Đất nước đang cần sự đoàn kết chứ không cần lòng hận thù quá khứ
Những ngày qua, giữa lúc tình hình cả nước đang “căng như dây đàn” bởi số ca COVID-19 ngày một tăng, lại có những kẻ khơi gợi lên một ký ức cũ để kích động và chia rẽ sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Hành động đó nằm trong bài viết mang tên “5 điều nhạy cảm người miền Bắc nên biết về miền Nam” của một trang mạng chống phá Việt Nam nhưng lại khoác lên mình cái tên khá “văn vẻ”: Luật Khoa tạp chí.
Thẳng thắn mà nói, những điều mà “Luật Khoa tạp chí” nhắc đến trong bài viết đầy rầy nỗi hận thù ấy hoàn toàn không hề mới. Vẫn là những tàn dư quá khứ như “kỳ thị vùng miền” hay những ảo tưởng về sự “thịnh vượng” của Sài Gòn – Gia Định… Gọi là tàn dư, bởi thực tế thì sau 45 năm hòa bình, chỉ có những trang mạng và tổ chức phá hoại như “Luật Khoa tạp chí” mới nhắc đến chúng bằng một sự thù địch lớn đến vậy. Còn với một người Việt Nam thực thụ, họ hướng đến tương lai, chăm lo cho cuộc sống và cho đất nước, chứ không nhận chìm bản thân trong quá khứ, đặc biệt là khi quá khứ ấy chứa quá nhiều sự huyễn hoặc, ảo tưởng và định kiến.
Tất nhiên, nhân loại vốn không hoàn hảo. Những tranh cãi về người Nam, người Bắc, hay những khác biệt về lối sống, về thế hệ và ý thức hệ là điều không tránh khỏi. Nhưng cũng trong chính những tranh luận ấy, con người mới có thể xích lại gần nhau. Chính sự can đảm phá vỡ những định kiến đã xóa đi khoảng cách giữa hai mảnh đất bị chia cắt bởi chiến tranh, để làm nên một đất nước Việt Nam trọn vẹn và kiên cường như hôm nay.
Nhưng điều đáng nói là câu chuyện kỳ thị vùng miền, mâu thuẫn lại được “Luật Khoa tạp chí” khơi gợi lên giữa lúc đất nước đang cần sự đồng hành của tất cả mọi người dân nhất, khi sự đoàn kết là cần thiết hơn bao giờ hết. Với với lời lẽ đầy lòng thù hận của quá khứ – một thứ mà chẳng ai còn nhắc đến trên mảnh đất Việt Nam – trang mạng “Luật Khoa tạp chí” đang tìm kiếm điều gì? Quá hiển nhiên là nó không hề hướng đến là sự đoàn kết, chung tay chống dịch. Vậy thì mục đích của bài viết “5 điều nhạy cảm người miền Bắc nên biết về miền Nam” trên trang mạng này là gì, đến đây có lẽ chúng ta đã có thể thấy rõ…
Và có lẽ chưa bao giờ chúng ta có thể nhìn thấy rõ bản chất thật sự của “Luật Khoa tạp chí” như lúc này. Thủ đoạn tinh vi chia rẽ dân tộc Việt Nam – giữa lúc họ đang cần sự đồng tâm hiệp lực hơn bao giờ hết – bằng câu chuyện “vùng miền” lạc hậu cho thấy đối với những gương mặt tại “Luật Khoa tạp chí”, sinh mạng của người Việt Nam không thể nào rẻ rúng hơn. Chỉ cần có thể giúp chúng chối bỏ những thành quả và nỗ lực của đất nước Việt Nam, dù biết rằng sự chia rẽ có thể trả giá bằng sinh mạng của hàng nghìn hay hàng trăm nghìn sinh mạng, “Luật Khoa tạp chí” vẫn rắp tâm viết lên những lời thù hận. Và điều tôi tự hỏi, như vậy thì lương tâm và tình yêu con người có tồn tại trong suy nghĩ của những kẻ đang vận hành trang mạng này hay không?
Tự phong cho mình danh xưng “tạp chí”, dù thực tế không được bất kỳ cơ quan, tổ chức Việt Nam nào công nhận, trang mạng này thậm chí còn khoác lên cái tên “Luật Khoa” để che đậy bộ mặt thật của mình. Bởi thoạt nhìn, không ít người sẽ nhầm tưởng rằng nó chứa đựng kiến thức luật pháp, hay thông tin về một khoa luật của trường đại học, mà không thể ngờ rằng nó chỉ chứ những lời kích động và thù hằn. Càng nguy hiểm hơn cái tên này chắc chắn được chọn với động cơ luồn lách và tiếp cận giới trẻ, đặc biệt là sinh viên ngành luật tại Việt Nam để gieo rắc, truyền bá những tư tưởng chống phá.
Nhưng đó lại chính là “Luật Khoa tạp chí”: Không phải “tạp chí”, không phải “luật khoa”, và rõ ràng là không hềtuân thủ pháp luật. Vậy nhưng, “Luật Khoa tạp chí” vẫn đang ngang nhiên tồn tại một cách khó hiểu, như thể thách thức chính luật pháp và các cơ quan chức năng tại Việt Nam, tiếp tục dùng dĩ vãng quá khứ để đe dọa sự sống của hàng triệu con người Việt Nam.
Hạnh Văn