểu kết thúc năm học ngày 21/5/2020. Nhiều tỉnh thành khác cũng có thời gian biểu tương tự.

Để ngày khai trường ấn tượng và ý nghĩa
Nếu làm cuộc khảo sát xã hội, tôi tin rằng đa số phụ huynh và học sinh sẽ tán thành việc ngành giáo dục cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng. Ảnh: VietNamNet

Quy định 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Bộ GD-ĐT ghi rõ: Cấp mầm non và cấp tiểu học, có ít nhất 35 tuần thực học, cấp THCS và cấp THPT, có ít nhất 37 tuần thực học.[3] Tính pháp quy về số lượng tuần học trong từng học kỳ và trong cả năm được thể hiện trong chương trình từng môn học và sách giáo khoa. Do đó không thể có chuyện co giãn thời gian học.

Nếu các tỉnh quy định tựu trường trong tháng 8 và kết thúc năm học vào 31/5 năm sau thì tổng thời gian năm học đều xấp xỉ trên dưới 40 tuần, nghĩa là dư dôi ít nhất 3 đến 5 tuần.

Xem thời gian biểu năm học của Kiên Giang, Bình Phước và nhiều tỉnh thành khác thì thấy, hầu như từ giữa tháng 5, chương trình đã kết thúc, nhưng học sinh phải đợi đến ngày cuối tháng 5 mới được tổng kết và nghỉ hè.

Thực trạng trên khiến dư luận đặt câu hỏi, vậy các địa phương cho học sinh tựu trường sớm để làm gì?

Nếu không phải để học tập một cách nghiêm túc thì hoặc là học nội quy hay lao động, dọn vệ sinh trường lớp, hoặc là tập dượt cho lễ khai giảng chính thức. Các hoạt động này đều không có thời gian biểu cụ thể.

Nhưng nếu như nơi nào triển khai việc dạy học ngay thì đến giữa tháng 5 năm sau đã kết thúc chương trình. Còn nửa tháng nữa mới nghỉ hè, học sinh đến trường để làm gì thì chỉ người trong cuộc biết.

Vậy là đã rõ, việc cho học sinh tựu trường sớm, trước ngày khai giảng năm học mới cả tháng là một quy định bất cập, gây lãng phí thời gian cho cả thầy và trò. Người ta có thể biện minh rằng, tập trung sớm là để ổn định tổ chức, “rèn nề nếp” cho học sinh nhất là đối với trẻ mới vào lớp 1. Nhưng chả nhẽ cả tháng trời hay hai ba tuần tập trung sớm chỉ để làm mỗi việc “ổn định tổ chức”, rèn cách “ngồi yên trong lớp, cách cầm bút, cách giơ tay phát biểu, cách thưa gửi…”?

Để minh chứng cho sự bất cập nói trên, xin lấy Đà Nẵng làm thí dụ. Ba bốn năm qua, địa phương này đã thực hiện việc bắt đầu năm học mới từ ngày khai giảng 5/9, trả lại trọn vẹn ba tháng hè cho học sinh.[4]

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Đà Nẵng làm được, hai ba chục năm trước cả nước cũng đã từng làm như thế, còn bây giờ 62 tỉnh thành khác, tại sao không?

Nếu làm cuộc khảo sát xã hội, tôi tin rằng đa số phụ huynh và học sinh sẽ tán thành việc ngành giáo dục cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng.

Và lúc ấy, ngày khai trường mới ý nghĩa làm sao. Tôi hình dung cảnh các cháu học sinh háo hức chờ đợi, nô nức trong ngày khai giảng năm học mới như chính tâm trạng của thế hệ mình mấy chục năm về trước.

Ngày khai giảng vì thế trở nên thiêng liêng trong tâm thức học trò. Sẽ không còn những lễ khai giảng nặng nề, áp lực và phô trương hình thức. Nhưng, liệu đó có phải vẫn là giấc mơ?

Nguyễn Duy Xuân

Đọc nhiều