Đáp trả “lá bài” khí đốt của Nga, EU mạnh tay với các tập đoàn năng lượng
Ủy ban châu Âu vừa cảnh báo sẽ “mạnh tay” với những tập đoàn năng lượng có ý định mở tài khoản ngân hàng bằng đồng rúp bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga.
Quyết định của Moscow cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, đồng thời cảnh báo làm điều tương tự với các quốc gia châu Âu khác đã gây chia rẽ giữa các nước thành viên vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga.
Sau thông báo của Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì không tuân thủ điều khoản thanh toán mới của Nga , Ủy ban châu Âu muốn siết chặt các quy định pháp lý đối với các công ty năng lượng. Trong đó xác định rõ những giao dịch tài chính nào sẽ cấu thành hành vi vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga. Bước đi nhằm đảm bảo các quốc gia thành viên luôn duy trì một mặt trận thống nhất và không tìm kiếm các thỏa thuận song phương để tránh bị rơi vào trường hợp của Ba Lan và Bulgaria.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen đồng thời nhấn mạnh sẽ bảo vệ người tiêu dùng châu Âu khỏi việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga: “Kế hoạch hành động của Liên minh châu Âu sẽ giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Và rất rõ ràng, mỗi đồng euro đầu tư vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả cũng là sự đầu tư vào một Liên minh châu Âu độc lập về năng lượng trong tương lai. Điện Kremlin đang làm tổn hại nền kinh tế Nga vì họ đang tự cắt bỏ các nguồn thu quan trọng.”
Sắc lệnh ngày 31/3 của Tổng thống Nga Putin yêu cầu các công ty năng lượng châu Âu phải mở cả tài khoản ngoại tệ và tài khoản rúp và các giao dịch chỉ được coi là hoàn tất khi số tiến được quy đổi thành đồng rúp. Đối với Brussels, những yêu cầu mới là sự vi phạm đơn phương các hợp đồng hiện có và là một cách để Nga né các lệnh trừng phạt của châu Âu. Bởi phần lớn (97%) hợp đồng với công ty khí đốt của Nga được tính bằng đồng euro hoặc USD. Theo Ủy ban châu Âu, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Nga là tùy thuộc vào các quốc gia thành viên.
Trên thực tế, đối với Ba Lan và Bulgaria, họ vẫn có thể xoay sở nếu không có khí đốt của Nga. Bởi những nước này đã tìm cách tự giải phóng khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga từ 10 năm nay và nhận được sự giúp đỡ của các nước láng giềng, đặc biệt là Hy Lạp. Tuy nhiên nếu Gazprom ngừng cung cấp cho Đức, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất châu lục và là nơi có ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tương đối rẻ này, thì đó lại là một vấn đề khác, với những ảnh hưởng trên quy mô lục địa.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ của ông đã sẵn sàng cho kịch bản này: “Dù chỉ là suy đoán, song kịch bản Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sẽ không có nhiều ý nghĩa. Phải có sự chuẩn bị và như tôi đã nói, nước Đức đã bắt đầu làm điều này trước khi cuộc xung đột nổ ra. Chúng tôi biết mình phải làm gì.”
Theo một nhà điều hành cấp cao của Liên minh châu Âu, cho đến nay chưa có công ty năng lượng nào của Liên minh châu Âu vi phạm các biện pháp trừng phạt, bất chấp khẳng định trước đó của Điện Kremlin rằng các công ty năng lượng châu Âu đã đồng ý với các quy định thanh toán mới. Ngay đầu tuần tới, Liên minh châu Âu sẽ triệu tập cuộc họp bất thường của các Bộ trưởng Năng lượng khối để thảo luận về vấn đề an ninh năng lượng, cũng như kịch bản Nga tiếp tục ngừng cung cấp khí đốt cho các quốc gia khác. Bởi một số công ty có thời hạn thanh toán vào ngày 20/5 tới và đây chắc chắn sẽ là phép thử đối với sự thống nhất của Liên minh châu Âu./.
Khai Tâm