Đập tan “Kẽ hở” lây lan Covid-19
Sáng nay đọc báo, tràn lan tin tức du học sinh nam rời khỏi khu cách ly lại dương tính với Covid-19. Nhiều nghi vấn về khả năng lây lan dịch trong cộng đồng. Không chỉ đến từ đường mòn, lối mở mà có thể đến từ các khu cách ly nếu không chấp hành đúng quy định. Sự việc lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về ý thức phòng chống đại dịch Covid-19 .
Công tác quản lý tại khu cách ly quá lỏng lẻo, chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của mọi người. Nếu việc kiểm tra chỉ dựa trên đếm đủ số lượng người, lỡ như có trường hợp cố tình đánh tráo người để trốn cách ly thì hậu quả thật khôn lường. Thiết nghĩ cần phải thanh tra và kiểm tra chéo để tránh các trường hợp tương tự. Các bác sĩ là người trực tiếp khám và chăm sóc bệnh nhân sẽ nắm rõ thông tin xét nghiệm. Việc ký xác nhận hoàn thành thời gian cách ly cần phải có sự thông qua của bác sĩ để đảm bảo chính xác nhất. Đồng thời, bản thân mỗi người cũng cần phải nâng cao ý thức, khi bản thân chưa có kết quả âm tính lần 2, lần 3 thì không được tự ý rời khỏi khu cách ly. Sẽ tốt hơn nếu mọi người tự giác hạn chế tiếp xúc nơi đông người sau khi về nhà trong khoảng 1 tuần tiếp theo. Đây đều dựa vào ý thức tự giác của mỗi người để đảm bảo an toàn sức khỏe chứ không pháp luật nào quy định cả.
Nói thêm về việc lần này, ông Tạ Văn Thiềng – Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đã sai hoàn toàn. Mặc dù đang bị đình chỉ công tác để điều tra nhưng hậu quả của sai lầm này quả thật không hề nhỏ. Ai đảm bảo rằng trong số F1, F2 kia đều âm tính? Các F1, F2 phải đóng cửa các cơ sở kinh doanh và nghỉ việc thì ai chịu trách nhiệm về tổn thất của họ? Nhà nước phải tốn nhân lực, tốn thời gian truy vết chỉ vì hành động “nhầm lẫn” của một vài cá nhân. Là người trong ngành y thì phải hiểu rõ hơn ai hết thiệt hại nghiêm trọng thế nào nếu dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đây không phải là lúc tìm thấy sai phạm mà là lúc “dầu sôi lửa bỏng” tìm ra nguy cơ trong cộng đồng. Ông Thiềng là cán bộ, biết luật nhưng vẫn phạm luật, cần xử lý để làm gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện công việc. Lỗi này cũng tương tự như lỗi nhập cảnh trái phép, trốn cách ly làm lây lan dịch bệnh.
Hơn nữa, đây cũng không phải lần đầu tiên có trường hợp người rời khỏi khu cách ly khi chưa có kết quả xét nghiệm lần 2. Trước đó, tại Hải Dương đã xảy ra tình trạng tương tự khiến gần 1000 người rơi vào dạng tiếp xúc F1, F2. Nếu cứ vu vi nhắc nhở thì sẽ còn tái diễn bao nhiêu tình trạng thế này? Từ vụ việc lần này mới phát hiện không chỉ có 1 mà đến 5 người chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 thì đã có giấy xác nhận rời khỏi khu cách ly. Người kí phải có người trình, vậy ai là người đã trình giấy để ông Thiềng kí xác nhận? Cần phải điều tra rõ và nghiêm trị thật nặng vì sự lơ là và thiếu trách nhiệm. Người dân hay cán bộ là người trực tiếp hay gián tiếp gây lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng đều xử phạt như nhau để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của pháp luật. Theo cá nhân tôi, tội này có thể xử lý hình sự để răn đe những trường hợp khác, đồng thời xoa dịu sự căm phẫn ngày một dâng cao của dư luận.
Ai cũng đều biết, nguy cơ chủ yếu gây nhiễm Covid-19 là do nhập cảnh. Các cơ sở cách ly phải là chốt chặn, là mặt trận chính để ngăn dịch lây lan ra cộng đồng. Vậy mà lại có những sai sót này, nó có thể xoá hết tất cả nỗ lực, hy sinh của quân dân cả nước trong hơn một năm nay. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người ở tuyến đầu nhưng lơ là và thiếu trách nhiệm. Cần phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của Bộ Y tế, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi một quy trình nếu không được thực hiện nghiêm túc sẽ không có ý nghĩa gì cả.
Như Yên
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả