Đất hiếm và cuộc thương chiến Mỹ – Trung

22/07/2019 17:54

Ngay sau tuyên bố của Google về việc hạn chế các dịch vụ của mình trên điện thoại di động Huawei, có một tờ báo đã nêu quan điểm: “Sản lượng đất hiếm sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát huyết mạch của lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ và thế giới”.

Điều này trong cuộc thương chiến đã phơi bày một vấn đề chính trị then chốt: Sự phụ thuộc của Mỹ vào tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đông dân nhất thế giới. Trước lời đe dọa này, có thể dự báo một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn của các thành phần trên đất Mỹ nhằm tiếp cận và kiểm soát các nguồn dự trữ của Mỹ Latinh và Caribe.

Một hệ thống radar quân sự Q-53 của Mỹ.

Khoáng sản nguy cấp

Một khoáng sản nguy cấp, theo đúng định nghĩa của Chính phủ Mỹ, bao gồm các yếu tố: một khoáng sản phi nhiên liệu hoặc một vật chất khoáng sản thiết yếu đối với an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ; dây chuyền cung ứng của khoáng sản này dễ bị tổn thương hay ngắt quãng và có chức năng thiết yếu trong sản xuất một sản phẩm nhất định, mà sự thiếu hụt của nó sẽ có hệ quả đáng kể đối với nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia Mỹ.

Việc ngắt quãng nguồn cung có thể xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có thiên tai, xung đột lao động, tranh cãi thương mại và tình trạng độc quyền của một quốc gia khác đối với tài nguyên.

Báo cáo tóm tắt tài nguyên khoáng sản năm 2019 do Bộ Nội vụ và Sở Địa chất Mỹ biên soạn cho biết tác động của 35 loại khoáng sản (hoặc nhóm vật chất khoáng sản) nguy cấp đối với nền kinh tế Mỹ trong năm 2018 đạt giá trị ước tính lên tới 3.020 tỷ USD, tương đương với khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, khoảng 20.500 tỷ USD năm 2018.

Báo cáo này cũng cho thấy tầm quan trọng của các nguồn dự trữ khoáng sản của Trung Quốc và khu vực Mỹ Latinh trong bức tranh trữ lượng toàn cầu của một số khoáng sản mà Washington đánh giá là nguy cấp. Đối với riêng trường hợp đất hiếm, tổng trữ lượng toàn cầu ước tính khoảng 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc sở hữu 37% (trên 44 triệu tấn) và Brazil là 18% (khoảng 22 triệu tấn).

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 loại khoáng sản nổi bật với đặc tính chứa từ trường và khả năng dẫn điện tốt. Do đó nó có vai trò thiết yếu trong việc sản xuất một số sản phẩm điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, pin và ắc-quy, xe hơi điện, trang thiết bị y tế và quân sự. Chúng được định nghĩa là hiếm không hẳn vì ít ỏi về số lượng mà do khó có thể tìm thấy chúng trong trạng thái tinh chất.

Ngành công nghiệp laser cần sử dụng đất hiếm.

Hiện tại Mỹ đang nhập khẩu khoảng 80% đất hiếm từ Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới về trữ lượng đã được kiểm chứng. Cho tới nay, hoạt động nhập khẩu các khoáng sản này nằm ngoài phạm vi đánh thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn đã áp lên các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trong vài thập kỷ qua, Bắc Kinh vẫn chi phối hoạt động cung ứng đất hiếm trên phạm vi toàn cầu, và bất kỳ thay đổi nào trong hoạt động xuất khẩu của họ đối với sản phẩm này cũng sẽ khiến giá cả trồi sụt trên toàn cầu. Năm 2015, doanh nghiệp Mountain Pass (thuộc sở hữu của Tập đoàn Molycorp), với mỏ đất hiếm và dây truyền chế biến duy nhất tại Mỹ đã tuyên bố phá sản và tháng 6-2018, công ty này được nhượng lại cho Công ty TNHH Tài nguyên Thịnh Hòa, một tập đoàn do người Trung Quốc làm chủ.

Ngoài Trung Quốc, trữ lượng đất hiếm đáng kể nhất cho tới nay được tìm thấy ở Brazil. Hiện tại, dù nắm giữ trữ lượng lớn thứ hai toàn cầu, quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ này mới chỉ đóng góp khoảng 1% vào sản lượng khai thác chung. Năm 2011, với kế hoạch khai mỏ quốc gia tới năm 2030, Chính phủ Brazil đã trao cho ngành khai thác đất hiếm của nước này vị thế khoáng sản chiến lược do nhu cầu sử dụng tăng cao trong các ngành công nghệ mới, bên cạnh các khoáng sản quan trọng khác trong việc duy trì hoạt động nông nghiệp toàn quốc, như kali hay lưu huỳnh, hay cho cán cân thương mại của nước này như sắt – vốn vẫn là nguồn thu ngoại tệ lớn của xứ sở Samba.

Cảnh khai thác tại mỏ đất hiếm ở Nam Xương, Giang Tây, Trung Quốc.

Khoáng sản hiếm đối với sức mạnh quân sự Mỹ

Liên quan tới sức mạnh quân sự của Mỹ, sự phụ thuộc vào các tài nguyên này để duy trì cơ sở công nghiệp quốc phòng được coi là vấn đề trọng yếu của an ninh quốc gia. Điều này được chỉ ra trong văn bản mang tên “Báo cáo về việc đánh giá và củng cố cơ sở công nghiệp chế tạo, phòng thủ và khả năng phục hồi dây chuyền cung ứng của Mỹ”.

