Để điện gió… không đung đưa theo gió!
Cơn sốt đầu tư điện gió đang lan rộng, doanh nghiệp đua nhau xin dự án, các địa phương cấp tập phê duyệt, đề xuất xin bổ sung vào quy hoạch quốc gia… Tuy nhiên do phải đối mặt với khó khăn mà chủ yếu từ tác động của dịch bệnh, nhiều dự án điện gió đã không kịp về đích khiến doanh nghiệp lo lắng, ngân hàng thấp thỏm. Còn những dự án điện gió kịp hòa lưới hưởng giá FIT của Chính phủ cũng không thực sự thành công. Cần làm gì để những dự án điện gió không bay đi!
Khi làn sóng đầu tư điện mặt trời có dấu hiệu cung vượt cầu, làn sóng đầu tư thứ hai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo lại nối tiếp, đó là điện gió. Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định nâng giá mua điện gió, mức giá mới này đủ để nhiều nhà đầu tư chạy theo. Cụ thể, tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kwh. Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kwh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
Quyết định 39 đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển sau một thời gian trầm lắng do giá thấp. Đã có hàng trăm dự án điện gió được đề xuất bổ sung quy hoạch và đang được thi công xây dựng. Tuy nhiên kết thúc ngày 31/10/2021, chỉ có 69 dự án với tổng công suất 3.298,95 MW được công nhận vận hành thương mại (COD). So với con số 106 dự án có tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký thì còn khoảng 2.300 MW đã lỡ hẹn.
Từ hào hứng về những triển vọng mùa vàng thu nắng – gặt gió, đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư và đóng góp lớn cho ngân sách, nay các dự án điện gió biến thành vũng lầy. Hơn một nửa số dự án bị trượt giá FIT, nhà đầu tư đang chịu lỗ ròng, nguy cơ phá sản. Những dự án còn lại, hoặc phát điện phập phù, yếu kém như ghi nhận của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, hoặc phát điện tốt nhưng bị cắt bớt sản lượng, như thông tin từ một số doanh nghiệp điện gió. Điều đó cho thấy, có rất nhiều bất cập và bất thường trong quá trình triển khai cùng thói xấu vụ lợi, đánh quả trong đầu tư và thu hút đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, cú trượt ngã đau đớn của các doanh nghiệp điện gió là do nhiều yếu tố như dịch Covid-19, quy định về công nhận vận hành thương mại liên quan đến thử nghiệm kỹ thuật. Nhưng yếu tố quyết định đến từ tư duy của người đứng đầu các địa phương và doanh nghiệp. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã có những diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng các địa phương vẫn ồ ạt thu hút đầu tư và các doanh nghiệp vẫn mạo hiểm đầu tư bằng mọi giá, vừa xếp hàng vừa chạy.
Lối tư duy đánh cược, đánh quả này còn dẫn đến nhiều hệ lụy, mà trước mắt là nảy sinh vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai. Như việc triển khai dự án khi chưa có đánh giá tác động môi trường, xây dựng điện gió trên đất quy hoạch lâm nghiệp, thi công khi chưa hoàn thành các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, thi công trên đất thuộc quyền sử dụng của người dân mà chưa đền bù, giải phóng mặt bằng…
Tại hội nghị COP26, tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia về biến đổi khí hậu đã được thể hiện qua bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước các nhà lãnh đạo toàn thế giới: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình”. Nói như vậy để thấy, vai trò rất quan trọng của điện gió trong công cuộc thay đổi của năng lượng quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, để điện gió thực sự phát triển, chính quyền các địa phương cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn năng lực của các nhà đầu tư khi phê duyệt dự án, tránh để đầu tư vào điện gió trở thành phong trào ảo, tính thực tiễn không cao. Đặc biệt để tránh hiện tượng các nhà đầu tư kém năng lực chiếm dự án, còn các nhà đầu tư có năng lực lại mất cơ hội…, cần rà soát lại một cách tổng thể các dự án đầu tư, từ cấp địa phương cho đến cấp trung ương, nhà đầu tư nào thực sự có khả năng thì tiếp tục cho đầu tư và kiên quyết thu hồi dự án của những nhà đầu tư ảo, không có năng lực.
Diệu Hương