Đâu mới là đánh giá, chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung về trường chất lượng cao?
Hà Nội cần thể hiện rõ quan điểm phát triển trường phổ thông chất lượng cao bằng nguồn lực ngân sách (công lập) hay ngoài ngân sách (tư thục).
Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 quy định nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo 2 loại hình công lập và tư thục, trừ bậc mầm non có thêm loại hình dân lập.
Trong đó, trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu.
Trường công lập là cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ chính trị, cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản, tập trung chăm lo cho vùng sâu vùng xa, khó khăn và các đối tượng yếm thế trong xã hội, học phí thấp và có các trợ cấp cho các đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục 2005 đến nay vẫn tồn tại các loại hình nhà trường ngoài Luật Giáo dục, như mô hình trường phổ thông công lập tự chủ tài chính, trường phổ thông công lập chất lượng cao ở Hà Nội, hay trường phổ thông công lập theo mô hình tiên tiến ở thành phố Hồ Chí Minh, thu học phí cao và tuyển sinh như trường tư thục.
Báo Nhân Dân bản điện tử ngày 5/12/2016 có bài về trường học chất lượng cao ở Hà Nội “Học phí “khủng” nhưng mập mờ chất lượng” phản ánh đề xuất điều chỉnh cơ chế trần học phí trường chất lượng cao từ năm học 2016-2017 lên 3,9 đến 4,1 triệu đồng / học sinh / tháng, cao gấp 410 lần học phí đại trà.
Theo bài báo này, ngành giáo dục Hà Nội luôn khẳng định trường chất lượng cao đạt kết quả tốt, nhưng thực tế sau hai năm triển khai, nhiều ý kiến cho rằng mô hình trường chất lượng cao ở Hà Nội đang quá nặng về thu tiền mà ít chú ý đến chất lượng và sự công bằng trong giáo dục. [2]
Truyền thông hiểu sai hay Giám đốc Sở “sửa lời” Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố?
Báo điện tử Zing.vn ngày 19/2/2017 có bài Hà Nội xóa cơ chế đầu tư trường ‘chất lượng cao’, cho biết:
Ngày 18/2/2017, trao đổi với các văn nghệ sĩ thủ đô về định hướng đầu tư cho giáo dục, ông Nguyễn Đức Chung đánh giá trong năm 2016, Hà Nội có rất nhiều cơ chế để nâng cao chất lượng ngành này.
Theo ông Chung, thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là “chất lượng cao” của Hà Nội.
“Những trường này chẳng theo tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng theo tiêu chuẩn Asian, chẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà do nhóm người yêu cầu thành phố hỗ trợ tiền. Sau khi hết hỗ trợ, học sinh cũng chuyển đi hết”, bài viết dẫn lời người đứng đầu chính quyền Thủ đô nhận định. [2]
Báo Công an Nhân dân trong bài viết Hà Nội trong dòng chảy “liêm chính, kiến tạo và phục vụ” đăng ngày 21/2/2017, viết:
Như vấn đề “trường chất lượng cao”, trao đổi với báo chí ngày 18/2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng những trường “chất lượng cao” ở Hà Nội đào tạo không theo tiêu chuẩn Việt Nam hay quốc tế và thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là “chất lượng cao” này. [3]
Xung quanh thông tin này, gần 5 tháng sau, ngày 8/7/2017 Báo Giáo dục và Thời đại, cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo có bài Trường chất lượng cao phải làm gì khi xóa cơ chế đầu tư, phỏng vấn một số thầy hiệu trưởng về nhận định nói trên được cho là của ông Nguyễn Đức Chung hôm 18/2/2017. [4]
13 ngày sau đó, ngày 21/7/2017 Báo Giáo dục và Thời đại có bài Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển hệ thống trường chất lượng cao, dẫn lời Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội không xóa cơ chế đầu tư trường chất lượng cao mà đòi hỏi nâng cao hơn tiêu chí trường chất lượng cao để tương xứng với mức đầu tư, tăng cường hơn nữa hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. [5]
Nếu thông tin “Hà Nội xóa cơ chế đầu tư cho trường chất lượng cao” mà Báo Công an Nhân dân, Báo điện tử Zing.vn dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung trong 2 bài viết nêu trên là chính xác, thì phải chăng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã “sửa lời” Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố để bảo vệ mô hình trường chất lượng cao?