Văn bản được một nhóm làm việc liên ngành trong Chính phủ Mỹ soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ này cảnh báo rằng Trung Quốc là một nguy cơ đáng kể và đang gia tăng trong việc cung ứng các nguyên liệu được coi là chiến lược và nguy cấp đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Trung Quốc là nguồn cung duy nhất hoặc chính yếu đối với một loạt nguyên liệu sử dụng trong công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Báo cáo còn chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp một số loại khoáng sản không có các nguồn cung ứng hay nguyên liệu thay thế trực tiếp.

Đất hiếm rất cần trong các ngành sản xuất công nghệ cao.

Đặc biệt, liên quan tới vấn đề đất hiếm – nguyên liệu cơ bản cho các hệ thống laser, radar, hệ thống quan sát ban đêm, dẫn đường tên lửa – văn bản này khẳng định rằng sự chi phối của Trung Quốc đối với hoạt động cung ứng sản phẩm này minh họa một “mối quan hệ tiềm ẩn nguy hiểm giữa sự xâm lấn kinh tế bằng các chính sách công nghiệp chiến lược của Trung Quốc và những điểm yếu trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ”.

Theo lập luận đó, văn bản này cảnh báo về các khoản đầu tư của Trung Quốc tại các nước đang phát triển để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên và quyền tiếp cận thị trường, đặc biệt là tại châu Phi và Mỹ Latinh, một mối đe dọa đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Lựa chọn?

Trung Quốc hiện sở hữu 1.130 tỷ USD dưới dạng trái phiếu và văn bản nợ khác của Mỹ và là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của quốc gia này. Điều này mang lại cho Bắc Kinh một vũ khí chống lại sức ép của Washington trong cuộc chiến thương mại và một điểm tựa trong đàm phán song phương.

Tuy nhiên, đây là một con dao hai lưỡi, vì nếu Trung Quốc tháo khoán ồ ạt phần lớn các trái phiếu của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) mà họ đang nắm trong tay, thì chính họ cũng phải chịu những tổn thất từ việc đồng USD mất giá và tình trạng bất ổn tài chính quốc tế. Do vậy, có thể nói đây là một vũ khí rất lợi hại trên bàn đàm phán, nhưng sử dụng nó ở quy mô lớn là một lựa chọn “hai bên cùng thua”, khi để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả 2 cường quốc.

Đất hiếm liệu có là con bài chiến lược trong cuộc thương chiến Mỹ – Trung?

Trung Quốc ý thức được điều này, và do đó – ít nhất là cho tới thời điểm này – Bắc Kinh chỉ bán bớt các trái phiếu Mỹ một cách từ từ, gây ảnh hưởng đối với các thị trường như một cách trả đũa các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ. Theo các số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố, tháng 3-2019, Bắc Kinh đã bán ra các trái phiếu Mỹ với trị giá 20.45 tỷ USD và đây là con số giao dịch nợ công của Mỹ cao nhất từ phía Trung Quốc kể từ tháng 10-2016.

Dường như Bắc Kinh sẽ không sử dụng lựa chọn tự hủy hoại mình trong trường hợp này, nhưng sẽ đặt lên bàn đàm phán khả năng mà họ có được trong việc tác động tới lượng USD sẵn có trên các thị trường quốc tế. Hơn nữa, Trung Quốc đã có nhiều năm triển khai chiến lược củng cố đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế mà cùng với chiến lược thu mua trái phiếu Mỹ mang lại cho họ khả năng gây ảnh hưởng tới giá trị của “đồng bạc xanh”.

Vì thế có thể nói, lựa chọn của Bắc Kinh trong lĩnh vực này sẽ không phải là “nhấn nút hạt nhân” mà là lựa chọn thiết lập các cơ sở cho một sự thay đổi bản vị tiền tệ quốc tế trong tương lai nhờ vào khả năng của họ trong việc tác động tới giá trị đồng USD và sự hiện diện ngày càng phổ biến của đồng nhân dân tệ trong thương mại quốc tế.

Nhiều báo cáo và phân tích quốc tế đã chỉ ra tầm quan trọng của sản lượng thép và nhôm ở mức thấp của Mỹ như là nguyên nhân khiến Washington áp thuế đối với 2 mặt hàng kim loại này. Từ tháng 2-2018, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố một số báo cáo về hoạt động nhập khẩu các sản phẩm thép và nhôm đã cán và chưa cán.

Mục tiêu chính của các thuế suất mới hiện tại là nâng sản lượng thép của Mỹ từ 73% lên 80% mức tiêu thụ và nhôm từ 48% lên 80%, hướng tới tính khả thi của nền công nghiệp quốc gia Mỹ trong dài hạn. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, mục tiêu này cũng là một vấn đề thuộc an ninh quốc gia đối với Bộ Ngoại giao Mỹ và là một vấn đề của các sản phẩm mang tính sống còn.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế cụ thể được coi là then chốt: khoáng sản hiếm, thép, nhôm và mới nhất là các biện pháp trừng phạt đối với Huawei. Đằng sau cuộc chiến chống Huawei là quyền kiểm soát một công nghệ bạc tỷ: thiết lập mạng lưới thông tin 5G.

Tính dễ tổn thương của Mỹ trước sự gián đoạn nguồn cung của một số khoáng sản nhất định làm giảm bớt lợi thế của họ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và do đó khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil, sẽ có vai trò cốt lõi trong việc thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico, Canada và Brazil cũng có vị thế then chốt đối với nền công nghiệp luyện kim của Mỹ vốn cần thép và nhôm của các quốc gia này.

Mới đây, Mỹ đã xóa bỏ thuế suất đối với thép và nhôm từ Mexico và Canada, và qua đó định biến khu vực Bắc Mỹ thành điểm tựa cơ bản của mình trong thời điểm vai trò và vị thế của nước Mỹ đang bị một số cường quốc khác thách thức.

(Theo An Ninh Thế Giới)

Đọc nhiều