Đất đai, đường lưỡi bò và câu chuyện chủ quyền

11/11/2019 17:12

Thời gian gần đây, “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện liên tiếp trên hàng loạt các mặt hàng, ấn phẩm từ sách, bản đồ, phim ảnh, ứng dụng định vị trên ô tô, thậm chí là cả phần mềm để theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời. Song song, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp do người Việt đứng tên cho doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc  đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch… tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”.

Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc
Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc

Những sự việc trên liên quan đến câu chuyện chủ quyền dân tộc nên nó không chỉ làm dư luận bức xúc, mà cũng được các đại biểu “hâm nóng” trong những buổi thảo thuận trên nghị trường Quốc hội những ngày vừa qua.

Mỗi người dân, cơ quan, doanh nghiệp cần cảnh giác với chiến lược “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đang thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực

Đất đai

Thời gian quan cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp người Việt đứng tên cho doanh nghiệp, cá nhân mang quốc tịch Trung Quốc đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch… tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh thuộc các tỉnh/thành phố như:  Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Trà Vinh, rồi khu vực Tây Nguyên…

Tức là, các dự án của Trung Quốc có ở hầu hết các địa phương, tập trung chủ yếu ở thành phố lớn, khu kinh tế trọng điểm, các tỉnh ven biển, biên giới và trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài việc góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, các vùng miền có dự án đầu tư nói riêng; đồng thời củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Nhưng, không ít dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư còn vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Liên quan đến vấn đề đất đai bị thâu tóm một cách dễ dàng ở các vị trí trọng điểm, ĐBQH Bùi Văn Xuyền từng cho rằng: “Rõ ràng đây là một hiện tượng lách luật để người nước ngoài có quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Trong khi đó, việc chuyển nhượng cổ phần giữa doanh nghiệp trong nước cho doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có quy định rất rõ ràng. Vì thế, cần xem xét lại việc quản lý của các cơ quan chức năng, họ làm chưa nghiêm nên mới xảy ra tình trạng đó”.

Cần nghiêm túc xem lại trách nhiệm của cán bộ quản lý trên địa bàn. Đồng thời, áp dụng giải pháp trước mắt là dùng quy hoạch để hạn chế giao dịch đất đai ở những vị trí quan trọng, liên quan an ninh-quốc phòng. Cụ thể thế nào thì cần phải bàn kỹ, chứ còn quy định cứng người này được mua, người kia không được mua thì không ổn.

Về lâu dài, cần sớm có giải pháp pháp lý để giải quyết vấn đề này. Bởi đây không chỉ là vấn đề riêng của địa phương nào, mà đã vượt ra khỏi khuôn khổ một địa phương, không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế-xã hội, mà còn liên quan đến chuyện an ninh-quốc phòng.

“Đường lưỡi bò”

“Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là khái niệm mà Trung Quốc dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không chấp nhận phán quyết trên, thay vào đó giới cầm quyền nước này đã tìm mọi cách để tuyên truyền cho chiến lược “đường lưỡi bò”. Từ những hoạt động quân sự hóa Biển Đông, cho đến các hoạt động ở các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa –du lịch…

Mới đây, ngày 8/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông báo đến các đơn vị thành viên về việc phát hiện bản đồ “đường lưỡi bò” trong phần mềm theo dõi vận hành điện mặt trời ở phía Nam. Theo EVN, sự việc trên là một thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc của nước ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Đáng buồn hơn, ở vai trò của nhà giáo, Chủ nhiệm khoa tiếng Trung – tiếng Nhật Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng, trang 32 giáo trình Nghe sơ cấp 1 “Developing Chinese” có hình ảnh “đường lưỡi bò” rất nhỏ, nhìn bằng mắt thường khó phát hiện.

Vị chủ nhiệm khoa này còn hồn nhiên nói, khi mang cuốn giáo trình này về thấy “bé tí, mờ mờ” nên không ai nghĩ đó là “đường lưỡi bò”, phía khoa cũng chỉ dạy về mặt nội dung, ngữ pháp nên rất khó.

