419
category
372740

Đập tan luận điệu Việt Nam là “kẻ thù của tự do báo chí”

sông trà 13/03/2020 18:27

Những hoạt động của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) thời gian dài vừa qua có vẻ như chỉ đứng ở lập trường tư tưởng của một giai tầng nào đó nên sự đánh giá thường mang tính áp đặt, thiếu khách quan. Và nền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam cũng luôn bị “bẻ cong” cách nhìn.

Mới đây, Việt Nam lại bị RSF xếp vào danh sách 20 nước bị coi như kẻ thù của tự do báo chí trên mạng năm 2020 trong báo cáo mới được công bố hôm 11/3. Việc này không chỉ gây nên sự bức xúc cho giới truyền thông nước nhà, mà nó còn tạo nên ánh nhìn không mấy thiện cảm của nhân dân dành cho tổ chức này.

Vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận ở luôn được đề cao ở Việt Nam

RSF nói gì?

Có một nội dung chính của Điều 19 – Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết 271A (III), ngày 10-12-1948 ghi rằng: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”.

Hơn 70 năm (chính xác đến thời điểm này là 72 năm) tồn tại, bản Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị, được đánh giá là bản tuyên ngôn có ý nghĩa nhân văn cao cả, đã, đang và sẽ còn là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại.

Thế nhưng, những hoạt động của RSF thời gian dài vừa qua có vẻ như chỉ đứng ở lập trường tư tưởng của một giai tầng nào đó nên sự đánh giá thường mang tính áp đặt, thiếu khách quan. Và nền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam cũng luôn bị “bẻ cong” cách nhìn.

Theo báo cáo của RSF, Việt Nam được xếp vào những nước có tình trạng bóp méo thông tin và bị xếp vào hạng 176 trên 180 nước về tự do báo chí. Danh sách của RSF chia 20 nước đội sổ thành 4 dạng bao gồm: sách nhiễu, có kiểm duyệt của nhà nước, bóp méo thông tin hoặc do thám, giám sát.

RSF nhận định chính phủ Việt Nam đã sử dụng lực lượng 47 với khoảng 10.000 chiến binh mạng nhằm chống lại cái mà chính phủ Việt Nam gọi là lực lượng phản động trên mạng, tức những thông tin chỉ trích chính phủ.

Vụ đụng độ giữa người dân xã Đồng Tâm ở ngoại thành Hà Nội và lực lượng cảnh sát hôm 9/1 vừa qua khiến 4 người thiệt mạng và một số người khác bị thương cũng được đề cập như một ví dụ về tình trạng bóp méo thông tin của lực lượng 47. RSF cáo buộc Việt Nam đã sử dụng lực lượng 47 trên mạng với các hình ảnh người dân Đồng Tâm bị bắt giữ và ép thú nhận tội trên truyền hình.

Kế tiếp, theo Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), trong năm 2019, đã có ít nhất 25 người ở Việt Nam bị kết án tù vì bày tỏ ý kiến chỉ trích trên mạng.

Rồi, thống kê của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) công bố hồi cuối năm ngoái, trong năm 2019, Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 12 nhà báo và là một trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới về các biện pháp đàn áp đối với báo giới chỉ trích chính phủ.

Có điều, RSF đã “quên” rằng, với mỗi quốc gia, dân tộc, có những đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa,…nên có những quy định về tự do báo chí, tự do ngôn luận khác nhau. Nhưng có một điểm chung bắt buộc là, các quyền tự do ấy, phải trong khuôn khổ pháp luật theo Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền -1948.

Mục địch nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam

RSF đang xuyên tạc về nền tự do báo chí ở Việt Nam

Thực tế cho thấy, Việt Nam luôn phải đối mặt với các phần tử và thế lực thù địch cả ở trong và ngoài nước, trên nhiều lĩnh vực, mặt trận khác nhau, trong đó có mặt trận tư tưởng, thông tin.

