Đằng sau việc giá xăng thấp kỷ lục trong năm
Sau lần điều chỉnh mới đây nhất, giá xăng dầu trong nước đã có sự giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Đây hoàn toàn không phải diễn biến bất ngờ mà đã được dự đoán từ trước.
Về cơ bản, giá xăng dầu bán lẻ ở nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thế giới. Do đó, với việc giá dầu thô thế giới hiện đã giảm đáng kể chỉ còn dao động trong khoảng trên dưới 80 USD/thùng, thì lẽ dĩ nhiên là giá xăng dầu tại thị trường trong nước cũng sẽ phải giảm xuống.
Giai đoạn từ nay đến hết năm 2022 cũng như trong năm 2023, diễn biến của giá dầu thô thế giới sẽ khó tránh khỏi xu hướng tiếp tục giảm giá. Nguyên nhân chủ yếu nhất chính là những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng và sức tiêu thụ trong thực tế đã giảm sút.
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8,7% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước. Đó là một biểu hiện của sự thu hẹp quy mô sản xuất trong khi Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Tại Mỹ, chỉ số sản lượng tổng hợp, bao gồm hoạt động sản xuất và dịch vụ, giảm xuống 46,3 điểm trong tháng 11 còn doanh thu bán lẻ cũng giảm 0,6% trong tháng 11. Sự suy giảm nhu cầu về lao động thì đã thể hiện rõ nét, khi làn sóng sa thải lan rộng khắp các ngành công nghiệp của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, giải trí và bất động sản. Những điều này thể hiện hoạt động sản xuất của nền kinh tế số một thế giới đang ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Từ những điều này, chúng ta có thể đi đến một kết luận rằng giá xăng dầu tại Việt Nam trong thời gian tới hoàn toàn có thể tiếp diễn xu hướng giảm. Giá xăng dầu giảm tất nhiên sẽ giảm bớt áp lực lạm phát, là cơ hội để người dân ổn định cuộc sống, doanh nghiệp trong các ngành sản xuất và vận tải giảm được những gánh nặng về chi phí đầu vào.
Cùng với sự giảm giá này, hẳn sẽ có nhiều ý kiến lo ngại rằng sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ như giai đoạn tháng 10 – đầu tháng 11 có thể sẽ lặp lại. Thật vậy, từ đầu năm đến hết quý II, giá dầu thô cũng như xăng dầu thành phẩm đều tăng rất cao, nhưng từ quý III lại sụt giảm rất nhanh và mạnh khiến giá bán trong nước cũng mau chóng được điều chỉnh theo. Trong khi đó, thông lệ quốc tế là nhập khẩu xăng dầu phải nhập khẩu theo kỳ hạn. Những điều này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải chịu những khoản thua lỗ lớn trong giai đoạn vừa qua. Đã vậy, thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11, lại đúng vào lúc lãi suất tăng đáng kể khiến khả năng tiếp cận tín dụng eo hẹp, còn tỷ giá USD/VND tăng khiến các hoạt động nhập khẩu thêm bất lợi. Tất cả những điều ấy đưa đến chỗ nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc chủ động dừng bán hàng để giảm lỗ.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã có những biến chuyển nhất định. Cụ thể, đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2%. Áp lực về tỷ giá cũng đã giảm bớt đáng kể. Những điều này sẽ đem lại tác động tích cực hơn về mặt tài chính đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, Chính phủ và Bộ Công thương cũng đã có những sự vào cuộc chỉ đạo liên tục trong thời gian gần đây. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng nhu cầu xăng dầu nội địa sẽ được đáp ứng đầy đủ trong thời gian tiếp theo.
Mạnh Hải