Danh sách đen trong ‘chuyến bay giải cứu’ và chuyện nhận hối lộ hàng trăm tỷ

Hạ Băng 12/07/2023 20:00

Quá trình cấp phép chuyến bay công dân tự trả phí, những cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn đã tạo thành “nhóm lợi ích”. Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, có 21 người bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, 18 người bị xét xử ở khung tử hình. 

Tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện các “chuyến bay giải cứu”

Kết luận điều tra chỉ ra rằng, ở quá trình cấp phép chuyến bay công dân tự trả phí, những cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn trong nước đã tạo thành “nhóm lợi ích”.

Cụ thể, các cá nhân có thẩm quyền thuộc Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc họ phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ cho những cá nhân được giao nhiệm vụ tập hợp đề xuất cấp phép chuyến bay.

Đối với các doanh nghiệp chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ, các bị can sẽ gây khó dễ với nhiều hình thức.

Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai khi được duyệt.

Số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.

Vì vậy, khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó, các đối tượng đại diện doanh nghiệp đã trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền số lượng lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn.

25 người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng và gây thiệt hại 10 tỷ đồng. 23 người là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.

“Danh sách đen”

Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, có 21 người bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ. Những cái tên phải kể đến như ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 21,5 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng; ông Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng; ông Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng;

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu, đã có những ý kiến xuyên tạc nói rằng đây là “đánh nội bộ” thì bị bác bỏ hoàn toàn, vì vừa qua “đánh đâu trúng đấy, xử anh nào cũng tâm phục khẩu phục” và điều này ngày càng thể hiện rõ. Sự phối hợp giữa các cơ quan bài bản, nhịp nhàng đã giúp khởi tố thêm nhiều vụ án, vụ việc. Điều này không những không làm nhụt chí mà còn củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cũng chính là động lực thúc đẩy tiến lên, nội bộ ngày càng đoàn kết hơn.

Nếu ai theo dõi lĩnh vực nội chính, nhất là việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng sẽ dễ dàng thấy được đây là một trong những vụ án mang tính kinh điển. Cơ quan điều tra đã làm rõ hàng loạt hành vi phạm tội, từ đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cho đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, trong số các bị can bị đề nghị truy tố, có người nguyên là điều tra viên chính thụ lý vụ án. Nói cách khác, “dao sắc” đã “gọt cả chuôi”. Việc xử lý tham nhũng đã diễn ra ngay trong chính cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

“Chuyến bay giải cứu” là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Vụ án xảy ra làm giảm sút lòng tin của người dân, tạo sơ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Đến nay, hành vi phạm tội của các bị can được làm rõ. Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố các bị can. Việc định tội sẽ được tòa án xem xét.

Hạ Băng

Đọc nhiều