Dấu ấn của Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn
Từ ngày 1/11, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chính thức thôi việc theo nguyện vọng cá nhân. Ông được đánh giá cao về năng lực chuyên môn cũng như quản lý, có nhiều đóng góp lớn cho ngành y tế. Đặc biệt là nỗ lực phát triển kỹ thuật cao trong ghép tạng. Đồng thời, ông cũng khá nổi bật trong vai trò ở tuyến đầu chống đại dịch Covid-19 hai năm qua.
Sau Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thì Thứ trưởng Sơn là người tiếp theo xin tự nguyện thôi chức khi chưa đến tuổi hưu. Trước khi giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế, ông có hơn 30 năm làm công tác chuyên môn. Trong đó, hơn 16 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn với vai trò bác sĩ điều trị tại khoa Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 2004, ông Nguyễn Trường Sơn chuyển sang công tác quản lý ở cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ năm 2008 đến 2018, ông giữ chức Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông được đánh giá là có nhiều đóng góp lớn cho ngành y tế, đó là đóng góp lớn trong việc phát triển kỹ thuật cao, công tác ghép thận, ghép gan, ghép tế bào gốc máu ngoại biên phục vụ người dân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo khu vực phía Nam. Ông là trường hợp hiếm hoi của ngành y ba nhiệm kỳ liên tiếp làm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; Đang nhiệm kỳ thứ ba thì nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Y tế đến nay. Ông trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực quan trọng như: khám, chữa bệnh; phục hồi chức năng; an toàn truyền máu; sức khỏe bà mẹ và trẻ em; phát triển y tế chuyên sâu và kỹ thuật cao; quốc phòng và an ninh; phòng chống thảm họa, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương…
Trong 3 năm qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn là một trong những lãnh đạo Bộ Y tế luôn có mặt tại những điểm nóng khi dịch bùng phát. Ông có mặt và đóng vai trò quan trọng trong công tác chống dịch tại Đà Nẵng (giữa năm 2020); Bắc Giang, Bắc Ninh (đầu năm 2021); TP.HCM (cuối năm 2021)… với vai trò được đánh giá rất cao. Đại dịch Covid-19 cũng làm nổi bật năng lực của ngành y tế, khi mà Việt Nam vốn không có nguồn lực lớn nhưng vẫn có thể dập dịch cũng như điều trị hết sức hiệu quả nhờ nhiều giải pháp sáng tạo, sức cống hiến to lớn và tài năng chuyên môn của các y bác sỹ.
Nhiều người nhìn nhận ông là người lãnh đạo nhiệt huyết, có chuyên môn và khả năng quản lý rất giỏi, có tâm, có trách nhiệm, khiêm tốn và đối xử rất chuẩn mực với nhân viên, bệnh nhân và đối tác. Ông gây ấn tượng mạnh với hình ảnh “Mỗi đợt bùng dịch covid ở đâu là ông có mặt ở đấy với khuôn mặt rơm rớm nước mắt khi phát biểu trên truyền hình khi chứng kiến những ca bệnh không thể cứu được.”
Đại dịch Covid-19 cùng những hạn chế về mặt quản lý khiến cho nhiều lãnh đạo, trong đó có ông mắc sai lầm, ảnh hưởng đến sức khỏe và cả danh dự. Thứ trưởng Sơn đã hai lần bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật, trong đó tháng 11/2021 bị khiển trách liên quan sai phạm tại Cục Quản lý Dược và hai tháng sau bị khiển trách về mặt hành chính. Tháng 5/2022 ông bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo liên quan sự việc tại Công ty Việt Á. Thời gian gần đây ông phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo và phải phẫu thuật. Có lẽ đó là một phần nguyên nhân cùng với áp lực công việc và tự trọng nghề đã khiến ông ba lần viết đơn xin nghỉ hữu, dù theo quy định hiện hành thì tới năm 2025 ông mới đến tuổi.
Thời gian gần đây, ngành y tế mất nhiều nhà quản lý cực kỳ xuất sắc về chuyên môn do những sai lầm về quản lý, đó là một thực trạng đáng buồn. Dù sao, với tài năng và sự cống hiến của mình, Thứ trưởng Sơn xứng đáng với những lời tri ân.
An Diễm