8
category
396373

Đánh đuổi Pháp, Mỹ là đánh đuổi nền văn minh hay tư duy nô lệ?

27/05/2020 16:20

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin nói một chút về khoảng thời gian cả ngàn năm Bắc thuộc, chắc chắn vào thời điểm ấy, Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh và là nền văn minh bậc nhất thế giới. Vậy tại sao các thế hệ người Việt vẫn luôn giương cao cờ khởi nghĩa, liên tục đòi độc lập, tách ra khỏi Trung Quốc chứ không chấp nhận trở thành một phần của “Trung Hoa vĩ đại”? Liệu các thế hệ sinh sống sau thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc ấy có nói về những thế hệ trước kiểu như: “Đánh đuổi Trung Quốc là đánh đuổi nền văn minh” hay không? Câu trả lời chắc chắn là không rồi.

Thanh niên Tam Kỳ (Quảng Ngãi) bị buộc đi lính mộ cho thực dân Pháp trong hai cuộc chiến tranh thế giới 1914 – 1918 và 1939 – 1945.

Nhưng hiện nay, dần dà, nhiều người Việt bắt đầu có xu thế biện minh, bênh vực cho Pháp, Mỹ. Rằng những việc mà người Pháp, người Mỹ làm chỉ là nhằm mục đích “khai hóa nền văn minh” và nếu không có người Pháp, người Mỹ thì Việt Nam vẫn chỉ là một quốc gia phong kiến lạc hậu, cổ hủ. Nghe qua có vẻ đúng nhưng thực chất, người Pháp là “chất xúc tác” gián tiếp khiến cho chế độ phong kiến Việt Nam đi vào đổ vỡ. Người Pháp đến Việt Nam không phải là để “giúp đỡ”, mà đơn giản chỉ muốn Việt Nam trở thành thuộc địa Pháp, việc chế độ phong kiến Việt Nam sụp đổ là hệ quả của một chế độ yếu kém về quân sự và kinh tế và mất quyền lãnh đạo đất nước.

Nhiều người, nhìn vào đường tàu Bắc Nam vẫn còn tồn tại và được sử dụng đến tận ngày nay hay những công trình thời kỳ đó và đến giờ vẫn đẹp, những khu vực quy hoạch đầy mảng xanh trong nhũng tấm ảnh phục chế và ngộ nhận, đó là “văn minh” và những gì tinh túy của người Pháp đem lại cho Việt Nam. Thực chất, cái đường tàu Bắc Nam ấy, là một con đường đau khổ, được Pháp xây dựng để khai thác khoáng sản khắp Việt Nam, di chuyển lực lượng để đàn áp các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp cả nước. Người dân Thanh Hóa có câu: “Ăn rau má, phá đường tàu” là ngụ ý cho việc người dân xứ Thanh phản đối quân Pháp bằng cách phá đường tàu. Khi một vị quan được Pháp triệu đến tra hỏi, vị quan này nói rằng: “Do dân chúng con khổ quá, mà chẳng có cái gì ăn nên đi ăn rau má, đường ray kia đẹp quá nên rau má mọc bên. Chẳng biết là của trên nên chúng con mới có chuyện phá” – Mình mượn lời từ bài hát “Tự hào quê hương Thanh Hóa” để nói rõ hơn về tích này.

30 năm đầu tiên của Thế kỷ XX, để thực hiện chính sách khai thác triệt để thuộc địa, Pháp đã xây dựng một Hệ thống Đường sắt từ Bắc vào Nam. Ảnh: Ga Gia Lâm.

Những công trình đẹp mà Pháp để lại vẫn còn đến tận bây giờ, đó phải chăng là biểu hiện của “sự tự do văn minh”? Như Nhà thờ lớn chẳng hạn, cũng được xây dựng nhờ việc Pháp phá nát chùa Báo Thiên, vốn là một trong những ngôi chùa cổ kính, đồ sộ, mang bản sắc lịch sử của toàn bộ các thời kỳ phong kiến Việt Nam. Trong chùa Báo Thiên từng có tháp Báo Thiên vốn là một trong “An Nam tứ đại khí” – những bảo vật của Việt Nam được cho rằng chứa “linh khí” của người Việt, người Pháp đã đốt chùa, xây dựng Nhà thờ Lớn – muốn áp đặt một công trình của một tôn giáo không phải là tôn giáo truyền thống của người Việt ở một khu đất linh thiêng của Thăng Long cũ.

Rồi nhắc về chùa Một Cột, một trong những biểu tượng của Hà Nội, cũng đã bị những đội quân người Việt đánh thuê cho Pháp đặt mìn cho nổ trước khi chúng cút chạy khỏi Hà Nội. Những kẻ đặt mìn hạ gục công trình ngàn năm tuổi này là những tên lính vốn là linh mục theo Pháp từ lâu. Hoặc như cầu Long Biên, vốn cũng là một công cụ khai thác thuộc địa của Pháp, nhưng cầu Long Biên lại trở thành một “chứng nhân lịch sử” cho công cuộc kiến thiết, bảo vệ Tổ Quốc. Những gì người Pháp đã xây dựng, không có nghĩa là để giúp người Việt và càng không có nghĩa lý gì trong việc “khai hóa văn minh”. Có thể ví dụ bằng một câu chuyện thế này: Bây giờ, anh Nguyễn Văn A có một miếng đất, trên miếng đất đó có nhà thờ Tổ, một người khác đến đó đến chiếm đất, sau đó đập bỏ nhà thờ Tổ, dựng lên một căn nhà hai tầng, sau đó ép anh Nguyễn Văn A vào làm tạp vụ. Anh Nguyễn Văn A nên tỏ ra biết ơn và nghĩ rằng, chính người đó đã giúp đỡ mình phá đi những điều cũ kỹ, lạc hậu và mang “văn minh” đến sao?

