Đằng sau việc Thái Lan giảm giá tiền điện

Công Luân 08/05/2023 09:26

Trong hoàn cảnh, EVN được cho phép tăng giá điện lên 3% còn Thái Lan giảm giá tiền điện hỗ trợ cho người dân chống lại nắng nóng thì việc so sánh mang chiều hướng tiêu cực là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ít ai biết được đằng sau việc Thái Lan giảm giá tiền điện cho người dân là gì.

Tháng 4 vốn là thời gian nhiệt độ nóng bức ở Thái Lan, song tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay. Nhiệt độ hồi đầu tháng 4 đã chạm mốc 45 độ C, với nhiều nơi chỉ số nhiệt (nhiệt độ cảm nhận thực tế) lên mức trên 50 độ C ở nhiều khu vực, bao gồm những địa điểm thu hút khách du lịch như Phuket hay Chiang Mai.

Tình hình nắng nóng và ô nhiễm đã ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế, khi du khách sẽ dè dặt chọn điểm du lịch. Ngoài ra, hàng nghìn người có thể mắc bệnh do nhiệt và ô nhiễm. Và cũng khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, trong khi thu nhập của các hộ gia đình bị giảm sút. Những điều này biến giá năng lượng trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong kỳ bầu cử của Thái Lan được bắt đầu từ ngày 14/05 tới đây.

Điều này minh chứng bằng việc Đảng đối lập Pheu Thai – vốn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước bầu cử hứa hẹn sẽ cắt giảm hóa đơn điện nếu giành chiến thắng trong ngày 14/5. Chính vì thế, động thái giảm giá điện nói thẳng ra là phục vụ cho nhu cầu chính trị, xoa dịu người dân Thái Lan.

Câu chuyện ở đây đặt ra là vì sao Thái Lan cần phải xoa dịu. Bởi từ năm 2019, giá điện Thái Lan tăng tới 25-30%. Trong đó chỉ riêng trong 12 tháng gần đây, có lần đã tăng tới 20% và gây ra một sự phẫn nộ lớn trong người dân nước này. Ngày 07/01/2023, Chính phủ Thái Lan điều chỉnh 13% giá điện cho doanh nghiệp lấy lý do “thay đổi cách tính giá khí đốt phát điện”.

Cuối tháng 4, chính quyền Thái Lan điều chỉnh giảm từ 4,77 bath/kWh xuống còn 4,70 bath/kWh. Tương ứng với mức giảm còn chưa được 1%. Chính vì thế mà hầu như dư luận Thái Lan đã tỏ rõ thái độ tức giận hơn là vui mừng trước việc giảm giá mang tính vỗ về trên. Trên bài đăng giảm giá điện ở trang tin lớn của Thái Lan như BangkokBizNews, BangkokPost… cư dân mạng Thái Lan đều thả mặt cười, châm chọc chính sách này là “trò hề”, “gió thoảng mây bay”, “thất hứa”, “thôi tăng nữa đi tôi chẳng cần giảm đâu”….

Trong vòng 12 tháng trở lại đây, không chỉ Thái Lan mà các quốc gia khác trong ASEAN đều phải tăng giá do giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung khan hiếm. Hàn Quốc cũng phải tăng giá điện tới 9,5%. Tại Nhật Bản thì Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cũng tăng giá điện tới 30% để bù lỗ và dự trữ khủng hoảng. TEPCO là công ty điện đã được Chính phủ Nhật Bản “quốc hữu hóa” hồi năm 2012.

Công Luân

Đọc nhiều