419
category
400164

Bàn về tâm lý né tránh, giữ mình trước Đại hội Đảng của một số cán bộ

Han Cao 11/06/2020 09:30

Trong Kết luận số 55 của Ban Bí thư Trung ương đã chỉ ra hiện tượng cán bộ có tâm lý né tránh, giữ mình trước khi Đại hội diễn ra. Nhiều cán bộ là Đảng viên nhận thấy mình còn đủ điều kiện, còn trong độ tuổi cơ cấu vào các vị trí khóa tới nên đã sinh tâm lý “giữ mình”. Hiện tượng này đến gần Đại hội Đảng bộ các cấp càng rõ nét cần tiếp tục chấn chỉnh theo tinh thần Kết luận số 55.

Tâm lý né tránh giữ mình

Lãnh đạo địa phương các cấp rất lo ngại va chạm hoặc gây tai tiếng trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, bầu cử, thấy việc gì khó quá sẽ lảng tránh làm ngơ, việc gì dễ thì làm. Hậu quả của hiện tượng này làm mất tính tiên phong, tính lãnh đạo của Đảng ở cấp cơ sở cũng như niềm tin của nhân dân ở cấp cơ sở đối với Đảng bị suy giảm.

Có thể các chương trình, kế hoạch, phong trào của năm ở địa phương đó sẽ bị ảnh hưởng vì tâm lý co mình chờ thời, người lãnh đạo không dám đưa ra quyết sách thúc đẩy, giải quyết nhanh gọn vướng mắc. Tâm lý chung là sợ làm không tốt sẽ gây tai tiếng, “mất phiếu” khóa tới, trách nhiệm sẽ bị “đẩy” từ bên này qua bên khác chờ cho Đại hội qua đi. Những cá nhân lãnh đạo, quản lý đó không xứng là đại diện cho nhân dân, đại diện cho lợi ích cộng đồng mà họ chỉ đang lo cho bản thân, lo cho vị trí của mình.

Lãnh đạo có tâm lý như vậy khiến cấp dưới cũng “sao y” thành một phiên bản tương tự. Trong các cuộc họp, giao ban thường phát biểu chung chung không dám đưa ra đề xuất, không dám phê và tự phê bình. Trong công việc, giao tiếp cơ quan luôn có sự e dè, giữ ý, tâm lý thăm dò suy nghĩ lãnh đạo, đồng nghiệp. Nhiều người sợ phát biểu, sợ nêu ý kiến, sợ nói ra bị trù dập, bị tập thể đánh giá. Với những ý kiến trái chiều chỉ nghe rồi phát biểu vô thưởng vô phạt ngại đụng chạm đến cá nhân. Các việc khó thường được đùn đẩy từ cá nhân này sang cá nhân khác, không ai dám bộc lộ điều gì có thể gây bất lợi cho bản thân.

Hiện tượng của cấp dưới là trạng thái biểu hiện sinh động tâm lý của cấp trên trước kỳ Đại hội Đảng bộ địa phương. Bản lĩnh của người Đảng viên, người cộng sản như bị lu mờ, cho thấy rõ sự yếu kém về năng lực phẩm chất nên mới không dám lên tiếng. Hệ quả không chỉ làm yếu đi bản lĩnh người Đảng viên mà còn gây ra những cuộc đấu đá nội bộ.

Những bất đồng chính kiến bị dồn nén tập hợp lại chờ cho đến kỳ Đại hội đảng để đưa ra. Khi đó Đại hội như một “đấu trường” cho những cá nhân lợi dụng phiếu kín, dân chủ, tự do để đè nén đối thủ. Sự im lặng giữ mình của cả lãnh đạo và nhân viên trước kỳ Đại hội gây ra nhiều bất lợi cho cả tổ chức lẫn hình ảnh của người Đảng viên đối với nhân dân.

Phát hiện và chỉnh đốn

Tâm lý lo sợ, giữ mình, ém mình chờ thời là một quy luật tâm lý dễ hiểu ở con người và người Đảng viên không ngoại lệ. Tuy nhiên cần có sự phát hiện và chỉnh đốn kịp thời trong Đảng để giữ vững vị trí, vai trò tiên phong của người Đảng viên trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội nói chung. Cũng như xây dựng tổ chức Đảng cơ sở đoàn kết trong sạch vững mạnh nói riêng.

Trước Đại hội Đảng bộ các cấp ở địa phương chính là thời điểm thích hợp nhất để đánh giá bản lĩnh, phẩm chất người cán bộ đảng viên. Chuẩn bị lớp cán bộ kế cận cho khóa tới một cách trung thực và chất lượng. Nói cách khác trước Đại hội là một phép thử, liệu người đó có còn dám lên tiếng đấu tranh vì sự phát triển của Đảng, của nhân dân không? Người đó có vì lợi ích cá nhân mà làm ngơ lẩn tránh các nhiệm vụ khó Đảng giao phó không? Đây là cơ hội để tiến hành phép thử, tình trạng này khiến cho tổ chức Đảng cơ sở trở nên suy yếu chính vì thế cần phát hiện và chỉnh đốn thường xuyên.

Theo tinh thần của Kết luận số 55 của Ban Bí thư đảm bảo đúng đủ 3 nội dung: Một là, đảm bảo kỷ luật kỷ cương trong Đảng, bảo vệ những cá nhân dám nghĩ dám làm vì lợi ích của tập thể không tư lợi. Hai là, khắc phục những yếu kém hạn chế trong công tác cán bộ, cần đảm bảo sự công khai minh bạch và chặt chẽ trong công tác cán bộ. Ba là, phân công phân cấp rõ ràng, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở, tổ chức đảng và đảng viên một cách rõ ràng, tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động của cá nhân người đứng đầu cũng như tổ chức đảng nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Gần nhất trong Hội nghị toàn quốc về công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá lựa chọn cán bộ. Lối sống đạo đức, phẩm chất chính trị, năng lực cá nhân là những yếu tố được xem xét đánh giá cao đối với một người Đảng viên là lãnh đạo, cán bộ. Không để những “động tác giả bên ngoài đánh lừa, vì nhiều người khéo lắm, dễ đề cao thành tích, che dấu khuyết điểm”.

Trên cơ sở hệ thống các tiêu chí đã xây dựng để xem xét, đánh gia lựa chọn người phù hợp. Cấp ủy đảng có vai trò lãnh đạo công tác quy hoạch cán bộ một cách khách quan trung thực không vì cả nể tình riêng mà sai lệch. Kiên quyết dám nói, dám làm không có tâm lý thu mình, ngại va chạm. Chỉ những người chính trực, công tâm mới đánh giá được những người chính trực, công tâm và chỉ có họ mới có thể vì lợi ích chung của tổ chức, của nhân dân.

Han Cao

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Tags :
Đọc nhiều