Trong quá khứ, Pháp xây dựng với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất và phục vụ việc đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc kỳ, chính vì vậy mà cầu Long Biên đã được xây dựng bằng rất nhiều xương máu của người Việt Nam.

Những di sản của những thế hệ cha ông đi trước, như chùa Báo Thiên, chùa Một Cột đã bị phá hủy. Pháp sẵn sàng đặt một phiên bản tượng Nữ thần tự do thay cho Tháp Rùa, đó là văn minh? Hay là thứ văn minh ngoại lai, dị hợm đạp đổ lên những giá trị truyền thống dân tộc. Mà còn hàng ngàn bảo vật Việt Nam, được Pháp cướp trắng và đem trưng bày tại các bảo tàng tại Pháp hiện tại. Nhưng với lũ mất gốc, sẽ nói là nhờ Pháp mà những bảo vật đó được biết đến nhiều hơn.

Nhắc đến Mỹ và cuộc chiến tại Việt Nam, một nền “văn minh” mà nhiều người thèm muốn, đó kiểu như là một hình mẫu Hàn Quốc. Nhìn về Hàn Quốc, mà quên rằng, có rất nhiều đồng minh khác, từng theo Mỹ, như anh bạn hàng xóm Philippines và Thái Lan hiện nay ra sao? Hay như Iraq, Iran, Palestin, từng thân Mỹ lắm, nhưng rồi lại trở thành những kẻ thù. Mà còn cả Đài Loan nữa, cũng từng có quan hệ với Mỹ, rồi đùng cái, Mỹ đẩy Đài Loan ra cho Trung Quốc thế chân trong “Liên Hợp Quốc”.

Còn Việt Nam cũng muốn hợp tác và phát triển và đáp lại lời mời mong muốn trở thành bạn bè từ chủ tịch Hồ Chí Minh, các quốc gia văn minh đó, như Pháp và Mỹ, đã làm gì? Xua quân đến đốt phá, đem chất độc màu da cam đến, dùng bom Napalm, ném bom rải thảm miền Bắc, rồi chia cách Việt Nam. Đó là cách hành xử của những quốc gia “văn minh”?

Có hàng trăm quốc gia đã biến mất trên tiến trình lịch sử thế giới, thậm chí có nhiều quốc gia hùng mạnh, đế quốc, có thể kể đến như Đế chế Khơ Me, La Mã Thần Thánh, Ba Tư… Thật may vì bằng những gì thế hệ cũ đã làm được, Việt Nam đã độc lập, toàn vẹn và tồn tại đến bây giờ, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ sống ở thời đại hiện nay những vẫn mong muốn trở thành nô lệ cho các quốc gia khác.

Cột cờ Lũng Cú (Hà GIang), một cột mốc nằm trên đường biên giới Việt-TRung được xây dựng lại từ thời Pháp,

Hiện nay, vẫn còn hơn chục quốc gia châu Phi phải nộp “thuế thuộc địa” cho Pháp và bằng ấy quốc gia đó, có được hưởng sự văn minh của người Pháp không? Hay vẫn là “lục địa đen” – ở đây không phải là lục địa của người da đen, mà là lục địa có một lịch sử đen tối, bị nô lệ và đến giờ vẫn phải chịu áp bức. Rồi như Philippines, từng bỏ phiếu mong muốn trở thành một bang của Hoa Kỳ và thế nào? Tư duy nô lệ hình thành ra những con người nô lệ với suy nghĩ nô lệ và hành động nô lệ. Thay vì độc lập, tự chủ, tự do, thì luôn mong ngóng được ban phát “văn minh, văn hóa”, không làm, mà muốn có ăn.

Làm chủ cuộc đời không thích, lại thích sống kiếp sống mặc bay phó mặc cho kẻ khác. Rồi hàng triệu người Việt đã hi sinh đánh đuổi các nền văn minh đó, đem lại độc lập, tự do, chấm dứt chiến tranh, giờ trở thành những cái chết vô nghĩa hay sao? Bảo khai hóa văn minh, mà lại đốt chùa, phá làng xóm, chia cắt lãnh thổ, coi người dân là nô lệ, đem bom đạn, lính đánh thuế đến, hãm hiếp, tra tấn, tàn sát. Lịch sử đã qua, không nên phán xét lịch sử nhưng không đồng nghĩa chúng ta được phép quên những sự thật đã diễn ra trong quá khứ. Trong bối cảnh đất nước đã bình thường quan hệ ngoại giao với Pháp, Mỹ và hợp tác toàn diện. Việt Nam mở cửa hòa nhập, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hoan nghênh hợp tác đầu tư mọi mặt, đôi bên cùng có lợi nhưng chắc chắn sẽ không “hòa tan”.

Tifosi

Tags :
Đọc nhiều