425
category
446235

ĐBQH Bùi Văn Phương: ‘Tự chủ đại học là xu thế tất yếu, cần tách bạch vai trò, trách nhiệm’

06/11/2020 06:31

ĐBQH Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, tự chủ đại học là xu thế tất yếu đối với các trường đại học. Song cần tách bạch rõ ràng vai trò, trách nhiệm.

Nhiều năm qua, vấn đề tự chủ giáo dục trong đại học (tự chủ đại học) Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước.

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ về: Học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính và tài sản.

Có thể nói, thực hiện tự chủ đại học được nhân dân đánh giá cao, là một trong những nổi bật trong quá trình đổi mới của ngành giáo dục Việt Nam, mở ra hợp tác giáo dục quốc tế. Nhiều chuyên gia đánh giá, dù mới là bước đầu, nhưng tự chủ đại học đã chứng minh tính đúng đắn và đã được luật hóa trong Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Đại biểu Quốc hội: Tự chủ đại học là xu thế tất yếu, cần tách bạch vai trò, trách nhiệm - Ảnh 1.
Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

Về việc này, trao đổi với PV, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, đây là xu thế khi các trường đại học phải dần đi theo định hướng tự chủ.

Thưa đại biểu, hiện nay, dư luận rất quan tâm đến vấn đề “tự chủ đại học”, trong Luật Giáo dục đại học 2018 cũng cho phép các trường được “hoàn toàn tự chủ”. Vậy theo ông “tự chủ đại học” có phải là xu thế tất yếu hiện nay?

– Về tự chủ đại học, Luật Giáo dục đại học đã thông qua, có hiệu lực, tức là đã thực thi. Trong Luật đã giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cũng giao trách nhiệm cho Hội đồng trường có những thẩm quyền cụ thể như thế nào.

Bây giờ, để tổ chức triển khai Luật Giáo dục đại học theo tinh thần đổi mới theo Luật, tôi cho rằng giao tự chủ cho các trường đại học là xu thế quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.

Khi giao tự chủ thì trường đại học phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động. Có thể thấy rằng, khi giao tự chủ, các trường đại học sẽ hoạt động giống như mô hình của một doanh nghiệp, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường và phải tùy thuộc vào thị trường. Thị trường cần gì thì đáp ứng, khi sản phẩm nguồn nhân lực đào tạo ra đảm bảo cạnh tranh được thì tồn tại, còn nếu sản phẩm nguồn nhân lực đào tạo ra không có chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu thì sẽ bị đào thải theo cơ chế của thị trường.

“Tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Lúc này trường đại học là đơn vị sự nghiệp nhà nước nhưng hoạt động tương tự của doanh nghiệp. Anh đào tạo cái gì thì sau này anh quyết định thị trường, còn anh không đào tạo, đáp ứng theo kịp xu hướng, thị trường của nguồn nhân lực hoặc đào tạo ra nguồn nhân lực yếu kém, không cạnh tranh được với các trường khác thì ngẫu nhiên anh sẽ bị cơ chế thị trường đào thải. Như vậy, chúng ta phải tạo điều kiện hết sức để đơn vị tự chủ thể hiện tốt vai trò tự chủ đại học theo Luật đã ban hành”, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình).

Vì vậy, để cho các trường đại học tự chủ về việc cung cấp sản phẩm nguồn nhân lực cho xã hội thì cần giao cho các trường này tự chịu trách nhiệm. Còn việc tự chủ đến đâu thì theo khả năng cụ thể của từng trường, theo yêu cầu của Nhà nước đối với từng lĩnh vực đào tạo. Tức là, có những lĩnh vực Nhà nước phải có quản lý trực tiếp, có những lĩnh vực đơn vị tự chủ có thể đào tạo theo hướng thị trường.

Liên quan đến việc này, để cho các đơn vị tử chủ, phải tách bạch rõ việc Bộ GDĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Đặc biệt phải phân biệt, tách bạch rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của đơn vị tự chủ và trách nhiệm của đơn vị chủ quản. Việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản tiến tới phải tách bạch cơ quan chủ quản.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Luật Giáo dục đại học được xây dựng phù hợp với xu hướng giảm dần vai trò của cơ quan chủ quản, trong khi các trường mong muốn tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản và tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

– Hiện nay, nếu một trường đại học được giao tự chủ mà một bên vừa thuộc Bộ GDĐT quản lý về mặt Nhà nước, một bên vừa chịu một đơn vị chủ quản riêng nữa thì có lẽ khó lòng mà thực hiện được việc tự chủ. Cho nên, nếu để cho các trường đại học phát triển theo đúng hướng quy định của Luật thì Chính phủ cần phải làm rõ việc cơ quan chủ quản tham gia đến đâu?

Đại biểu Quốc hội: Tự chủ đại học là xu thế tất yếu, cần tách bạch vai trò, trách nhiệm - Ảnh 3.
Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) hoạt động theo mô hình tự chủ nhiều năm nay.

Theo tôi, về phần chức năng quản lý nhà nước thì đương nhiên thuộc về Bộ GDĐT, đơn vị chủ quản không thể tham gia sâu vào công việc của nhà trường, của Hội đồng trường được.

