5
category
611074

Dấu ấn nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

An Diễm 20/10/2022 16:06

Dù còn nhiều lời hứa đang “nợ” người dân, tuy nhiên, trong nhiệm kỳ  của mình trên cương vị Tư lệnh ngành giao thông vận tải (GTVT), ông Nguyễn Văn Thể đã có những dấu ấn không nhỏ trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

Chiều nay Thủ tướng trình Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

Ông Nguyễn Văn Thể giữ chức vụ Bộ trưởng GTVT từ tháng 10/2017. Đây là nhiệm kỳ mà Bộ GTVT phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có đại dịch Covid-19 khiến giao thông đình trệ khắp mọi nơi. Nhiều người sẽ nhớ đến ông với phong thái quyết liệt khi phàn nàn về việc tỉnh Cần Thơ hạn chế xe cộ qua lại: “Tôi là dân ĐBSCL mà tôi cũng ghét Cần Thơ đó. Các anh gây bức xúc khi hàng hóa cả khu vực miền Tây không đi qua các anh được”. Ông cũng kiên quyết đứng ra chịu trách nhiệm và cam kết tiến độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc khi gặp phải nhiều khó khăn về giải ngân, mặt bằng. Có thể nói ông hầu như xuất hiện ở các mặt trận, trong đó có trả lời tại các phiên chất vấn của Quốc hội trên tinh thần trách nhiệm và sâu sát.

Trong nhiệm kỳ này, hàng loạt tuyết đường cao tốc đã được khởi công qua đó, tạo nên hình hài tuyến cao tốc “xương sống” của đất nước. Một dấu ấn đáng chú ý trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đó là hình thành hàng loạt tuyến cao tốc trọng điểm cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc biệt, cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ ngày càng rõ nét, bao gồm đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã hoàn thành, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vừa thông xe 1 chiều và cầu Mỹ Thuận 2 đang tăng tốc thi công, đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ khởi công năm 2020, cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi. Đây có thể nói là những dự án được chờ đợi từ lâu cho một khu vực vốn đang “ngủ quên”.

Tổng cộng, Bộ GTVT đã khai thác 1.074km cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc hiện có lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ dài 24.598km; đã thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa đạt 64%. Đường sắt, đường thủy cũng được cải tạo, hệ thống cảng biển, càng hàng không được nâng cấp thêm nhiều. Gần đây nhất, Bộ GTVT hoàn thành 4/5 quy hoạch ngành, gồm đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, và đã trình Quốc hội phê duyệt nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia; cơ bản hình thành thành hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc…

Đặc biệt, có 2 dự án trọng điểm gặp rất nhiều vướng mắc là CHK quốc tế Long Thành và dự án đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước Cát Linh – Hà Đông cũng đã qua giai đoạn bước ngoặt. Trong khi CHK Long Thành đã được khởi công và có lộ trình rõ ràng qua từng giai đoạn khánh thành thì dự án Cát Linh – Hà Đông đã được đưa vào khai thác với nhiều số liệu ấn tượng về con số hành khách. Điều này cho thấy Bộ trưởng Thể là một người nói ít làm nhiều, đã làm là ra việc.

Ở cương vị của lãnh đạo ngành, trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là đưa ra các chủ trương, chính sách, cơ chế thuận lợi để thúc đẩy triển khai công việc, vượt qua các rào cản. Khi có nhiều hạng mục, dự án được hoàn thành cũng có nghĩa là ông đã để lại rất nhiều nền tảng tốt, những cơ chế tham chiếu phục vụ cho sự phát triển về sau của toàn ngành. Nhưng có lẽ bản thân ông cũng hiểu giới hạn của bản thân, thông qua những hạn chế mà ngành GTVT còn chưa làm được. Đó là việc thúc đẩy giải ngân, huy động vốn cho các dự án lớn cùng cơ chế để giải quyết các vướng mắc cho các công trình trọng điểm nhưng metro, đường bộ cao tốc…vốn còn nan giải và đồ sộ.

An Diễm 

Đọc nhiều