432
category
326926

Đất đai và chuyện ‘mất cán bộ’ nhìn từ TP Hồ Chí Minh

30/09/2019 11:38

Đất đai là tài nguyên, là nguồn lực để TP Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương khác nói chung tạo nguồn thu cho ngân sách, phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là lĩnh vực đem lại lợi nhuận lớn nên rất dễ xảy ra tham nhũng.

Từ cuối năm 2018 đến nay, hàng loạt cán bộ, nguyên lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh đã bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam liên quan đến quản lý đất đai. Mất cán bộ là chuyện đau lòng, không hề muốn của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, thế nhưng dẫu đau mấy cũng phải làm, phải nhìn thẳng, quyết liệt cắt bỏ ung nhọt để giữ kỷ cương phép nước, giữ sự trong sạch của Đảng, lấy lại và củng cố niềm tin trong nhân dân.

 Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín

Đất đai mà biết… nói năng

Những ngày cuối năm 2018, bầu không khí ảm đạm bao trùm TP Hồ Chí Minh. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố các bị can Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố cùng một số lãnh đạo cấp phòng khác do liên quan đến sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án bất động sản tại khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1. Tiếp đến, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng khởi tố một số lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố liên quan đến khu đất này.

Chưa hết, các bị can trên tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến khu đất 15 Thi Sách, Quận 1. Theo hồ sơ, Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”) Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 đã lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an ký nhiều văn bản, hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà đất số 15 Thi Sách nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an. Ông Nguyễn Hữu Tín là người ký các văn bản giao đất cho Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 khu đất số 15 đường Thi Sách để xây dựng khu phức hợp thương mại – dịch vụ – căn hộ trái quy định.

Một Phó Chủ tịch UBND thành phố khác là ông Nguyễn Thành Tài cũng đi vào vết xe đổ như trên. Tháng 12/2018, ông Nguyễn Thành Tài bị bắt để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất 5.000 m2 số 8-12 đường Lê Duẩn, Quận 1 với hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ngoài ông Nguyễn Thành Tài còn có 3 cán bộ khác cũng bị khởi tố gồm: Ông Nguyễn Hoài Nam, từng giữ chức Trưởng Phòng Quy hoạch sử dụng đất – Sở Tài nguyên và Môi trường, sau làm Bí thư Quận ủy Quận 2; ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Trương Văn Út, nguyên Phó Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường. Đây là những cán bộ chủ chốt, phụ trách tham mưu về lĩnh quản lý lĩnh vực đô thị, đất đai của thành phố.

Chưa hết, tháng 1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an khởi tố bị can đối với các ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Trần Nam Trang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính; ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố; ông Vy Nhật Tảo, nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” khi hoán đổi tài sản công tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố, gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước.

Trong năm 2018, tâm bão dư luận tiếp tục đổ dồn vào ông Tất Thành Cang, từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhưng đã bị cách các chức vụ cao trong Đảng do liên quan đến việc bán rẻ 32 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho doanh nghiệp. Bà Thái Thị Bích Liên, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Chánh Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng bị kỷ luật, điều chuyển công tác liên quan đến “thương vụ” bán rẻ đất đai này.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, ông Tất Thành Cang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp, lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.

Chú thích ảnh
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Tất Thành Cang.

Không chỉ quan chức cấp cao thành phố “ngã ngựa”, người bị bắt, bị khởi tố hình sự, người bị kỷ luật về mặt Đảng, điều chuyển công tác, lãnh đạo một số Công ty nhà nước lớn của TP Hồ Chí Minh cũng “dính” sai phạm. Ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là Công ty IPC, thuộc UBND thành phố) bị bắt để điều tra hành vi “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Cùng diễn biến, cơ quan điều tra đã bắt bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (công ty liên kết với Công ty IPC).

Theo Thanh tra TP Hồ Chí Minh, Công ty IPC chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan đến các hoạt động của công ty. Trong quá trình hoạt động có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong tổ chức, hoạt động, công tác quản lý, vốn tài sản chính, việc xác định giá bán nền đất, việc thực hiện công tác cổ phần hóa, góp vốn liên doanh liên kết, việc thực hiện các dự án đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật, dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian gây thiệt hại tài sản nhà nước và của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển của công ty trong thời gian tới.

Một doanh nghiệp “tai tiếng” khác được dư luận nhắc nhiều đến là Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). Dưới thời ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc, Sagri ngập sâu trong sai phạm. Ông Hùng và nhiều cán bộ chủ chốt của Sagri đã bị bắt và khởi tố để điều tra hành vi “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Hiện nay, vụ Sagri được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Trực, hiện là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Ông Trực nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị – Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Sagri (giai đoạn từ tháng 8/2009 đến tháng 2/2015). Cùng với ông Trực, nhiều đảng viên khác thuộc Sagri cũng bị kỷ luật cảnh cáo.

“Đau” nhưng vẫn phải làm

Đất đai vốn dĩ phức tạp, nhạy cảm, nguồn lợi địa tô vốn dĩ ma lực. Nếu cán bộ không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không tuân thủ pháp luật, lơ là, buông lỏng quản lý sẽ rất dễ dẫn đến sai phạm. Mất cán bộ là câu chuyện không sớm thì muộn. Đây là chuyện đau đớn, không muốn của tổ chức Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, trong năm 2018, nhiều cán bộ cấp cao kể cả người nghỉ hưu hay làm việc trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang đã bị xử lý; có những trường hợp bị tước danh hiệu, xử lý hình sự. Điều này thể hiện tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm, dù đau lòng nhưng vì sự nghiêm minh của kỉ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, sẽ phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân.

Tại TP Hồ Chí Minh, khi nói về xử lý cán bộ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là điều đau lòng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ thành phố. Năm 2018 có 93 công chức và 59 Đảng viên bị kỷ luật. Đây là con số không mong muốn. Cán bộ sai phạm là tổn thất lớn của thành phố. Vì vậy, Thành ủy thành phố quán triệt mỗi người, một cấp phải rút kinh nghiệm, không để tiếp tục xảy ra vi phạm. Qua sai phạm trong quản lý đất có thể rút ra được nhiều bài học như điều gì đúng thì làm, không đúng không làm, nếu chập chờn sẽ đưa ra thảo luận tập thể. Phải quản lý trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Trước khi quyết định một vấn đề khó, người lãnh đạo phải thảo luận tập trung dân chủ, phải nhạy cảm chính trị, khi quyết định vấn đề gì mà ảnh hưởng đến người dân phải thảo luận, trao đổi.

Công cuộc phòng chống tham nhũng chưa bao giờ được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt, không khoan nhượng và nhân được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn xã hội như bây giờ. Kỷ luật, xử lý cán bộ vi phạm là việc đương nhiên trong Nhà nước pháp quyền. Vấn đề là phải xử lý tận gốc các tồn tại, để mỗi tấc đất là tấc vàng phục vụ lợi ích tối thượng là quốc gia, là nhân dân chứ không phải sinh ra tham nhũng, tha hóa cán bộ. Muốn vậy phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về đất đai, kiểm soát quyền lực, phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

Nếu mỗi cán bộ trên cương vị quản lý, điều hành của mình luôn giữ vững tinh thần “phê bình và tự phê bình”, nêu gương và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân”, “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, sẽ không có chuyện mất cán bộ một cách đau lòng và nhức nhối như hiện nay, trong đó TP Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình.

(Theo Tin Tức)

Đọc nhiều