425
category
331051

Dạy trẻ lớp 2 xác suất thống kê: Đừng biến trẻ thành “robot thông minh“

05/11/2019 08:17

Cho con đi học để “bằng chúng, bằng bạn”, nhưng nhiều cha mẹ không khỏi lo lắng, con mình liệu có trở thành những “robot thông minh” nhưng vô cảm?

1. Tôi có dịp sang Hàn Quốc để tìm hiểu về mảng giáo dục, được tiếp xúc với nhiều giáo viên ở đây và được biết, trẻ con khi bước vào lớp 1 không phải chạy đua với điểm số, mà học rất đơn giản. Học sinh Tiểu học chỉ học 3 môn bắt buộc là Âm nhạc, Thể dục và Giáo dục cộng đồng, còn các môn khác là không bắt buộc.

Người Hàn cho rằng, ở tuổi các em, âm nhạc cần cho phát triển trí não và nuôi dưỡng tâm hồn. Còn môn đạo đức rất được chú trọng vì Hàn Quốc là một dân tộc trọng lễ nghĩa, họ cho rằng mọi kiến thức, tài năng cũng phải được bắt đầu từ cái gốc là đạo đức. Học Giáo dục cộng đồng là để học sinh có lòng tự tôn dân tộc.

Chúng tôi đã được chứng kiến những lý thuyết được dạy ở trường áp dụng vào thực tế bằng mắt thấy, tai nghe. Trong lần đi trên tàu điện ngầm, một cháu bé 10 tuổi khi được mời ngồi xuống hàng ghế hàng dành cho người già, người tàn tật vì còn nhiều ghế trống, nhưng cháu nhất quyết không ngồi, chỉ đơn giản là không phải là ghế dành cho cháu.

Tôi cũng đã có dịp được đến Nhật Bản. Hình ảnh hầu hết các em bé dù chỉ học mẫu giáo, nhưng đi học, đi chơi đều tự đeo balo và cầm đồ cá nhân làm chúng tôi ấn tượng mãi.

Hoặc lần tham quan khu du lịch, chúng tôi bắt gặp một bà mẹ chở đứa con gái nhỏ bằng xe đạp. Người mẹ tự nhiên dừng xe lại và nhặt cái giấy kẹo mà khách du lịch đã vô ý vứt ra đường. Hai mẹ con đi đến một thùng rác gần đó bỏ vào rồi lên xe đi tiếp.

Một người bạn của chúng tôi là người Nhật Bản cho biết, ngay từ bậc học mẫu giáo, trẻ con ở đây đã được rèn luyện tính tự lập và học về lễ nghĩa. Từ khi 2-3 tuổi, trẻ đã được dạy nói lời cảm ơn và mỉm cười thật nhiều.

day tre lop 2 xac suat thong ke: dung bien tre thanh "robot thong minh" hinh 1
 Ngay từ khi chuẩn bị vào lớp 1, các con đã phải chạy đua với các môn Toán, Anh, Văn và nhiều môn học khác

Còn trẻ ở bậc mẫu giáo và Tiểu học, các môn văn hóa như Toán, Văn và tiếng Anh lại không phải là ưu tiên hàng đầu của nhà trường và cha mẹ mà họ cho con em học kỹ năng sống, sự trung thực, tự tin. Các trường học ở Nhật cũng rất coi trọng các môn thể dục, sinh hoạt tập thể.

2. Mới đây, trong trả lời báo chí, PGS.TS Ngô Hoàng Long, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, trong chương trình phổ thông mới, thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12. Tức là trong 11 năm, học sinh đều được học những nội dung về xác suất và thống kê với chương trình mang tính đồng tâm và nâng cao dần.

Cũng theo vị này, chương trình này trước đây chỉ xác định một chút ở lớp 4-5 và lớp 7, lớp 10 và xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11.

Còn nếu thời chúng tôi đi học, xác suất thống kê chỉ được dạy ở những năm cuối của Đại học. Và thực tế khi học môn này, nhiều sinh viên Đại học đã phải “vật vã” thi đi thi lại nhiều lần.

Đến đây, tự dưng tôi lại vẩn vơ nhớ lại chuyện hồi con gái tôi học lớp 1-2. Trong buổi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm kể nhiều chuyện cười ra nước mắt, nhưng là có thật 100% ở trong chính lớp của cô. Khi cô nói đặt câu với vần “ay”, nhiều con đã đặt “bố em bị chết cháy”, hay cô nói diễn giải từ “cần cù” thì một số con đã làm động tác “cù éc” vào những chỗ gây cười trên người… Cô lý giải việc này rất dễ hiểu vì đây là những hình ảnh các con dễ hình dung và dễ lấy ví dụ.

Với đầu óc non nớt của các con, mà thực tế ở các tuổi ấy, tôi và cũng như nhiều bậc cha mẹ chỉ mong con mình “biết ăn, biết chơi, biết ngủ” là ngoan. Liệu cái môn học được gọi là “xác suất, thống kê” sẽ được các con “giải nghĩa” như thế nào nếu với cách hiểu đơn giản, dễ hình dung như các con trong lớp của con gái tôi hồi bé.

Thực tế, tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ cho con đi học để “bằng chúng, bằng bạn” nhưng không khỏi lo lắng, con mình sau này liệu có trở thành những con robot hay là gì nữa. Bởi, việc học kiến thức đối với các con đã thực sự quá tải. Ngay từ khi chuẩn bị vào lớp 1, các con đã phải chạy đua với các môn Toán, Anh, Văn và nhiều môn học khác, hết học trên lớp rồi đến học thêm, học nhà cô. Nếu không học, con sẽ trở nên tụt hậu là lạc hậu, không thể theo kịp các bạn cùng lớp.

Thời gian học kiến thức quá nhiều, các con không còn cả thời gian ăn, chơi, ngủ, nghỉ, lấy đâu ra thời gian rèn đạo đức, nhân cách. Không khó gặp khi ở ngoài đường, thậm chí ngay trong sân trường, học sinh chửi bậy, nói tục, xả rác bừa bãi… Những câu chào hỏi ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi và những lời mời trong bữa ăn ngày càng thưa thớt.

Cũng vì con quá vất vả học hành, bố mẹ “thương” nên chiều chuộng, ưu tiên không bắt con phải làm gì, thậm chí ăn còn phải bê đến tận miệng nên lâu dần trẻ hình thành thói quen, tự cho mình cái quyền có người phục vụ, có quyền được hạch sách người khác.

Vậy thì, khi trẻ đã bị “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức mà không có cả thời gian cho việc học kỹ năng sống cũng như rèn đạo đức, việc nhồi thêm cho các em những kiến thức mà “trước đây ở lớp 11 mới chính thức đưa vào học”, liệu có phù hợp ở cái lứa tuổi “biết ăn ngủ” là ngoan như các em học sinh lớp 2.

Những đứa trẻ lớp 2, “biết học hành” là ngoan, nhưng với lứa tuổi các em “biết ăn ngủ” cũng rất quan trọng. Đầu óc non nớt của các em phải được nuôi dưỡng bằng cả những hạt giống tâm hồn để các em lớn lên, trở thành người vừa có kiến thức vừa biết thương yêu, chia sẻ chứ không chỉ là những “người máy thông minh” nhưng vô cảm.

Nhìn trẻ con “nhà người ta” chơi và học, tự dưng tôi lại thấy xót xa cho trẻ con “nhà mình” lắm thay.

(Theo VOV)

Đọc nhiều