“Có cái này thôi, chỉ chấm chấm thế này, ngay giáo viên không hiểu chấm chấm là “đường lưỡi bò”, sinh viên không hiểu đây là gì vì không học bản đồ, chủ yếu học ngữ pháp. Trong giáo trình này không nói về đường biên giới, tranh chấp Trường Sa, Hoàng Sa hay “đường lưỡi bò”, chỉ vẽ thế này nhưng nhiều người không biết chấm chấm là gì” – Ông Bùi Văn Thanh, chủ nhiệm khoa nói.

Đối với “sự cố” đường lưỡi bò trong phim “Everest – người tuyết bé nhỏ”, mặc dù thừa nhận sai sót nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia lại có phát ngôn gây sốc dư luận khi cho rằng, hình ảnh “đường lưỡi bò” bị cài cắm trong phim chỉ có mấy giây thôi” và mọi người “cứ làm quá lên”..v..v.

Phải nói rằng, sự xuất hiện của “đường lưỡi bò” phi pháp trên các thiết bị, hàng hóa, ấn phẩm văn hóa… không phải là ngẫu nhiên. Mà đó là việc Trung Quốc muốn tìm mọi cách tuyên truyền về “đường lưỡi bò” phi pháp này nhằm để cho tất cả mọi người trên thế giới trong đó có Việt Nam quen dần với “đường lưỡi bò” phi pháp, để rồi chấp nhận nó.

Đó là chiến lược của Trung Quốc nhằm tuyên truyền sai trái về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng xâm chiếm Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế.

Tiếc rằng, vẫn đang có một bộ phận người Việt Nam có thái độ bàng quan với chủ quyền của dân tộc, đất nước.

Và câu chuyện chủ quyền

Có một thực tế là lãnh thổ nước ta ở vị trí trọng yếu, đầu mối của nhiều con đường giao thương, từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, nơi tiếp xúc giữa đại lục và đại dương… Từ đó, mà đất nước ta luôn bị đe dọa, nhòm ngó bởi các thế lực lớn mạnh, từ nhiều phía, trong điều kiện tương quan lực lượng hết sức chênh lệch.

Ngay buổi đầu khai hoang mở đất, lấn biển, chống chọi với thiên nhiên hoang dã, lịch sử được viết bằng những trang mồ hôi, nước mắt, máu xương của bao thế hệ người Việt Nam, thấm đẫm, quấn quyện, chất chồng. Mảnh đất đó vì thế mà trở thành thiêng liêng, thành gắn bó như bộ phận trong cơ thể, không thể và không dễ gì lại có thể để rơi vào tay người khác.

Những vùng đất, vùng biển xa xôi như Hoàng Sa, Trường Sa chẳng hạn, khi mà tổ tiên chúng ta đi ra đó, thực sự là những cuộc vật lộn, chống chọi với bão tố, phong ba, dấn thân vào cõi chết và vượt lên cái chết. Đất đai, biển cả của Tổ quốc, đâu chỉ đơn thuần là đất, là nước, là biển, là đảo đá, bãi ngầm, bãi cạn…, mà còn là cả núi xương, biển máu của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam kết tinh trong đó. Vì vậy mà vô cùng thiêng liêng.

Vâng, biên giới hải đảo của Tổ quốc không chỉ rõ ràng trên bản đồ, văn bản, mà còn một cứ liệu lịch sử khác vô cùng quan trọng, đó là sự lưu giữ trong tâm thức của nhân dân… Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt đầu từ đất đai nơi mình chôn nhau cắt rốn, tình yêu quê hương đất nước bắt đầu từ những cái hết sức bình dị như vậy.

Chính vì vậy, ngoài lực lượng chính quy quân đội thường trực, thì mỗi người dân, mỗi công ty, mỗi cơ quan nhà nước đều là những “chiến sĩ” tham gia vào mặt trận chống lại âm mưu của Trung Quốc nhằm bảo vệ toàn vẹn độc lập của dân tộc, chủ quyền của đất nước.

Sông Trà

Đọc nhiều