Cùng vấn đề trường chất lượng cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung có 2 quan điểm chỉ đạo khác nhau?
Trước thời điểm được cho là ông Nguyễn Đức Chung trao đổi với báo chí ngày 18/2/2017 về xóa cơ chế đầu tư cho trường chất lượng cao, ngày 31/8/2016 ông Chung ký ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND, trong đó giao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
…”Đánh giá kết quả xây dựng và đề xuất giải pháp xây dựng trường chất lượng cao, xây dựng và công nhận thêm 20 trường chất lượng cao giai đoạn 2016-2020″…
Mới nhất, ngày 27/3/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND, trong đó giao Sở Giáo dục và Đào tạo:
“Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển một số trường chất lượng cao ngang tầm với khu vực và thế giới nhằm đáp ứng tốt hơn chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Thành phố và nhu cầu xã hội, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế của giáo dục Thủ đô.”
Tuy nhiên, ngày 9/4/2018 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung ký Quyết định số 1715/QĐ-UBND về việc ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố hà nội năm 2018, trong đó chỉ đạo:
Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập cần có trọng điểm, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập và tiếp tục kiên cố hóa trường học, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi.
Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học. [6]
Ngày 22/3/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký Quyết định số 1350/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2019, trong đó chỉ đạo:
Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập cần có trọng điểm, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập và tiếp tục kiên cố hóa trường học, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, 14 xã thuộc 5 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng núi.
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao. [7]
Như vậy có thể thấy, cùng chỉ đạo về một nội dung liên quan đến trường phổ thông chất lượng cao, trong 4 văn bản trên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ký, đang cho thấy 2 quan điểm chỉ đạo trái ngược nhau.
Thiết nghĩ đã đến lúc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần công khai kết quả đề án thí điểm xây dựng 30 đến 35 trường chất lượng cao (đến 2015), ngân sách thành phố đã đầu tư và kết quả đạt được.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng cần thể hiện rõ quan điểm phát triển trường phổ thông chất lượng cao bằng nguồn lực ngân sách (công lập) hay ngoài ngân sách (tư thục);
Nếu dùng ngân sách phát triển trường phổ thông chất lượng cao (công lập) thì làm sao để đảm bảo được công bằng giữa chính các trường công với nhau, giữa học sinh và giáo viên trường công lập “thường” với trường công lập “chất lượng cao”?
Đặc biệt là làm sao Hà Nội có thể thu hút được tư nhân đầu tư vào giáo dục, thực hiện tinh giản biên chế và áp lực ngân sách cho giáo dục công lập theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, giảm tải sĩ số trường công nội đô khi chính Hà Nội đang dùng ngân sách làm dịch vụ giáo dục thu học phí cao như hiện nay?
Tài liệu tham khảo:
[1]//nhandan.com.vn/giaoduc/item/31463202-học-phí-“khủng”-nhung-mạp-mò-chat-luong.html
[2]//news.zing.vn/ha-noi-xoa-co-che-dau-tu-truong-chat-luong-cao-post722007.html
[3]//cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Ha-Noi-trong-dong-chay-liem-chinh-kien-tao-va-phuc-vu-429323/
[4]//giaoducthoidai.vn/giao-duc/truong-chat-luong-cao-phai-lam-gi-khi-xoa-co-che-dau-tu-3513080.html
[5]//giaoducthoidai.vn/giao-duc/ha-noi-se-tiep-tuc-mo-rong-phat-trien-he-thong-truong-chat-luong-cao-3564149-b.html
[6]//www.vpubtp.hanoi.gov.vn/newsdetail.aspx?NewsID=39d782a5-281f-f248-aca4-359bb2571b29&CateID=7d743f77-b3cf-a048-b7d0-4da207dec363
[7]//www.thudo.gov.vn/newsdetail.aspx?NewsID=e1996408-3ec2-2546-bbd7-6ac0e9b631cb&CateID=44e1d4b7-c7c2-a542-9853-75ca5f67ea47
(Theo Giáo Dục Việt Nam)