Đây là lý do Thủ tướng khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con

07/05/2020 10:30

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con. Bởi Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số già.

Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tức là, cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi) thì có 2 người hoặc hơn trong độ tuổi lao động (từ 15 – 60 tuổi). Với cơ cấu dân số này, là cơ hội “vàng” để nước ta có được lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010 – 2020. Tuy nhiên, sau giai đoạn dân số “vàng” sẽ bước sang giai đoạn dân số “già”, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục (Chỉ số già hoá dân số từ 18,2% năm 1989 tăng lên 44,6% năm 2014), nhanh hơn 06 năm so với dự báo. Điều đáng nói là, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, sẽ chỉ mất 20 năm, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tính đến hết năm 2017, cả nước có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi.

Ảnh hưởng thì chắc mọi người cũng thấy rõ qua Nhật Bản, Hàn Quốc (2 quốc gia cũng có thể nói là giàu có trên thế giới) hiện nay đang phải chật vật với bài toán dân số già như thế nào. Nhưng nếu nó xảy ra ở Việt Nam chưa chắc ta đã tốt hơn mà có khi tệ hơn. Nước ta vẫn chưa thoát khỏi thu nhập trung bình (nếu nhanh thì cũng phải mất ít nhất 15 năm nữa để thành quốc gia có thu nhập cao) và đang trong giai đoạn phát triển kinh tế nên khó mà xây dựng một hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi tốt, phù hợp với tình hình dân số như dự báo được. Thậm chí nó có thể kéo lùi lại quá trình phát triển của ta trong tương lai như Nhật Bản. Vì vậy việc cần làm bây giờ là làm chậm lại quá trình già hóa bằng mọi cách trước khi ta có tiềm lực đủ để chống lại nó.

Về ý kiến của một số người không hài lòng với chính sách:

Thứ nhất: Chính phủ đang “bắt” người độc thân phải kết hôn thay vì lựa chọn? Không đúng, họ chỉ khuyến khích sinh con bằng cách hỗ trợ kinh tế, xóa bỏ những khó khăn gặp phải khi sinh con. Còn bạn muốn hay không là quyền của bạn.

Thứ 2: Người độc thân phải chịu thiệt thòi hơn về thuế? Không đúng, vì Chính phủ dùng tiền để xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và nâng cao phúc lợi xã hội cho người cao tuổi (viện dưỡng lão, nhân lực chăm sóc người già như điều dưỡng đang thiếu). Khi bạn già phần lớn là do lớp trẻ gánh chịu, theo kiểu thế hệ sau “nuôi” thế hệ trước nên tiền thuế chênh lệch người độc thân phải đóng cũng là để “nuôi chính mình” sau này thôi.

Ngoài ra, Chính phủ không hề quy định là tăng thuế, “trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng” có rất nhiều biện pháp khác nhau và liên quan đến nhiều mối quan hệ trong xã hội, cộng đồng.

Thứ 3: Dân số Việt Nam đang tăng thì khuyến khích đẻ làm gì, lo xa làm gì? Không hề lo xa đâu. Dân số đang tăng lên chủ yếu ở nhóm người già do độ tuổi trung bình tăng. Việt Nam đang trong quá trình phát triển, áp lực tài chính, thời gian làm việc tăng sẽ gây ra tâm lí ngại sinh đẻ mức sinh cũng đến giới hạn rồi và sẽ giảm nhanh chóng nếu không có các biện hỗ trợ kinh tế… Trung Quốc, Hàn Quốc dân số vẫn tăng nhẹ (người trẻ sinh giảm nhưng người già còn tăng nhanh hơn) nhưng đã phải khuyến khích sinh đẻ từ lâu rồi, không thì quá muộn.

Thứ 4: Giảm dân số cũng tốt mà, bớt áp lực tìm việc, dễ quản lý, phúc lợi tăng? Đúng, không sai nhưng đó là dân số giảm có lộ trình.

Trong 50 năm nữa mà dân số Việt Nam như dự báo không thể nào mà có một cái “lộ trình” nào phù hợp cả. Tỉ lệ sinh thay thế hoàn hảo 2,1-2,2 trung bình đến năm 2050 có thể đủ thời gian giúp ta ứng phó với thách thức. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn thế giới nhiều nhưng với một nước dân số vàng thì không phải là quá nhanh. Các quốc gia “già” trước đó luôn cố gắng kéo dài thời kì này càng lâu càng tốt để giàu lên kịp thích ứng với thay đổi. Có thể thấy phương Tây đang ứng phó tốt hơn với các nước Đông Á là vì họ đã tích lũy tư bản trong cả trăm năm lại cộng thêm với có nguồn người nhập cư chọn lọc còn Việt Nam cũng sẽ giống như Nhật Bản, Hàn Quốc nếu không hành động sớm thậm chí tệ hơn theo kiểu”chưa giàu nhưng đã già”.

Đình Sơn

Đọc nhiều