130115
topics
385373

Để gạo từ thiện đến đúng người, đúng thời điểm

Đinh Lực 16/04/2020 14:33

Dịch Covid-19 kéo dài, hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, hàng ngàn công nhân, người lao động trên cả nước rơi vào tình trạng mất việc, đối diện với những khó khăn về cơm áo gạo tiền.

Vẫn còn có những “hạt sạn” từ những lòng tham tranh giành đồ từ thiện

Trong lúc toàn xã hội đang khó khăn, bên cạnh gói cứu trợ của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, thì không ít cá nhân, tổ chức đã chung tay hỗ trợ những người khó khăn hơn. Hàng loạt các điểm phát gạo, mì tôm, trứng, dầu ăn… hay chỉ đơn giản là những đợt ủng hộ bánh mỳ, hộp sữa tới nhóm người dân.

Nếu ở bất kỳ đoạn điểm từ thiện nào, người ta cũng đều bắt gặp dòng chữ tình người ấm áp: “nếu bạn thấy cần, hãy lấy 1 phần – nếu bạn đã ổn, xin nhường lại cho người khác”.

Những dòng chữ: “nếu bạn thấy cần, hãy lấy 1 phần – nếu bạn đã ổn, xin nhường lại cho người khác” xuất hiện tại các điểm từ thiện

Thế nhưng ở một số điểm phát đồ từ thiện, dư luận xôn xao hình ảnh của những người ăn mặc trang phục đẹp đẽ, tay đeo nhẫn, đi xe máy hạng sang và có hành động lấy đồ từ thiện gây nhiều tranh cãi.

Hình ảnh những người giàu đi nhận từ thiện đến mức “mạnh thường quân” chứng kiến cảnh đó bị khó xử và phải lên tiếng xin hãy nhường lại cho những người khó khăn trong cộng đồng ở giai đoạn khó khăn này. Đến mức cán bộ phường thốt trên loa phóng thanh, rằng xin hãy dành những phần lương thực này cho những người nghèo thực sự.

Khi mạnh thường quân là những chiếc phao cứu sinh đối với những người nghèo, người làm nghề lái xe ôm, bán hàng rong… khi cộng đồng chung tay với họ, trở thành “phao cứu sinh” bảo vệ họ khỏi sự khó khăn này. Thật cảm động với những hành động như phát khẩu trang cho người nghèo, các gói quà cho nhóm người khó khăn bằng các bữa cơm miễn phí hay các “ATM gạo” được nhân rộng trên nhiều thành phố trong cả nước.

Đối với những người nghèo khi cầm túi quà hay những chiếc khẩu trang họ không khỏi xúc động, thậm chí còn có những người bật khóc bởi vì số gạo đó là những bữa cơm có thể giúp họ sống qua ngày.

Những việc làm tình nghĩa của các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đã giúp các hộ nghèo trên cả nước giảm thiểu được những gánh nặng cơm áo cho nhiều người nghèo trong lúc khó khăn. Nhưng hơn hết đó là sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau làm ấm lòng người cho và người nhận.

Nói về những hình ảnh người giàu cố tình nhận hàng cứu trợ, cứu đói tranh giành quyền lợi với người nghèo. Mạng xã hội đã đăng tải không ít hình ảnh về chị tóc nâu đã dùng một từ rất mạnh là “cướp”. Với việc lấy đi phần lương thực nhỏ bé ấy, những người không nghèo đã lấy đi bát cháo, bữa cơm của những người nghèo.

Trong tâm thức họ, việc “của chùa” hay đúng hơn là sự tham lam và tự trọng hạn chế đã khiến cộng ra sức phẫn nộ về hành động đó.

Chúng ta vẫn không quên câu chuyện cách đây không lâu, việc dê cứu trợ “đi lạc” vào nhà chủ tịch xã vì chủ tịch xã “ký giấy hộ nghèo cho người thân”. Hay thậm chí hình ảnh hiệu trưởng ăn bớt quà từ thiện của học sinh rồi sau đó xin báo chí đừng đăng lên … vì “đại cục” và hình ảnh của trường.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – người phát ngôn Chính phủ – cho biết tối muộn 9-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị quyết về gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng.

Việc hỗ trợ 500 ngàn hay một triệu đồng đối với những người nghèo đang chờ từng ngày, nó có thể là con số nhỏ “không đáng có” đối với người giàu. Nhưng đối với người nghèo thì đó lại là sự sống, sự sinh hoạt của từng ngày, từng giờ và đối với Chính phủ phải gạn từng xu, từ nguồn tiền dự phòng, từ nguồn doanh thu, thậm chí đó còn là từ nguồn phát triển từ nguồn chi tiêu thường xuyên.

Nhưng liệu sẽ ra sao nếu nhóm người yếu thế, người nghèo không nhận được những đồng tiền đó. Sẽ ra sao nếu những đồng tiền đó bị trục lợi bởi những con người có lòng tham không đáy?.

Nói về nguồn tiền gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng vì sao được Chính phủ thực hiện nhanh chóng, vì sao được Thủ tướng nhắc liên tục trong các câu chuyện, các kỳ họp.