Các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, vu khống các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên mọi lĩnh vực, phủ nhận các thành tựu đã đạt được, kể cả những thành tựu được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Và mạng xã hội bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá, tạo những “trận địa giả”, những mũi tấn công đầy mưu đồ đen tối trên mặt trận tư tưởng, dưới chiêu bài “tự do ngôn luận”.

Thực ra, đó không phải là một thứ “tự do ngôn luận” theo đúng ý nghĩa của từ này, không vì sự phát triển của xã hội mà là những lời lẽ, dòng chữ, hình ảnh, video clip chụp mũ, thêu dệt, xuyên tạc, áp đặt, chống phá đầy hằn học, hận thù, đen tối. Đó thực sự là thứ “ngôn luận tự do” bịa tạc, phóng tác, bôi nhọ, tô vẽ,… rẻ rúng, không có căn cứ, bất chấp luân thường, đạo lý và luật pháp.

Nói cách khác, việc đưa tin sai sự thật, gây hại cho đất nước, thậm chí là vi phạm pháp luật cũng được họ mang ra lợi dụng, lớn tiếng bảo vệ để phục vụ mục đích xấu của mình, đó là xuyên tạc, bôi đen về tình hình tự do báo chí của Việt Nam.

Tức là, RSF nói chung và những “cây bút dân chủ” kia đã lờ đi một sự thật là bất cứ quốc gia nào trên thế giới, việc đưa tin như vậy cũng đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, không có thứ tự do ngôn luận nào, tự do báo chí nào đồng nghĩa với sự thật bị bóp méo, coi thường pháp luật, xúc phạm cộng đồng.

Nhìn thực tế ở Việt Nam để thấy, Việt Nam liên tục thiết lập những kỷ lục mới, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tìm kiếm, trao đổi, thụ hưởng thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi mặt,… của người dân cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như truyền thông xã hội.

Ở đất nước hình chữ S này, người dân Việt Nam có thể dễ dàng truy cập vào tất cả các trang web, báo chí trên thế giới; có thể bày tỏ mọi suy nghĩ, trăn trở, mong muốn chính đáng, hợp pháp, bảo đảm thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, đạo đức,… của mình trên mạng xã hội hằng giờ, hằng ngày, thông qua việc viết bài, đăng ảnh, video clip.

Mỗi người dân Việt Nam cũng đều có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới hay các trang cá nhân của mọi “công dân toàn cầu” mà không gặp phải bất cứ sự hạn chế, ngăn chặn, cấm đoán nào…

Cần phải nói, lâu nay rất nhiều người vì mục đích nào đó mà thường chỉ nhấn mạnh các quyền tự do làm báo, tự do ra báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí mà quên đi quyền được bảo vệ một cách công bằng, đạo đức trên báo chí, truyền thông. Hơn thế nữa, người ta cũng vô tình hay hữu ý mà không nhắc đến vai trò của pháp luật trong điều chỉnh hoạt động báo chí phục vụ cho mục đích chung, hài hòa của xã hội và phúc lợi của nhân dân.

Theo đó, tự do báo chí không chỉ luôn được khẳng định về mặt quan điểm tư tưởng mà còn được xác lập bởi những cơ sở pháp lý, cao nhất là trong Hiến pháp, trong Luật Báo chí , hay ra đời của Luật An Ninh mạng và việc ban hành Quy hoạch báo chí vừa qua cũng vậy. Tất cả những quy định cần thiết đó cũng là để báo chí khắc phục những mặt tồn tại, có các điều kiện tốt hơn để thực hiện quyền tự do của mình.

Vì thế, phải khẳng định rằng mục đích của RSF không gì khác là hòng hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. RSF còn cố tình làm cho nhiều người hiểu lầm rằng tự do báo chí là một quyền tuyệt đối. Từ đó cổ súy các phần tử bất mãn, các đối tượng chống đối lợi dụng quyền tự do báo chí hoạt động tích cực, quyết liệt hơn.

Họ cũng quên một điều nữa rằng, tự do báo chí ở Việt Nam là tự do hoạt động, tự do hành nghề báo chí luôn vì lợi ích của đại đa số nhân dân lao động và vì sự tiến bộ của xã hội.

Sông Trà

Đọc nhiều