“Danh sách theo dõi đặc biệt” của Mỹ gây phẫn nộ lớn ở Việt Nam
Thông tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ (Special Watch List) liên quan đến tôn giáo đã gây phẫn nộ rất lớn trong dư luận…
Nhiều năm nay, Việt Nam luôn đấu tranh chống lại cách nhìn nhận sai lệch từ Mỹ đối với các vấn đề về tôn giáo, dân chủ. Vụ việc trên ít nhiều có liên quan với câu chuyện Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đưa các bị cáo trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai vào danh sách “Nạn nhân tự do tôn giáo và niềm tin toàn cầu”.
Tuy nhiên, nhắc đến Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), có lẽ rất nhiều người Việt Nam cảm thấy khó hiểu về những sai lầm lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác. Đây là một đơn vị tham vấn độc lập, lưỡng đảng cho chính phủ Hoa Kỳ, cơ quan này giám sát tự do tôn giáo trên toàn thể giới và khuyến nghị chính sách cho Tổng thống, Ngoại trưởng, và Quốc hội. Từ thời điểm năm 2006, sau khi Việt Nam được chính quyền Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách “những quốc gia bị quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC) thì năm nào USCIRF cũng khuyến nghị chính phủ Mỹ… đưa Việt Nam vào lại danh sách. Tuy nhiên, gần 20 năm đã trôi qua với nhiều nhiệm kỳ Tổng thống, dù là thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa thì đề xuất của USCIRF đều… thất bại.
Lâu nay, nước Mỹ vẫn tự hào về các giá trị dân chủ, và đi đâu cũng đem tiêu chuẩn về dân chủ của mình làm thước đo, áp đặt lên các quốc gia khác. Trước Việt Nam, hàng loạt các nước thuộc nhiều châu lục cũng đã bị Mỹ đơn phương đưa vào danh sách “đen” tự dựng lên của họ, như: Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan… “Sự quên” này có nguyên nhân từ các lợi ích chính trị của nước Mỹ.
Trong một thế giới ngày càng đa dạng, không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Các quyền và tự do của mỗi cá nhân, kể cả tự do tôn giáo, chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; cũng như quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ. Sẽ không công bằng khi kêu gọi bảo vệ tự do của một vài cá nhân, ngay cả lúc họ xâm phạm nghiêm trọng tự do của các cá nhân, tổ chức khác với đày đủ các tang chứng, vật chứng, và đơn từ tố cáo, làm ảnh hưởng đến lợi ích của cả cộng đồng xã hội.
Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, và là một đối tác uy tín của nhiều tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội quy mô toàn cầu, nên thay vì quan tâm can thiệp vào các vấn đề của đối tác, người Mỹ hãy dành thời gian cùng Việt Nam vun đắp, xây dựng, thúc đẩy các cơ chế đối thoại song phương để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từ đó, tránh được những hành động mang tính hai mặt.
Cần nhắc lại, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Chính sự ghi nhận tích cực của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực nâng cao quyền con người và chất lượng sống của Việt Nam đã phủ nhận thông tin một chiều từ những vụ việc tương tự như “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” nói trên.
Phạm Khoa