Đáp trả đòn tâm lý chiến Trung Quốc

19/08/2019 10:11

Năm 2003, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân ủy trung ương Trung Quốc đã đưa ra khái niệm ‘tam chủng chiến pháp’ bao gồm tâm lý chiến, dư luận chiến và pháp lý chiến.

Đến năm 2005, Quân ủy trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn các nội dung yếu lĩnh của ba loại hình chiến pháp này để đưa vào giảng dạy ở các trường quân sự Trung Quốc.

Với sự quan tâm từ cấp cao nhất, chứng tỏ Trung Quốc rất xem trọng tâm lý chiến như một loại hình chiến tranh để giành được thắng lợi trên mặt trận không tiếng súng.

Cách đáp trả tâm lý chiến Trung Quốc là chúng ta phải luôn vững tin vào tính chính nghĩa của mình.
Cách đáp trả tâm lý chiến Trung Quốc là chúng ta phải luôn vững tin vào tính chính nghĩa của mình.

Điều này giúp Trung Quốc tránh được sự can dự hay chú ý của các cường quốc khác trên thế giới vào các tham vọng của mình.

Ở Biển Đông, Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh và tàu quân dân biển để va tông tàu ngư dân các nước khác làm cho ngư dân hoảng sợ trước sức mạnh của tàu Trung Quốc là một dạng thức của tâm lý chiến của Trung Quốc.

Trong vòng chín năm qua, số lượng tàu hải cảnh Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên tới 130 tàu, biến Trung Quốc trở thành quốc gia có lực lượng hải cảnh lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, lực lượng dân quân biển Trung Quốc bao gồm hàng trăm tàu dân quân có độ giãn nước lớn được ngụy trang thành tàu cá, cũng như các tàu cá được trang thiết bị định vị hiện đại và cả vũ khí trở thành một lực lượng tiền phong của Trung Quốc để tuần tra, đe dọa đâm va, bắt cóc và đòi tiền phạt các tàu đánh cá của ngư dân các nước khác trong ngư trường truyền thống của họ.

Dần dà, nó làm giảm sút nhuệ khí, sự tin tưởng vào khả năng của ngư dân các quốc gia khác chống lại các hành động đe dọa của Trung Quốc và đành phải từ bỏ ngư trường quen thuộc của họ.

Trung Quốc lúc đó đạt được mục đích thống trị ngư trường ở khu vực Biển Đông do sự sợ hãi từ ngư dân các nước khác khi tính mạng của họ có thể nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Đỉnh điểm vào tháng 6 vừa qua, một tàu đánh cá dân quân của Trung Quốc tông chìm một tàu đánh cá của Philippines ở khu vực bãi Cỏ Rong và bỏ mặc 22 ngư dân trước khi họ được một tàu đánh cá Việt Nam ở gần đó cứu.

Vụ việc này khiến Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin gửi phản đối lên Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Hàng hải quốc tế về hành động mất nhân tính của “tàu cá” Trung Quốc.

Gregory Poling, giám đốc của Tổ chức Minh bạch hàng hải, cho rằng chiến thuật “sử dụng bạo lực và đe dọa thường xuyên” của các tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc không thu hút nhiều sự chú ý từ các quốc gia và tổ chức quốc tế khác do đặc tính không phải xung đột vũ trang.

Do đó, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh vai trò đe dọa tâm lý của các tàu hải cảnh Trung Quốc không chỉ để xua đuổi ngư dân mà còn để củng cố chủ quyền ở khu vực đường chín đoạn phi pháp.

Việc Trung Quốc liên tục đưa tàu khảo sát và tàu hải cảnh hộ tống trọng tải lớn như Haijing 3511 với độ giãn nước khoảng 10.000 tấn, hay tàu Haijing 3901 được mệnh danh “quái vật” với độ giãn nước 12.000 tấn có kích thước gấp đôi tàu chiến lớp Ticonderoga của hải quân Mỹ, vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam thời gian qua cũng không nằm ngoài mục đích đe dọa thường xuyên các hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam.

Và phương cách đáp trả tâm lý chiến Trung Quốc là chúng ta phải luôn vững tin vào tính chính nghĩa của mình.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

Đọc nhiều