Để có VAR tại Mỹ Đình phục vụ vòng loại World Cup 2022, VFF tốn bao nhiêu?

19/08/2021 18:44

Trao đổi với PV trưa 19/8, ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký VFF cho biết hệ thống camera, trang thiết bị phục vụ công nghệ VAR… đang trên đường tới Mỹ Đình.

VAR đang tới Mỹ Đình

Như đã thông tin, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) sẽ sử dụng công nghệ VAR (VAR là tên viết tắt của công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (Video Assistant Referee). Công nghệ này được sử dụng nhằm giúp các trọng tài đưa ra những quyết định chính xác nhất) tại các trận đấu thuộc vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á.

Sau trận ra quân làm khách của Saudi Arabia (ngày 2/9) ở bảng B, ngày 7/9, ĐT Việt Nam sẽ tiếp Australia. Đây sẽ là lần đầu tiên VAR được sử dụng trên sân Mỹ Đình.

Vòng loại World Cup 2022: Sân Mỹ Đình đón VAR - Ảnh 1.
Ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký VFF cho biết AFC lo toàn bộ chi phí cho hệ thống VAR lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trên sân Mỹ Đình, ở trận ĐT Việt Nam tiếp Australia ngày 7/9 tới. Ảnh: VFF

Sau đó, ĐT Việt Nam còn có 4 trận nữa được đá trên sân nhà tiếp Nhật Bản (11/11), Saudi Arabia (16/11), Trung Quốc (1/2/2022) và Oman (24/3/2022).

Trao đổi với PV trưa nay (19/8), ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký VFF cho biết đang rất bận với những cuộc họp liên tiếp liên quan tới quá trình chuẩn bị đón VAR tới sân Mỹ Đình:

“Dự kiến, ngày 3/9 tới, bộ phận chức năng của AFC sẽ sang Việt Nam để khảo sát việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, vị trí lắp đặt hệ thống camera phục vụ VAR trên sân Mỹ Đình. Sau đó, chúng tôi mới có thể cung cấp thông tin chi tiết về việc sẽ lắp đặt bao nhiêu camera, ở những vị trí nào…

Lúc này, chỉ có thể khẳng định chắc chắn sẽ có VAR trên sân Mỹ Đình. AFC cũng đã cho biết hệ thống camera, trang thiết bị phục vụ công nghệ VAR… đang trên đường tới Việt Nam.

Khi nào các trang thiết bị dụng cụ này tới, Hải Quan sẽ thông báo và VFF sẽ hoàn tất các thủ tục nhập vào Việt Nam”.

Cùng với trọng tài VAR với 4 người như tổ trọng tài chính hoạt động trên sân bao gồm 1 tổ trưởng VAR và 3 trợ lý AVAR (Asisstant Video Assistant Referee – trợ lý của trợ lý trọng tài video), ông Lê Hoài Anh cho biết sẽ có 4 nhân viên kỹ thuật sang Việt Nam làm nhiệm vụ điều khiển các đoạn quay lại (replay) phục vụ VAR. Hai người sẽ chọn sẵn các góc máy camera, trong khi 2 người còn lại cung cấp các góc máy được yêu cầu bởi tổ trưởng VAR và trợ lý AVAR.

VFF được hỗ trợ VAR “miễn phí”

Theo tiêu chuẩn, hệ thống VAR gồm phòng chức năng (VAR ROOM), vị trí lắp đặt hệ thống 33 camera (8 camera siêu chậm – super slow motion và 4 camera quay chậm cực đại – ultra slow motion. Còn lại là các camera bắt hình với tốc độ bình thường nhưng phải đảm bảo độ phân giải cao được đặt tại đủ các góc quanh sân và trên khán đài, đặc biệt là hai cầu môn và khu vực 16m50 nơi thường xuyên xảy ra các tình huống nóng và hay tranh cãi như việt vị hay không việt vị, phạt đền hay không phạt đền, thẻ đỏ không thẻ đỏ…).

Vòng loại World Cup 2022: Sân Mỹ Đình đón VAR - Ảnh 3.
Mỗi trận đấu tại World Cup 2018 tiêu tốn khoảng 700 nghìn USD. Ảnh: AFC

Chi phí bỏ ra cho VAR là rất lớn (tại World Cup 2018, chi phí cho VAR rơi vào khoảng 700.000 USD/trận, tương đương 16,1 tỷ đồng).

Khi PV đặt câu hỏi về việc VFF có mất chi phí cho VAR ở các trận đấu trên sân Mỹ Đình ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 hay không? Ông Lê Hoài Anh trả lời:

“Đây là sự kiện do AFC tổ chức và họ sẽ đảm bảo các điều kiện chuyên nghiệp theo yêu cầu của họ. AFC sẽ có một đơn vị giúp Việt Nam thiết lập hệ thống VAR. Mọi vấn đề, trong đó có cả kinh phí đều do họ đứng ra thực hiện, VFF chỉ đứng ra hỗ trợ các thủ tục…”

Công ty đối tác của AFC ngoài việc thiết lập hệ thống VAR trên sân Mỹ Đình sẽ đảm trách luôn phần nhân sự và hậu cần, việc phối hợp giữa VAR và trọng tài…

Từ trận sân nhà đầu tiên của ĐT Việt Nam tiếp Australia ngày 7/9 đến trận tiếp theo  tiếp Nhật Bản ngày 11/11 là khoảng thời gian hơn 2 tháng. Vấn đề bảo quản trang thiết bị cũng được đặt ra và ông Lê Hoài Anh đã khẳng định VFF đã có nơi bảo quản tốt.

Trở lại quá khứ, VAR đã được sử dụng thử nghiệm tại Anh và một vài trận đấu của Đức, Italia, trước khi được áp dụng chính thức tại World Cup 2018 (Nga). Đây cũng là lần đầu tiên VAR được sử dụng trong một kỳ World Cup. Trước đó, công nghệ goal-line đã được FIFA áp dụng lần đầu tại World Cup 2014.

EURO 2020 vừa qua cũng là kỳ EURO đầu tiên công nghệ VAR được sử dụng. Với sự xuất hiện của công nghệ VAR, các cầu thủ đã được thuyết phục hơn trong những tình huống nhạy cảm việt vị – không việt vị, phạt đền – không phạt đền, thẻ đỏ – không thẻ đỏ…

Vòng loại World Cup 2022: Sân Mỹ Đình đón VAR - Ảnh 5.
Ritsu Doan ghi bàn thắng duy nhất từ chấm 11m giúp Nhật Bản vượt qua Việt Nam ở tứ kết ASIAN Cup 2019. Ảnh: JFA

Dưới thời HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam cũng đã “cảm nhận” VAR tại ASIAN Cup 2019. Trận tứ kết ASIAN Cup 2019 và cũng là trận đấu đầu tiên VAR được áp dụng tại ASIAN Cup, ĐT Việt Nam đã thua Nhật Bản 0-1 trong tình huống có sự can thiệp của VAR.

Đó là tình huống trung vệ Bùi Tiến Dũng va chạm với Ritsu Doan (Nhật Bản) đầu hiệp 2. Ban đầu, trọng tài đã bỏ qua nhưng sau khi tham khảo VAR, trọng tài đã thổi phạt đền Việt Nam và chính Ritsu Doan là người ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, loại thầy trò HLV Park Hang-seo.

Trước đó, trong hiệp 1, VAR cũng giúp ĐT Việt Nam thoát thua khi hỗ trợ trọng tài không công nhận bàn thắng của Maya Yoshida vì để bóng chạm tay trước lúc ghi bàn.

Tuệ Minh

Đọc nhiều