Để không bỏ lỡ cơ hội từ thị trường FTA trong năm 2023

Diệu Hương 30/01/2023 08:09

Sau thời gian thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)… đã phát huy hiệu quả tích cực. mang lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực để hàng hóa Việt Nam sang các thị trường mới. Tuy vậy, cơ hội đến từ thị trường các nước thành viên FTA vẫn còn rất lớn. Vậy doanh nghiệp Việt cần làm gì để có thể tận dụng tối đa những ưu đãi mà các FTA mang lại trong năm 2023.

Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định FTA

Ấn tượng từ cơ hội mà các FTA mang lại

Câu chuyện của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là minh chứng cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng về xuất khẩu mà Hiệp định CPTPP mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp sau ba năm thực thi. Cụ thể, ngày 11/5/2022, doanh nghiệp này trở thành doanh nghiệp đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Canada, Mexico – những thành viên trong Hiệp định CPTPP, với hơn 530 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả tự hào này là cả nỗ lực trong áp dụng công nghệ, trong nuôi trồng và chế biến thủy sản bền vững, khép kín chuỗi từ con giống nuôi trồng đến chế biến, kiểm soát dư lượng kháng sinh và hàm lượng dinh dưỡng trong nuôi trồng.

Nhìn lại hoạt động thương mại trong năm 2022, có thể thấy, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm do các tác động của dịch Covid-19, căng thẳng chính trị và giá nguyên vật liệu, xăng dầu, lãi suất… đều tăng đã tạo sức ép rất lớn đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ khai thác tốt các thị trường FTA, cùng với các giải pháp khai thác thị trường mới đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì mức tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 732 tỷ đô la Mỹ – con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường các nước mới có quan hệ thương mại tự do theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,6%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Thách thức chờ đón trong năm 2023

Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam – EVFTA

Trong báo cáo mới nhất của mình, Ngân hàng HSBC đưa ra nhận định: Đã đến lúc ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới. Thực tế doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được các ưu đãi từ FTA như kỳ vọng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA chỉ mới khoảng 20%, UKVFTA hơn 22% và CPTTP mới 6%… trong khi dư địa khai thác các thị trường này còn rất lớn.

Bện cạnh đó, kết quả khảo sát năm 2022 của VCCI cũng cho thấy còn nhiều lực cản với doanh nghiệp khi thâm nhập các thị trường FTA như: doanh nghiệp lo ngại các biến động và bất ổn (46,8%), hạn chế trong năng lực cạnh tranh (46,4%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%), việc triển khai thực thi các FTA của cơ quan nhà nước còn bất cập (28,2%)…

Thách thức lớn nhất trong việc phát triển bền vững khi tham gia các FTA thế hệ mới đó là bắt buộc chúng ta phải tuân thủ các yêu cầu, quy định về môi trường, lao động. Đây là những yêu cầu được đưa ra rất ngặt nghèo, khắt khe. Nghĩa là khi thực hiện các cam kết FTA, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhưng các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên. Đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đến từ các quốc gia. Tính đến hết tháng 11/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 225 vụ việc. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, gạch men… cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.

Để không bỏ lỡ cơ hội

Năm mới 2023, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để tiếp tục phát huy vai trò của các FTA thế hệ mới trong thời gian tới, chúng ta cần có các giải pháp chính sách phù hợp cả tức thời cũng như trong dài hạn.

Về phía Nhà nước: Đầu tiên là phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ để tận dụng được các ưu đãi của các FTA, để làm được điều này cần chi phí rất lớn. Về vấn đề này mặc dù chúng ta đã đưa ra kế hoạch từ lâu song chưa làm được nhiều.

Thêm nữa là tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp vươn lên ngang bằng với các doanh nghiệp FDI trong nhiều lĩnh vực. Đó là những giải pháp lớn mà nhà nước cần tập trung.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều chính sách, giải pháp khác, như để đẩy mạnh xuất khẩu phải tận dụng tốt các FTA, hiện chúng ta chưa tận dụng được nhiều. Bên cạnh đó nữa, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh. Và đặc biệt, cần phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Đối với hoạt động nhập khẩu chúng ta vẫn phải kiểm soát tốt. Hay như các biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh cũng phải tăng cường làm trong giai đoạn hiện nay có thể tận dụng được lợi thế từ các FTA.

Về phía doanh nghiệp: Cần tận dụng tốt các biện pháp hỗ trợ của nhà nước; Có chiến lược phát triển phù hợp khi chúng ta đang tham gia sâu rộng thế giới. Cần đổi mới sáng tạo, hạ giá thành sản phẩm, chuyển đổi số, đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới nguồn nhân lực. Những giải pháp này cần đồng bộ không chỉ của nhà nước mà của cả chính doanh nghiệp cùng thực hiện mới có thể hướng đến xuất khẩu bền vững đáp ứng các yêu cầu FTA đề ra.

Diệu Hương

Đọc nhiều