ĐBQH hiến kế để triệu “túi an sinh” đến từng hẻm, từng ngách ở TPHCM

20/08/2021 12:04

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đánh giá chương trình trao túi lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân TPHCM đóng vai trò quan trọng để thực hiện tốt Chỉ thị 16, qua đó đẩy lùi dịch bệnh.

An sinh tại chỗ giúp… “ai ở đâu, ở yên đó”

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) đánh giá chương trình một triệu túi an sinh TPHCM đang triển khai có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp đỡ người dân gặp khó khăn vì Covid-19, góp phần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt.

Theo ông, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp và nguy hiểm, số ca tử vong còn cao, số ca F0 chưa giảm mạnh. Để có thể giảm số ca F0, giảm tỷ lệ tử vong, điểm mấu chốt là quản lý, hỗ trợ trường hợp F0 cách ly tại nhà, triển khai nghiêm ngặt Chỉ thị 16 đúng với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”.

“Muốn người dân ở đâu ở yên đó, chúng ta phải hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh cho người dân tại nhà”, PGS Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

ĐBQH hiến kế để triệu túi an sinh đến từng hẻm, từng ngách ở TPHCM - 1
Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Quochoi.vn).

Hiện tại, TPHCM và Bộ Y tế đang triển khai mô hình “3 tại chỗ” cho người dân trên địa bàn. Đầu tiên, khi có triệu chứng lâm sàng, sốt, ho, người dân sẽ báo với cơ sở y tế và được xét nghiệm tại nhà. Tiếp theo, hệ thống bác sĩ tư vấn, hỗ trợ các F0 triệu chứng nhẹ, ít nguy cơ chuyển nặng để họ tự tin, an tâm điều trị tại nhà.

Sau đó, TPHCM thực hiện an sinh xã hội tại chỗ, phát túi an sinh, bao gồm lương thực, thực phẩm, có cả thuốc men. Việc này giúp các F0 và người thân yên tâm cách ly tại nhà.

Theo ông Ngân, việc thực hiện chính sách an sinh tại chỗ cùng xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ sẽ giảm số lượng ca F0 trong cộng đồng.

“Khi giảm các ca F0, sẽ kéo giảm tỷ lệ tử vong cao ở TPHCM. Đây là bài học nên nhân rộng cho các địa phương khi thực hiện Chỉ thị 16. Đây là giải pháp căn cơ, hiệu quả”, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM nêu quan điểm.

Theo ông Ngân, việc thực hiện chính sách an sinh tại chỗ cùng xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ sẽ giảm số lượng ca F0 trong cộng đồng (Ảnh: Hải Long).

Cả hệ thống vào cuộc…

Theo PGS Trần Hoàng Ngân, nhiều người dân dù được hỗ trợ tài chính chưa chắc đã mua được hàng hóa. Vì vậy, việc hỗ trợ túi lương thực, thực phẩm, đưa đến tận nhà người dân có vai trò hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý vấn đề nguồn nhân lực để thực hiện chính sách an sinh tại chỗ trong bối cảnh TPHCM đã giãn cách xã hội các cấp độ từ 31/5 đến nay. Vì phải chống dịch thời gian dài, nguồn nhân lực của thành phố đang mỏng, thiếu, cần phải tăng cường thêm tất cả lực lượng đoàn thể, các cấp.

PGS Trần Hoàng Ngân cho rằng cần huy động thêm cả lực lượng công an, quân đội, hành chính sự nghiệp, thanh niên, công đoàn, tình nguyện viên để đưa túi an sinh đến từng hẻm, ngách của thành phố, từng người lao động.

ĐBQH hiến kế để triệu túi an sinh đến từng hẻm, từng ngách ở TPHCM - 3
Người dân tại quận Bình Thạnh, TPHCM nhận túi an sinh (Ảnh: Thư Quỳnh).

Đồng thời, để chương trình “một triệu túi an sinh” nhanh chóng đến tay người cần hỗ trợ, quá trình triển khai cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để người dân gặp khó khăn, đặc biệt trong khu cách ly, khu phong tỏa dễ dàng phản ánh.

Thành phố hiện đã có Tổng đài 1022, có kênh thông tin của Mặt trận Tổ quốc TPHCM để tiếp nhận. Mặt trận Tổ quốc tất cả cấp quận, huyện, phường, xã cũng phải mở thêm kênh tiếp nhận phản ánh, có thêm nhiều kênh thông tin để người dân liên hệ ngay khi gặp khó khăn nhằm có thể hỗ trợ nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Theo PGS Trần Hoàng Ngân, ngoài Mặt trận Tổ quốc, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, cần có thêm nhiều đường dây nóng, số điện thoại của Đoàn thanh niên, công đoàn, kể cả văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cùng tham gia tiếp nhận thông tin để kịp thời hỗ trợ người dân.

Đại diện Bộ Lao động Thương binh Và Xã hội trao túi an sinh cho người dân tại quận 1, TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).

Ngoài ra, ông nhấn mạnh các đài truyền hình, báo chí phải cập nhật về kênh hỗ trợ liên tục, cụ thể để người dân theo dõi, nắm bắt được.

“Rất nhiều người lao động ở thành phố mất việc làm, đang hết sức khó khăn. Chúng ta phải có nhiều kênh thông tin, phải chuẩn bị càng nhiều túi an sinh càng tốt, không chỉ một triệu mà có thể 2-3 triệu túi để người dân yên tâm ai ở đâu ở yên đó, thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16. Nếu làm tốt, đến cuối tháng 8, có thể sẽ có dấu hiệu kiểm soát được dịch”, PGS Trần Hoàng Ngân chia sẻ với PV Dân trí.

Cần sự hỗ trợ của Trung ương

Theo PGS Trần Hoàng Ngân, đại dịch còn diễn biến phức tạp, số lượng ca F0 của TPHCM chưa sớm dừng lại. Thành phố đang phải huy động mọi nguồn lực, đặc biệt rất cần sự hỗ trợ của Trung ương.

“Lâu nay, TPHCM đã nêu vấn đề nguồn lực tài chính, tỷ lệ ngân sách được giữ lại không đủ để đầu tư phát triển. Khi xảy ra dịch bệnh, nguồn thu giảm nhưng chi cho phòng chống dịch, y tế rất lớn”, PGS Ngân nói.

Với phương châm “còn người là còn tất cả”, “cứu người như cứu hỏa”, ông Ngân dẫn chứng thời gian qua, Trung ương cùng các địa phương khác đã giúp đỡ TPHCM rất nhiều. Với kiến nghị mới nhất của TPHCM mong được Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp, ông Ngân tin tưởng Trung ương sẽ sớm cân đối nguồn lực để hỗ trợ thành phố.

Việt Đức

Đọc nhiều