8
category
404407

Đập Tam Hiệp – “Quả bom hẹn giờ” treo trên đầu nửa tỷ dân Trung Quốc có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Đặng Trường 26/06/2020 15:50

Hiện có nhiều thông tin cho rằng đập Tam Hiệp đang có nguy cơ vỡ ngay trong mùa mưa năm nay khi mực nước tại hồ chứa của đập đã chạm mốc 147m vào cuối tuần trước, cao hơn 2m so với mức cảnh báo lũ. Đặc biệt là khi lưu lượng nước từ các sông đổ về tăng từ 20.500 m3/s lên 26.500 m3/s chỉ sau một ngày làm dấy lên nhiều lo lắng về cấu trúc đập đang đứng trước sức ép lớn. Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đang bị lũ lụt nghiêm trọng, mực nước tại hồ thủy điện Tam Hiệp đã vượt mức báo động, đối mặt với nguy cơ bị vỡ đe dọa tính mạng của nhiều người dân Trung Quốc sống ở hạ lưu.

Hình ảnh khu vực đập Tam Hiệp (trái) và lũ lụt tại Trùng Khánh.

Những năm gần đây, chúng ta thường xuyên nghe được thông tin “đập Tam Hiệp bị biến dạng”, “nhiều trận động đất, lũ lụt xảy ra xung quanh đập Tam Hiệp”. Điều đáng ngạc nhiên là trên sóng truyền thông, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố kết cấu của đập Tam Hiệp (đập thuỷ điện lớn nhất thế giới) vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên, những trận động đất, lũ lụt cướp đi sinh mạng hàng chục, hàng trăm và có khi cả hàng nghìn người dân Trung Quốc đã chứng minh đập Tam Hiệp không còn “nguyên vẹn”, bình thường nữa.

Nhà thủy văn học người Đức gốc Hoa Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) nói với Đài phát thanh Quốc tế Pháp hôm 22/6 rằng: Việc thiết kế, xây dựng và kiểm tra chất lượng đập Tam Hiệp đều được thực hiện bởi cùng một nhóm người. Dự án kết thúc quá nhanh. Tờ CT Want của Trung Quốc cũng dẫn lời ông Wang cho hay, mối lo ngại lớn nhất là những vết nứt và chất lượng bê tông không đạt tiêu chuẩn đã được phát hiện ra trong quá trình xây dựng đập. Nếu sự cố vỡ đập xảy ra sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho những người sống ở vùng hạ lưu sông Dương Tử và họ nên chuẩn bị sơ tán càng sớm càng tốt.

Hình ảnh từ bản đồ vệ tinh cho thấy đập Tam Hiệp có nhiều chỗ cong biến dạng.

Theo truyền thông phương Tây, tính mạng của 400 triệu người có thể bị đe dọa nếu đập Tam Hiệp xảy ra sự cố. Theo thông tin được biết, thành phố Trùng Khánh ở phía tây nam, đã ban hành báo động đỏ về lũ lụt lần đầu tiên kể từ năm 1940, cảnh báo về “trận lụt siêu lịch sử”. Ít nhất 40.000 người đã được sơ tán. Nhưng vấn đề nan giải là 400 triệu dân Trung Quốc sẽ đi về đâu? Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) nói những người sống ở khu vực từ thành phố Nghi Xương đến thành phố Thượng Hải đều phải chạy đi mau, nhưng họ biết đi đâu bây giờ? Ngay cả khi họ đã có visa nước ngoài, có hộ chiếu nước ngoài thì họ cũng không thể xuất ngoại được nữa (vì đại dịch COVID-19), không còn nơi nào để đi nữa thì biết chạy về đâu? Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 100.000 đập chứa nước, nhưng ít nhất hơn 40% trong số đó là không an toàn. Việc xả lũ sẽ gây hiệu ứng dẫn tới nguy cơ vỡ đập như Tam Hiệp. Không có nơi nào có thể tránh lâu dài cả.

Cơ quan chức năng Trung Quốc sơ tán người dân chịu ảnh hưởng của lũ lụt.

Đập Tam Hiệp đang trở thành “quả bom hẹn giờ” treo lơ lửng trên đầu gần nửa tỷ dân Trung Quốc. Một số người lo ngại nếu vỡ đập Tam Hiệp thì Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, theo phán đoán của các chuyên gia, nếu đập Tam Hiệp vỡ cũng không ảnh hưởng gì đến Việt Nam. Bởi khoảng cách từ đập Tam Hiệp (TP. Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc) đến biên giới phía Bắc Việt Nam, các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng rất dài, khoảng 1.080 km. Giữa hai địa điểm Nghi Xương và Việt Nam ngăn cách bởi rất nhiều dạng địa hình khác nhau, chủ yếu là địa hình có độ cao trên 500m. Hơn nữa, hệ thống sông Dương Tử (nơi có đập Tam Hiệp chắn ngang) cũng không đổ trực tiếp về Việt Nam. Hệ thống dòng chảy chính của sông Dương Tử gần như chảy theo chiều ngang của lãnh thổ Trung Quốc, qua TP. Thượng Hải và đổ ra biển. Chính vì vậy, nếu vỡ đập Tam Hiệp thì người dân Việt Nam cũng không có gì lo ngại.

Nếu có lo ngại thì Việt Nam chỉ lo ngại mạng lưới hệ thống đập thủy điện chằng chịt trên thượng nguồn sông Mê Kông mà thôi. Nhiều chuyên gia cảnh báo, những cái đập không khác gì những quả “bom nước” khổng lồ lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu Trung Quốc tiếp tục hợp tác với các nước xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở đầu nguồn sông Mê Kông thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải hứng chịu cảnh ngập lụt nặng nề, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ nếu vỡ đập. Trong đó, đập Sambo do một công ty Trung Quốc xây dựng ở Campuchia (bề ngang hơn 18km, cao 56m) nếu xảy ra sự cố, lượng nước được tích trữ ở độ cao 40m trên mực nước biển sẽ biến thành quả bom nước khổng lồ tống xuống san phẳng cả Đồng bằng sông Cửu Long.

Đập Tam Hiệp nói chung và các hệ thống đập thủy điện chằng chịt có thể gây nên mối họa khó lường.

Chính vì vậy, tại Hội nghị cấp bộ trưởng về hợp tác tài nguyên nước Mê Kông – Lan Thương, đại diện Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tăng cường năng lực phòng ngừa và giảm thiểu tác động thiên tai liên quan đến nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường đối thoại và phối hợp giữa các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan đến nước; thúc đẩy tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững liên quan đến nước, duy trì cân bằng giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên nước; khuyến khích phát triển đồng hành cơ chế hợp tác tài nguyên nước Mê Kông – Lan Thương với các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác. Hay như Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 6 (GMS6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) cũng đưa ra chủ đề chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, chú trọng bảo vệ môi trường trong các dự án hợp tác phát triển kinh tế.

Đặng Trường 

Đọc nhiều