Người dân Thủ đô nghĩ ra cách ăn thịt lợn với giá rẻ bất ngờ
Để chống chọi với cơn “bão giá” khi thịt lợn đắt hơn cả giá thịt bò Mỹ, nhiều gia đình ở Thủ đô rủ nhau đụng lợn giống như thời bao cấp, tránh thâm hụt chi tiêu, bởi giá thực phẩm tăng mà thu nhập lại không tăng.
Ghi nhận của PV, từ đầu tháng 10 trở lại đây, thịt lợn bắt đầu bước vào cơn sốt giá chưa từng có vì nguồn cung giảm, giá tăng từng ngày. Đáng chú ý, những ngày này, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, khi nhiều địa phương lợn hơi đạt giá mức 90.000-93.000 đồng/kg.
Giá tại chuồng tăng, kéo theo giá thịt lợn tại chợ, siêu thị cũng nhảy múa. Hiện giá thịt lợn ngoài chợ đã tăng lên mức 160.000-200.000 đồng/kg tùy loại. Thậm chí, có nơi giá thịt lợn được niêm yết ở mức 250.000-280.000 đồng/kg.
Cơn “bão giá” thịt lợn lớn chưa từng có này khiến không ít gia đình phải đau đầu cho chuyện chi tiêu, tìm đủ mọi cách để ngân sách chi tiêu không bị thâm hụt, bởi thực phẩm đang rủ nhau tăng giá ồ ạt theo giá thịt lợn, trong khi thu nhập của họ lại không hề tăng.
Chị Đàm Thu Trang ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) than thở, hồi tháng 10, tháng 11, khi thịt lợn tăng giá, chị đi chợ đã phải nhìn trước ngó sau. Thay bằng thịt lợn, chị đã phải chọn mua gà công nghiệp, cá, trứng nhiều hơn nhằm cân bằng chi tiêu.
Thực ra thì nhà cũng chỉ có 2 người lớn, 2 đứa trẻ con. Tổng thu nhập của gia đình cũng lên tới 20 triệu đồng. Nếu số tiền này chỉ để chi tiêu thì thoải mái, không cần phải chắt bóp quá. Nhưng, nhà chị vừa mua nhà, nợ ngân hàng còn khá nhiều. Một nửa thu nhập hàng tháng đều được dùng để trả gốc và lãi vay. Thành ra, mỗi tháng gia đình chị chỉ gói gọn các khoản chi tiêu trong vòng 10 triệu đồng.
Sang đến tháng 12, chị tính toán kiểu gì vẫn bị thâm hụt chi tiêu. Giá thịt lợn tăng quá cao. Đi chợ mua 50.000 đồng tiền thịt lợn mà về làm chả lá lốt, 2 đứa con chị đã ăn hết veo, hai vợ chồng ăn vài miếng đậu phụ cho qua bữa.
“Ăn gà, cá, trứng thay thế cũng được nhưng tuần chỉ ăn được đôi bữa, ăn mãi sẽ chán, không thể thay thế được thịt lợn. Chưa kể dạo này giá gà ta và gà công nghiệp cũng tăng mạnh, không còn rẻ như trước”, chị Trang nói.
Để chống chọi với cơn “bão giá”, tuần trước chị đã rủ thêm 3 gia đình nữa góp tiền mua lợn về đụng ăn chung giống như các cụ vẫn làm ở thời bao cấp. Bởi tự mổ rồi chia nhau mỗi nhà một góc tự tính ra rẻ hơn rất nhiều so với mua thịt lợn ngoài chợ.
Các gia đình đều đồng ý nên cuối tuần vừa rồi chị về quê mua một con lợn nặng hơn 1 tạ, giá 85.000 đồng/kg. Tính ra con lợn này hết 8,6 triệu đồng. Thuê người giết mổ hết 400.000 đồng hết tổng 9 triệu đồng. Chị thu được 80kg lợn móc hàm, chia đều mỗi nhà 20kg.
Thịt thì xẻ luôn mỗi người 1/4 con, phần thịt thủ cắt nhỏ ra chia đều. Bộ lòng, tim, gan,… cũng được cắt đều chia nhau. Không tính nội tạng, chỉ tiếng riêng thịt khi chia nhau ra, mỗi 1kg thịt giá 125.000 đồng/kg, rẻ hơn rất nhiều so với giá mua ngoài chợ.
“Ăn đụng kiểu này thì chắc chắn thịt sẽ không được ngon như thịt ngoài chợ thích miếng nào mua miếng đó. Nhưng đổi lại giá rẻ, mình có thể tận dụng được những phần nhiều mỡ xay ra làm nem rán, phần thịt thủ làm giò xào, xương để nấu canh,… cũng chấp nhận được”, chị Trang chia sẻ.
Cũng phát hoảng với giá thịt lợn đang tăng phi mã ngoài chợ, thậm chí đắt hơn cả thịt ba chỉ bò Mỹ nên bắt đầu từ giữa tháng 11, gia đình chị Ngô Thuỳ Minh ở Lãng Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chuyển qua đụng lợn với nhà hàng xóm ở khu nhà mình cho rẻ.
Đụng lợn phải ăn cả chỗ lợn nhiều mỡ, ăn cả thịt thủ,… nhưng so với giá ngoài chợ thì thịt đụng đang rẻ hơn khoảng 60.000-70.000 đồng/kg. Chị Minh cho biết, khi thịt lợn tăng giá, nhà đông người thành ra tiền chợ bị đội lên rất nhiều mà thu nhập lại không tăng nên chị phải cắt giảm nhiều khoản để bù đắp vào tiền chợ. Song, thịt lợn ngày càng đắt nên cách đụng lợn ăn chung là hợp lý nhất.
“Đụng lợn như thế này còn được ăn món sườn, thịt ba chỉ, thậm chí còn có món tóp mỡ cũng rất hấp dẫn. Chứ không đụng lợn mà ra chợ sườn lợn 200.000 đồng/kg thì đúng thật là không dám mua về ăn”, chị nói.
Từ khi ăn lợn đụng, ngăn cấp đông tủ lạnh nhà chị toàn thịt là thịt, vì mỗi tháng chỉ đụng một lần. Các gia đình chia nhau khoảng gần 20kg thịt. Khi nào hết lại rủ nhau đụng tiếp.
“Ở khu nhà tôi thì không phải thuê người giết thịt, các nhà tự tập trung thịt được. Lợn thịt xong, bộ lòng làm sạch sẽ mấy nhà liên hoan một bữa cũng vui, giá thịt lại rẻ”. Theo chị Minh, đụng lợn chung lúc làm cũng khá vất vả, song ở thời “bão giá” lương không tăng mà giá cả lại tăng vù vù thì đây đang là giải pháp hữu hiệu nhất để không bị thâm hụt chi tiêu.
Châu Giang/ VNN