8
category
462719

Đánh người nhắc nhở gãy răng, nếu trăm người chứng kiến cùng hét lên, điều gì sẽ xảy ra?

04/01/2021 20:17

“Nếu ai cũng mũ ni che tai thì có ngày ta phải mặc giáp sắt đi ra đường. Nếu tất cả những người chứng kiến hôm đó cùng thét lên một tiếng thì cũng có thể khiến kẻ côn đồ kia phải chùn bước”, TS Khuất Thu Hồng nói.

Vụ việc nam thanh niên bị đánh gãy răng do nhắc nhở xe tải dừng lâu gây phẫn nộ, bất bình, yêu cầu xử lý nghiêm khắc

Đánh người nhắc nhở gãy răng, nếu trăm người chứng kiến cùng hét lên, điều gì sẽ xảy ra?

Sự việc xảy ra vào tối 31/12, anh T.A. (26 tuổi, trú tại Hà Nội) lái ôtô theo hướng Khuất Duy Tiến đi Nguyễn Xiển. Tới ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến thì gặp xe bán tải do người tên Long điều khiển đang dừng đèn đỏ ở làn rẽ trái.

Sau nhiều lượt đèn xanh – đỏ, chiếc xe này không di chuyển gây ra tắc đường. Lúc này, anh A. xuống xe, nhắc nhở thì đôi bên xảy ra xung đột.

Ông  Long sau đó đánh liên tục vào mặt và đầu khiến anh A. bị đa chấn thương, gãy một răng cửa và phải nhập viện cấp cứu. Sau vụ ẩu đả, tài xế xe bán tải rời khỏi hiện trường.

Toàn bộ sự việc xảy ra hàng chục phút, đường rất đông, hàng trăm đôi mắt chứng kiến thời điểm anh A. bị đối tượng Long tấn công gây thương tích, máu me be bét nhưng không hề có người nào có mặt tại hiện trường có động thái can ngăn.

Sự việc khiến dư  luận bất bình với mong muốn cơ quan công an xử lý nghiêm người người đấm gãy răng anh A.  Tuy nhiên, sau 3 ngày, CA Thanh Xuân (nơi xảy ra vụ việc ) mới  triệu tập tài xế đánh người lên làm việc.

Chia sẻ với phóng viên về hành vi gây bất bình của tài xế tên Long, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết, khi tham gia giao thông ai cũng có tâm lý muốn kết thúc quãng đường nhanh nhất có thể. Việc chờ đợi do ùn tắc hoặc đèn đỏ lâu khiến một số người không kiểm soát được hành vi của mình.

“Họ bấm còi đòi vượt, lạng lách, chen lấn, bất chấp mọn người xung quanh”, TS Khuất Thu Hồng nói và cho biết, khi bị nhắc nhở thì “họ nổi xung chửi bới tục tĩu”, thậm chí “gây gổ với những người nhắc nhở họ”.  Và có chuyện ngược đời giống như vừa mới xảy ra ở Thanh Xuân vừa qua- đó là người được nhắc đã đấm thẳng mặt người nhắc.

“Những hành vi xấu xí này không quá phổ biến nhưng tiếc thay ngày nào cũng xảy ra ở nơi này hay nơi khác”, Viện trưởng Khuất Thu Hồng than phiền.

Lý do để những hành vi này cứ tồn tại như vậy, theo TS Khuất Thu Hồng là vì chúng không bị xử lý bởi pháp luật ngay tức thời hay không bị ngăn chặn bởi xã hội. Cảnh sát giao thông thường không để ý đến những hành vi này hoặc quá bận rộn mà không có thời gian để xử lý.

Những người chứng kiến thì ít khi dám hoặc muốn can thiệp. Mọi người đều có tâm lý “tránh voi chẳng xấu mặt nào” hay “chẳng phải đầu lại phải tai” vì thế những hành vi cô đồ vẫn tiếp diễn.

“Nếu tất cả những người chứng kiến đều lên tiếng thì chắc tình hình sẽ được cải thiện. Tôi không biết lúc đó có người chứng kiến lái xe bán tải hành hung anh thanh niên kia hay không? Nếu có mà họ đứng nhìn thì tôi thấy thật đáng lo ngại. Một xã hội mà kẻ côn đồ tự do hành xử thì không còn là một xã hội an toàn”, TS Khuất Thu Hồng bày tỏ.

Theo TS Hồng, đợi pháp luật xử lý những trường hợp như vậy thì “chắc là lâu”. Nhưng xã hội có thể tạo áp lực và đồng lòng lên tiếng: Áp lực hay kiểm soát xã hội cũng là một công cụ điều tiết hành vi của cá nhân.

Theo đó, một xã hội phải đồng lòng bảo vệ cái đúng chứ không phải chỉ chờ pháp luật ra tay.  “Tôi nghĩ nếu tất cả những người chứng kiến hôm đó chưa phải ra tay mà chỉ cùng thét lên một tiếng thì cũng có thể khiến kẻ côn đồ kia phải  chùn bước”, TS Khuất Thu Hồng nói.

TS Hồng nhấn mạnh:  “Nếu ai cũng mũ ni che tai thì có ngày ta phải mặc giáp sắt đi ra đường. Mỗi người đểu có trách nhiệm giữ cho môi trường xã hội bình yên và đáng sống”.

Đồng tình với quan điểm này, Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành, giảng viên trường ĐH FPT cũng nhấn mạnh, “việc  nhắc theo tôi là cần thiết” giúp cộng đồng văn minh hơn. Bởi không phải lúc nào 100% người tham gia giao thông đều cư xử đúng.

“Có người quan sát, nhắc nhở mình là rất quan trọng. Hành vi xã hội cần có sự nhắc nhở lẫn nhau, đó là điều cần thiết’, Ths Nguyễn Hà Thành bày tỏ.

Tuy nhiên, “nhắc như thế nào” lại là vấn đề mà người tham gia giao thông cần lưu tâm. Vì con người ai cũng có “sự bảo thủ nhất định”. “Có thể khi họ dừng xe lâu cũng có lý do của họ, bản thân người lái xe cũng đã rất sốt ruột rồi.

Do đó, một lần nữa Ths Hà Thành cho rằng “hành vi nhắc nhở là tốt”, nhưng cả người nhắc và người được nhắc cần bình tĩnh để tránh những xung đột đáng tiếc.

N. Huyền/Infonet 

Đọc nhiều