Chúng ta nên tiến tới việc không có vai trò của đơn vị chủ quản nữa, bởi vì trường đại học tự chủ họ đào tạo theo yêu cầu của xã hội, chỉ riêng một số trường đặc thù như trường của quân đội, công an liên quan đến an ninh, quốc phòng thì vừa thực hiện theo quy định quản lý nhà nước của Bộ GDĐT, vừa chịu trách nhiệm về chuyên môn của lĩnh vực quốc phòng, an ninh, còn các trường bình thường thì có thể đào tạo về lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật theo nhu cầu của xã hội của nguồn lao động thì thực hiện bình thường.

Từ vụ Đại học Tôn Đức Thắng, ngành GD-ĐT cần đánh giá mô hình tự chủ đại họcBộ Nội vụ nói gì khoản thu nhập nửa tỷ/tháng của ông Lê Vinh Danh, cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng?Khi nào Đại học Tôn Đức Thắng có hiệu trưởng mới?

Thưa đại biểu, dư luận đang xôn xao “câu chuyện tự chủ” của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở TP.HCM, ông có bình luận gì việc này?

– Đối với trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tôi cũng đã nhận được một số đơn thư khiếu nại của một số giáo viên và thầy Hiệu trưởng Lê Vinh Danh cho rằng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã hoạt động theo mô hình tự chủ từ nhiều năm nay và đạt được nhiều thành quả rất quan trọng giúp cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng trở thành trường đại học có tên tuổi.

Điều này cho thấy rằng việc tự chủ đã phát huy giá trị rất tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, sự việc liên quan đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng tôi không rõ nhà trường vi phạm gì, việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ.

Song, qua thực tế nhìn nhận từ việc tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tôi thấy Chính phủ cần phải vào cuộc, chỉ đạo Bộ GDĐT sớm tham mưu để tuân thủ thực hiện Luật Giáo dục đại học đã ban hành vừa qua và thực hiện theo đúng tinh thần của Luật: Cái gì thuộc thẩm quyền thì thực hiện, quyền của Hội đồng trường, quyền của Hiệu trưởng, Chủ tịch ra sao thì phải theo quy định để phát huy hiệu quả tối đa của việc tự chủ để nền giáo dục của Việt Nam phát triển.

Thưa đại biểu, theo các trường, một số cơ quan chủ quản trường đại học ban hành những quy định có nội dung mâu thuẫn với Luật giáo dục đại học. Như vậy, trong tình huống đó các trường nên làm gì để việc tự chủ đại học không vướng vào những luật đang hiện hành?

– Việc này, qua quá trình thực hiện các đơn vị tự chủ thấy vướng mắc, mâu thuẫn thì phải đề xuất.

Ví dụ, chúng ta tổ chức thực thi Luật, trong đó có thực hiện quy chế tự chủ trong các trường đại học thì trong quá trình thực hiện nếu các trường gặp những khó khăn, vướng mắc gì thì phải đề xuất với Chính phủ.

Đơn cử, cơ chế có đơn vị chủ quản thì nó sẽ vướng điều gì? Cản trở gì? Cần phải sửa như thế nào thì cũng chính các trường sẽ là người đề xuất, bởi vì họ là người trong cuộc mới biết rõ và kiến nghị xác đáng nhất. Ví dụ như trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện nay thấy đang vướng mắc điều gì, thực hiện cơ chế tự chủ nhưng vừa chịu sự quản lý của Bộ GDĐT vừa chịu quản lý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì bị vướng, cản trở việc gì, không phát huy được sáng tạo, tự chủ, hiệu quả của nhà trường thì Nhà trường phải có đề xuất…

Vậy việc tự chủ chưa trọn vẹn như hiện nay sẽ mang lại hệ quả như thế nào?

– Việc này cũng tùy vào mức độ của mỗi nhà trường, nếu không phát huy được thì không có gì đổi mới. Nếu trường đại học tự chủ được hoàn toàn về mặt tài chính, đầu tư, chi thường xuyên, nhân sự thì tốt quá. Họ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu ra thì cũng phải được tự chủ về nhân sự, họ có quyền tuyển nhân sự giảng viên, nhiên viên phục vụ là ai, thậm chí người quản trị, người điều hành. Cho nên theo tôi, nếu đã có chủ trương giao cho một trường đại học nào đó tự chủ thì phải để họ tự chủ một cách thực sự thì sẽ mang lại hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Cơ quan chủ quản không nên can thiệp vào hoạt động trường đại học

Liên quan đến tự chủ đại học với câu chuyện của Đại học Tôn Đức Thắng, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục 2020 vừa diễn ra ngày 31/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Câu chuyện này cần nhìn nhận rất bình tĩnh. Tự chủ như trường Tôn Đức Thắng cũng chưa ăn thua gì với đúng nghĩa tự chủ”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ đại học là xu thế chung và cần được ủng hộ theo đúng quy định của pháp luật: “Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của trường vì tự chủ về chuyên môn. Giáo dục đại học không chỉ là nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi tạo ra tri thức, muốn vậy họ phải có tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính để phục vụ tự chủ nói chung. Còn đúng hay sai, tất cả hoạt động tự chủ vẫn phải tuân theo quy định pháp luật”.

Trước đó, Bộ GDĐT đã thành lập đoàn công tác liên ngành rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về thành lập hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Đại học Tôn Đức Thắng.

PV/DV

Đọc nhiều