86
topics
328630

Đây là gì nếu không phải là bản lĩnh của Việt Nam? 

Văn Dân 14/10/2019 17:57

Câu chuyện biển đảo và nhất là tình hình trên bãi Tư Chính đang nóng lên từng ngày từng giờ. Lâu nay, Việt Nam đã có nhiều đối sách thậm chí nín nhịn để vừa giữ vững chủ quyền vừa bảo vệ hòa bình, ổn định trên từng con sóng nước Biển Đông. Thế nhưng, Trung Quốc quyết biến Biển Đông thành ao nhà, và như thế sóng chưa yên, và biển cũng chưa bao giờ lặng… 

Mùa hè năm 2014, Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng họa đồ di chuyển của nó chỉ quanh quẩn nơi các mỏ dầu khí của ta chứ không có tàu hải cảnh áp sát đất liền như cái cách tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ của nó tiếp cận Phan Thiết, rồi Khánh Hòa năm 2019. Tướng Lê Văn Cương đã phải thốt lên: “Vụ Tư Chính nguy hiểm gấp cả trăm lần vụ giàn khoan 981 hồi 2014“.

Đành rằng, thế hệ hôm nay phải kế truyền kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ chủ quyền của cha ông chúng ta, vì quan niệm một nước nhỏ ở cạnh một nước lớn có tâm địa bành trướng thì biết kêu ai, nhịn nó một tiếng cho yên cửa yên nhà. Nhưng thời thế nay đã khác xưa, đã toàn cầu hóa. Đã không còn cảnh gậy tre, chông tre, chống lại sắt thép quân thù. Cũng đã qua rồi thời Việt Nam một mình một ngựa chống lại kẻ xâm lược. Sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam trong vấn đề chủ quyền đang có đà tăng, đã có những bàn tay chìa ra từ các cường quốc như Mỹ, Nhật, EU. Đây là nhân tố cực kỳ quan trọng mà như Tướng Lê Văn Cương khẳng định thì “có cho kẹo, Trung Quốc cũng không dám đánh Việt Nam. Vì nếu đánh, Trung Quốc sẽ mất cả thế giới. Mà Trung Quốc cần thế giới hơn là thế giới cần Trung Quốc. Không có thị trường thế giới, Trung Quốc sẽ sụp đổ“. Còn về quan điểm chính trị thì tin rằng trước sau như một, đụng đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thì dù có bị trở về thời kỳ đồ đá, dân tộc Việt cũng không bao giờ khuất phục, quyết bảo vệ toàn vẹn giang sơn.

Sứ mệnh Tổ quốc đang trĩu nặng trên vai những người lính cảnh sát biển, kiểm ngư can trường

Ý chí đó đang hiện hữu trong từng quyết định của ngày hôm nay, trong từng lời tuyên bố đanh thép gọi thẳng tên Trung Quốc xâm lược biển đảo của ta; trong từng bài báo đã không còn né tránh bằng hai từ “tàu lạ”; trong cả những buổi hội đàm về Biển Đông mà ở đó là sự hiện diện của cả những gương mặt từng có những ý kiến trái chiều; trong cả quyết định từ chối nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc Nam; cả khi chúng ta từ chối hòa mạng 5G của Huawei;…

Mới đây thôi, Hội nghị Trung ương 11 dẫu khép lại nhưng nhiều vấn đề hệ trọng được mở ra trong đó Biển Đông như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rất rõ, rất cụ thể phải: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền”. Khúc quân hành cùng yêu cầu của người đứng đầu Nhà nước là sức mạnh dân tộc đã đang được kết nối bởi Hoàng Sa, Trường Sa và Tư Chính. Không chỉ chúng ta mà công luận quốc tế cũng đã thấy rõ các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam tuy ít nhưng vẫn bình tĩnh, kiên quyết, thực hiện quyền chủ quyền của quốc gia trước một lực lượng cậy đông, hung hăng, bất chấp phải trái. Hàng loạt tàu lớn các loại của Trung Quốc đang hùng hổ phô trương sức mạnh chẳng làm cho lực lượng Kiểm Ngư, Cảnh sát biển Việt Nam sợ hãi, nao núng. Đây là gì, nếu như không phải là bản lĩnh của Việt Nam?. Vậy thì xin hỏi vấn đề Biển Đông có thực sự “mờ nhạt”, có thực sự là “lãnh đạo Việt Nam coi như trên Biển Đông không hề có gì xảy ra” như ai đó đang rêu rao?.

Xâu chuỗi nhiều dữ kiện diễn ra gần đây để thấy một điều bất di bất dịch rằng, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu “chốt hạ” tại Hội nghị Trung ương 11 “chúng ta phải kiên quyết, kiên trì giữ vững”. Nhưng chuyện chính trị đâu phải trò đùa mà làm gì cũng cứ bù lu bù loa lên cho thiên hạ nhìn ra ngó vào, bởi như chia sẻ của nguyên PTT Vũ Khoan: “Trong quan hệ đối ngoại có cái khó là không phải mọi chuyện đều có thể lên truyền hình bảo rằng chúng ta đánh giá thực chất thế này, chủ trương thế kia. Làm sao hành động kiểu “thưa ông tôi ở bụi này” được. Đặc điểm của đối ngoại là có những chuyện phải giữ kín chứ không phải là nhát, hay sợ đâu. Vấn đề là phải khôn. Đừng lẫn lộn cái khôn với cái sợ”.

Cụm từ “đấu tranh trên thực địa” mới nghe qua thấy thật chung chung và hiền lành. Nhưng không phải ai cũng có thể mường tượng ra nơi ấy sự cam go, khốc liệt diễn ra căng thẳng đến thế nào. Sách lược, chiến lược mỗi thời điểm, mỗi tình thế luôn khác nhau, được vận dụng một cách phù hợp, đó là điều bình thường của mọi cuộc đấu tranh. Sứ mệnh Tổ quốc đang trĩu nặng trên vai những người lính cảnh sát biển, kiểm ngư can trường. Chúng ta đã hành xử theo pháp luật khi đấu tranh trên biển, thì không cớ gì, trong đất liền vốn dĩ là hậu phương vững chắc lại tự gây sóng gió, tự gây rối loạn.

Văn Dân

Đọc nhiều