Thủ tướng đề nghị khi nói về nguồn tiền an sinh xã hội là phải “bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm. “Chứ không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền”.

Hình ảnh những cá nhân như chị gái đeo nhẫn nhận quà phát hành của nhóm từ thiện để không lặp lại hình ảnh ở trong gói trợ cấp của Chính phủ. Thì việc công khai danh sách đối tượng nhận tiền cứu trợ ở các đơn vị hành chính địa phương là ở các thôn, xóm là điều rất cần thiết.

“ATM gạo” phải nhả gạo đúng người cần được trợ giúp

Việc cây “ATM gạo” xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh, ở Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước đã tạo nên hình ảnh tích cực trong cộng đồng mạng. Sự nhân văn và ý nghĩa của hành động này đã giúp những người nghèo phần nào thoát khỏi cảnh khó khăn, nghèo khó trong hoàn cảnh hiện tại.

Hình ảnh “ATM gạo” khi xuất hiện và lan truyền ở trên một số trang báo chí đã nhận được sự ủng hộ và tán thành. Trên CNN, nữ ký giả Alicia Lee đã thốt lên rằng: “Một cỗ máy phát ra gạo miễn phí ư? Nghe có vẻ quá là khó tin. Nhưng những máy “ATM gạo” này đã được thiết lập trên khắp Việt Nam để giúp đỡ những người cần nó nhất trong đại dịch Covid-19”.

Còn Reuter, dẫn lời Hoang Anh Tuan, tác giả của những chiếc “ATM gạo”, chỉ nói một câu duy nhất: “Tôi muốn để đồng bào hiểu là vẫn còn có những người tốt sẵn sàng giúp đỡ”.

Ngày 13/4, trong bài viết về “ATM gạo”, hãng tin Reuters mô tả: “Chiếc máy phân phối 1,5 kg gạo từ một thùng chứa nhỏ cho những người lao động đang chờ đợi. Phần lớn họ là người bán hàng rong hoặc kiếm sống bằng nghề trả nhận tiền mặt như giúp việc, bán xổ số”.

Rồi hình ảnh những người lớn tuổi mang đu đủ, tiền tích cóp được dù nhỏ bé để ủng hộ các trạm cách ly, những người dân ủng hộ sau câu chuyện của thầy giáo người Anh, hay những người nông dân chân chất, doanh nghiệp chở cả xe gạo đến tiếp tế cho “ATM gạo”… Điều này đã chứng tỏ những lòng tốt trong cộng đồng người dân Việt Nam.

“ATM gạo” Hà Nội phải tạm ngừng vì hiện tượng chen lấn, không giãn cách xã hội

Tình thân “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”,… trong hoàn cảnh khó khăn này càng tạo nên những hình ảnh tốt đẹp, nhân ái của người Việt. Chỉ một hành động nhỏ khi “đưa một bàn tay” cho những người khó, và còn như một sự bồi đắp thêm cho niềm tin xã hội.

Nhưng khi cây “ATM gạo” xuất hiện tại Hà Nội đi vào hoạt động được 3 ngày thì đã xuất hiện tình trạng người dân chen lấn, tranh giành nhau đến để nhận gạo. Hiện tượng này đã khiến lực lượng chức năng phải hỗ trợ giãn cách và giữ gìn trật tự theo đúng quy định đảm bảo an toàn và giãn cách xã hội.

Cây “ATM gạo” đầu tiên tại Hà Nội được lắp đặt tại Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 11/4 vừa qua. Nhưng đến nay phải dừng hoạt động bởi vì xuất hiện tình trạng chen lấn, tranh giành lẫn nhau. Hơn nữa, người lấy gạo không thực sự đã là người nghèo, những hành động thiếu ý thức này đã khiến “ATM gạo” mất đi phần ý nghĩa thực sự.

Không chỉ tại Hà Nội, mà còn nhiều địa điểm khác tại địa phương đã phải thực hiện việc không nhả gạo đối với những người đi tay ga, những người đi nhiều vòng để cố tình lấy thêm gạo.

Việc này khiến nhiều nơi đã phải đề xuất thực hiện ATM gạo miễn phí khi người đến lấy gạo phải qua khâu xếp hàng, khai họ tên tuổi, địa chỉ và sát khuẩn. Điều này nhằm tăng cường giúp người nghèo có thể thực sự lấy được hàng hỗ trợ và thực sự cần thiết với họ, đồng thời cũng khiến những kẻ tham lam, lợi dụng lòng tốt của cộng đồng hạn chế được đáng kể.

Chủ tịch TP Hà Nội mới đây cũng đã lên tiếng về những nhà hảo tâm trước hành động giúp người dân qua “ATM gạo” rằng: “việc làm ý nghĩa, cố gắng để hỗ trợ đúng đối tượng, không để một người nhận hai lần”.

Làm việc thiện để giúp đỡ mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta sống trong khó khăn của dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng phải lên tiếng bảo vệ những nhóm người yếu thế. Để việc làm này có ý nghĩa cao cả, vừa không làm mất đi cơ hội của nhóm người nghèo cần giúp đỡ thực sự.

Đinh Lực

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều